Search
Bình Triều tổ chức đón nhận, cải táng hài cốt liệt sỹ | Thăng Bình tập trung cho vụ hè thu 2024 | Đại hội thi đua Quyết thắng lực lượng vũ trang huyện Thăng Bình giai đoạn 2019 - 2024 | Hội nghị cập nhật kiến thức cho cán bộ chủ chốt toàn huyện năm 2024 | Thăng Bình gặp mặt các vị chức sắc Phật giáo | Tháng 5 nhớ Bác | Năng suất lúa đông xuân 2023 - 2024 ở Thăng Bình đạt 62,58 tạ/ha | Nông dân Bình Phục thu hoạch kiệu giống | Đồng chí Phan Thanh Vân, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy trao tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng cho đảng viên tại nhà riêng | Thăng Bình: Triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể | Vận động được trên 19 triệu động từ chương trình “Heo đất giúp bạn đến trường” | Vụ hè thu 2024, áp dụng tưới bằng động lực từ trạm bơm điện Cơ Bình | Thăng Bình hiệp thương cử bổ sung 7 ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện khóa X | Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Bình Sa lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2026 | Hội nông dân Việt Nam xã Bình Dương tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đại biểu hội nông dân các cấp gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới năm 2024 | Bình Nguyên vận động hơn 76 triệu đồng vào Quỹ vì người nghèo | Thành lập Trung tâm huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ và giáo dục nghề nghiệp số 3 | Tuổi trẻ Thăng Bình xây dựng cầu treo dân sinh tại Nam Trà My | Thăng Bình - Đông Sơn: 64 năm nghĩa tình trọn vẹn | Em Trần Hữu Phúc, Trường THPT Nguyễn Thái Bình giành vòng nguyệt quế tại cuộc thi tháng đầu tiên Cuộc thi “Học trò xứ Quảng” năm 2024
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin

Chiến dịch tiến công và nỗi dậy giải phóng huyện Thăng Bình mùa Xuân năm 1975

Tác giả: Nguyên Bình Ngày đăng: 9:18 | 29/04 Lượt xem: 536

Trong lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước do Đảng Cộng sản Việt Nam trong thế kỷ XX là một trong những cuộc kháng chiến kéo dài nhất, quy mô nhất và oanh liệt nhất. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là đỉnh cao nhất, là thắng lợi vẻ vang, trọn vẹn của toàn bộ cuộc kháng chiến. Cùng với toàn miền Nam trong mùa xuân lịch sử của dân tộc, 50 năm trước - mùa Xuân năm 1975, quân và dân huyện Thăng Bình đã cùng hòa nhịp khí thế tiến công nổi dậy giải phóng hoàn toàn toàn quê hương.

Với khí thế tiến công của quân, dân Khu 5 và Tây Nguyên trong những ngày tháng 3 lịch sử, chiến dịch Xuân tiến công và nổi dậy giải phóng quê hương của quân và dân huyện Thăng Bình được mở màn bằng lễ xuất quân tiến công địch trong chiến dịch Xuân - Hè năm 1975. Tối ngày 13.3.1975, tại Đức An, Bình Phú, Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy tỉnh đội đã tổ chức lễ xuất quân tiến công địch trong chiến dịch Xuân - Hè 1975. Các chiến sĩ của Tiểu đoàn 70, 72, 11 và lực lượng Đặc công của tỉnh, các đơn vị vũ trang và du kích, các đội công tác của huyện Thăng Bình cũng như cán bộ, đảng viên các cơ quan tỉnh tham gia đoàn quân giải phóng vùng Đông, nghiêm trang trước chân dung Bác và cờ Tổ quốc tuyên thệ và khẳng định quyết tâm giải phóng vùng Đông. Lễ xuất quân diễn ra trong không khí trang trọng và đầy hào hức của các lực lượng vũ trang trên mảnh đất Thăng Bình như báo hiệu sự thành công trọn vẹn của trận quyết chiến cuối cùng giải phóng quê hương trong mùa xuân lịch sử này.

Sau lễ xuất quân, trận đánh mở màn chiến dịch cũng bắt đầu 1 ngày sau đó. Đúng 5 giờ 30 phút, ngày 14.3.1975, 2 Tiểu đoàn 72, 11 và Đại đội đặc công 16 nổ súng tiêu diệt các chốt Gò Dài, Điểm cao 59, Gia Hội giải phóng 3 xã vùng Tây huyện Thăng Bình. Tiểu đoàn 72 có nhiệm vụ phát triển mở bàn đạp, thông hành lang vượt Quốc lộ 1 tại Bình Tú để đêm ngày 16.3 đại bộ phân lực lượng của tỉnh, huyện xuống vùng Đông Thăng Bình.

Thất thủ ở địa bàn trọng điểm Bình Phú và vùng Tây Thăng Bình, ngay lập tức địch điều động một tiểu đoàn Bảo an cùng nhiều xe tăng có pháo yểm trợ tối đa, liên tục đánh càn quét nhằm khôi phục lại tuyến giao thông trên Quốc lộ 1 và bịt hành lang của ta. Hành lang xuống vùng Đông Thăng Bình hướng Ngọc Phô, Bình Tú gặp vô càng khó khăn, trở ngại. Lực lượng bố trí sẵn của Tiểu đoàn 72 đã kiên quyết chặn địch trên Quốc lộ và các vùng lân cận, buộc chúng phải co cụm đối phó và giữ vững tuyến hành lang chiến lược của chiến dịch.

Sau lễ xuất quân và giành những thắng lợi bước đầu tại vùng Tây, tối ngày 16.3.1975 Tiểu đoàn 70, bộ đội huyện, các đội công tác lần lượt vượt qua đường số 1 và tiến về giải phóng vùng Đông. Nhiệm vụ của bộ đội tỉnh lúc này là “đánh chốt diệt viện” ở phía Tây sông Trường Giang. Nhiệm vụ của bộ đội huyện là đánh địch các chốt điểm ở phía Đông sông Trường Giang, đánh địch nống ra lấn chiếm giải tỏa ở Bình Nam, Bình Dương. Các đội công tác vừa tác chiến đánh địch vừa dẫn đường cho bộ đội vừa phát động quần chúng. Đội công tác Bình Dương, Bình Giang đã tiếp cận căn cứ lõm vào lót tại cơ sở trước chiến dịch nổ ra. Các đội công tác Bình Nguyên, Bình Trung, Bình An tiếp cận địa bàn chờ thời cơ diệt ác ôn và phát động quần chúng. Đội công tác Bình Tú do đồng chí Đỗ Thị Phổ - Huyện ủy viên, Huyện đội phó trực tiếp chỉ huy, trụ bám đánh địch, giữ vững trục hành lang Đông - Tây đảm bảo cho việc thực hiện kế hoạch tác chiến.

Lực lượng của ta hành quân cấp tốc, đến rạng sáng ngày 17.3, đội hình đến suối Trường An - Bình Tú tách ra thành 2 cánh tiến theo hai hướng. Bộ đội tỉnh tiến xuống Hưng Mỹ (Bình Triều), Châu Khê (Bình Sa) thực hiện nhiệm vụ giải phóng tây sông Trường Giang và đông Quế Sơn, chờ thời cơ tiến đánh địch ở đông Tam Kỳ. Bộ đội huyện chia làm hai mũi: một mũi gồm V15 do đồng chí Hoàng Bạch Mai - Quyền Huyện đội trưởng chỉ huy tiến công giải phóng Bình Hải, sau đó đánh ra giải phóng Bình Đào, Bình Dương; mũi còn lại có Đội 1 Đặc công, đội Công - Pháo do đồng chí Trần Hồng Anh - Huyện đội phó chỉ huy tiến công giải phóng các xã Bình Nam, Bình Sa, cùng với đó phối hợp với V12 huyện Bắc Tam Kỳ tạo thời cơ giải phóng toàn huyện Tam Kỳ. Các đội công tác xã cùng tham gia chiến đấu và dẫn đường cho bộ đội đánh địch và phát động quần chúng nổi dậy, thành lập chính quyền lâm thời ở cơ sở.

Sáng ngày 17.3, một cánh quân của ta đến bờ tây sông Trường Giang, những loạt trung liên từ phía Bắc của nghĩa quân Bình Sa bắn vào đội hình. Ta triển khai nhanh hỏa lực B41, cối, đại liên bắn uy hiếp, địch buộc phải tháo chạy về hướng bắc, gặp đội hình đại đội V16 chặn đánh tiêu diệt. Cùng thời điểm, Đội công tác xã Bình Hải dẫn đường đơn vị V15 huyện vượt sông Trường Giang sang thôn Hiệp Hưng (Bình Hải) để hổ trợ nhân dân nổi dậy cướp chính quyền. Đến 11 giờ ngày 17.3, xã Bình Hải hoàn toàn giải phóng.

Đội công tác Bình Sa dẫn Tiểu đoàn 70 và một số cán bộ tỉnh tiến vào bao vây đồn Cây Mâm, thôn Châu Khê (Bình Sa). Do biết được kế hoạch của ta nên bọn lính tại Cây Mâm đã cuống cuồng bỏ chạy, ta tiến vào chiếm đồn dễ dàng. Sau khi tiến vào làm chủ Bình Sa, một bộ phận của ta phát triển ra Vân Tây - Bình Triều, chờ đánh phản kích tuyến Ngọc Phô - Hưng Mỹ; một bộ phận bộ đội huyện tiếp tục phát triển đánh chiếm Phương Tân, Vịnh Giang (Bình Nam), hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ. Tại đây ta bố trí trận địa, bố trí lực lượng chốt chặn đánh địch từ Kỳ Phú (Tam Kỳ) phản kích ra cánh đông Thăng Bình.

Suốt ngày 17.3, ta liên tục thực hiện tác chiến với địch đúng như ý đồ chiến dịch. Để ngăn chặn bước tiến công của ta ở đông Thăng Bình, sáng ngày 17.3 địch điều 1 tiểu đoàn chủ lực của Trung đoàn 56 và 10 xe bọc thép cùng với nghĩa quân của quận nống ra lùng sục theo dọc hành lang Đông Tây Quốc lộ 1A. Phía Tây quốc lộ 1A, ta bố trí Tiểu đoàn 72 được tăng cường pháo của tiểu đoàn 74; phía Đông Quốc lộ 1A ta sử dụng đại đội 16 đặc công của tỉnh liên tục tác chiến đánh địch, buộc địch co cụm về quận lỵ Thăng Bình và giữ vững trục hành lang Quốc lộ 1A.

Lúc này, trên toàn chiến trường miền Nam, lực lượng của ta đang tăng cường đánh mạnh vào các cơ quan đầu não của địch. Tây Nguyên thắng lớn. Ngày 18.3.1975, Bộ Chính trị nhận định “Thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược của ta đánh dấu một bước rất mới trong cục diện chung, mọt bước suy sụp mới của Mỹ - ngụy. Địch đang thực hiện co cụm chiến lược, có thể cụm quân ở Đà Nẵng, Cam Ranh…”.  Bộ Chính trị quyết tâm hoàn thành kế hoạch giải phóng miền Nam trong năm 1975. Nhiệm vụ trước mắt là nhanh chóng tiêu diệt quân đoàn 1 ngụy, không có chúng rút về Sài Gòn, quyết tâm giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh Trung bộ.

Lợi dụng thời cơ trên chiến trường toàn miền, Ban chỉ huy chiến dịch nhận định địch không đủ điều kiện khả năng để phản ứng, giải tỏa tây Thăng Bình mà chỉ dùng lực lượng chủ lực nống ra lấn chiếm đông Thăng Bình. Từ đó, Ban Chỉ huy chiến dịch lệnh cho Tiểu đoàn 72 tăng cường nả pháo tiếp sức cùng lực lượng vùng đông Thăng Bình.

Tối 18.3, tiểu đoàn 70 tấn công san bằng đồn Chợ Được - Bình Triều. Đại đội V15 và Đội công tác Bình Đào đánh chiếm trụ sở Hội đồng xã Bình Đào. Công binh tỉnh đánh sập cầu Bình Đào, cắt đứt mọi chi viện, phản kích của địch. Đại đội V15 chốt giữ Đồi Tương, vây ép địch ở Bình Dương. Bọn địch ở Bình Đào, Bình Triều, Bình Sa vứt bỏ súng đạn, buộc phải giả tràn thường dân bỏ trốn.

Đúng như dự đoán của Ban chỉ huy chiến dịch, địch không đủ khả năng để giải tỏa cánh tây Thăng Bình mà chỉ có thể đưa quân nống ra giải tỏa cánh đông. Ngày 19 và 20 tháng 3 địch điều Tiểu đoàn 2 - Trung đoàn 56 (Sư đoàn 3) và 2 Tiểu đoàn địa phương quân cùng chi đoàn xe bọc thép tổ chức phản kích cánh đông từ Chợ Được đến Châu Khê. Các trận địa pháo Tuần Dưỡng, Hà Lam, Núi Quế chi viện đắc lực trước khi xe bọc thép bộ binh vào phản kích. Các mũi tấn công của địch đã vấp phải sự kháng cự của Tiểu đoàn 70. Bị chặn đánh bất ngờ, quân địch hỗn loạn và đến lúc nhận ra đội hình đã lọt vào thế trạn bao vây của ta, bọn chúng vội co cụm đội hình chống trả, đồng thời gọi máy bay, pháo binh chi viện. Chiều ngày 19.3, bọn địch rút về Hà Lam. Thế trận cánh đông lúc này vẫn được ta giữ vững.

Ngày 20.3, địch sử dụng 2 Tiểu đoàn cộng hòa, 2 Tiểu đoàn Bảo an, 1 chi đoàn và 1 chi đội xe bọc thép chia làm nhiều hướng đồng loạt đánh vào các khu vực Chợ Được - Hưng Mỹ nhằm lạt ngược tình thế. Tiểu đoàn 70 và bộ đội địa phương huyện đã chặn đánh quyết liệt, diệt nhiều tên, bắn cháy 3 xe tăng và xe bọc thép. Song do quân địch đông, tiến quân nhiều hướng, lại dùng phi pháo đánh phá ác liệt khiến Tiểu đoàn 70 phải bật ra khỏi Chợ Được để bảo toàn lực lượng. Ở hướng Châu Khê - Hưng Mỹ, pháo binh địch bắn phá ác liệt, song Tiểu đoàn 72 vẫn anh dũng trụ bám, chiến đấu chặn đứng quân địch ngoài nổng cát phía nam Tất Viên và hai bên đường Ngọc Phô - Hưng Mỹ, diệt 1 đại đội địch, thu 20 súng các loại, giữ vững trận địa.

Để phối hợp nhịp nhàng với cánh đông Thăng Bình, trong đêm 21 rạng sáng 22.3.1975, Tiểu đoàn 11 của tỉnh cùng với Đại đội địa phương huyện Phước Sơn và du kích, Đội công tác các xã cánh tây tiến công địch trên đường 16, đánh sập cầu Ông Triệu, làm chủ khu vực Trảng Chổi, Châu Mỹ (Bình Qúy), cắt đứt đường 16. Địch buộc phải vội điều quân cộng hòa đang phản kích ở vùng Đông lên đối phó với ta ở tây Thăng Bình. Lúc này, ở cánh đông, quân địch buộc phải dàn mỏng đội hình ra để đối phó với ta. Chớp thời cơ, Ban Chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho các lực lượng cánh đông tiến công giải phóng các xã còn lại.

Sáng ngày 22.3, tại thôn 6 Bình Dương, Tiểu đoàn 70 đã nổ súng diệt gọn một Đại đội địch. Đại đội V15 tiêu diệt chốt điểm Đồi Mong. Đội Công tác Bình Dương đột nhập vào khu dồn tiêu diệt bọn ác ôn, bọn nghĩa quân ở khu dồn Đồi Cà hoảng sợ, buộc phải giao nộp súng đầu hàng. Đại đội 16 đặc công tỉnh tiến công đồi Cây Mâm, tiêu diệt bọn hội đồng xã. Tối 22.3, quân địch chốt giữ đồi Hợp tháo chạy về Hội An. Xã Bình Dương hoàn toàn giải phóng.

Chiều ngày 23.3. Đại đội V15 được lệnh tiến qua bờ tây sông Trường Giang, triển khai đội hình phía bắc Chợ Được, chuẩn bị tập kích tiêu diệt 2 chốt điểm: Mù U và Dốc Gọn (Bình Giang). Sáng ngày 24.3, khi Đại đội V15 tiến công vào thì cả 2 chốt này đều bỏ trống, địch đã “cao chạy xa bay”. Nhân dân tập trung truy bắt ác ôn và lập chính quyền cách mạng tại Bình Giang.

Sau 10 ngày liên tục tác chiến đánh địch, bộ đội tỉnh, huyện và các đội công tác của các xã đã tiêu diệt 4 đại đội, bắn cháy 5 xe tăng, xe bọc thép, đánh dứt điểm 14 chốt và cứ điểm, làm tan rã 20 trung đội nghĩa quân, giải phóng hoàn toàn 7 xã vùng đông của huyện, lập chính quyền cách mạng. Ở các xã được giải phóng, nhân dân cùng bộ đội, du kích kêu gọi bọn ác ôn và ngụy quân, ngụy quyền lẫn trốn ra đầu thú, tổ chức mít-tinh mừng chiến thắng và phát động quần chúng thành lập chính quyền cách mạng.

Sau khi giải phóng xong cánh Đông, được lệnh của Ban Chỉ đạo chiến dịch, Ban Chỉ đạo cánh Đông giao nhiệm vụ cho lực lượng vũ trang huyện Thăng Bình nhanh chóng tiến về áp sát tuyến đường Quốc lộ 1 để chặn đánh quân địch phản kích, đánh địch rút chạt về Đà Nẵng và phối hợp với cánh quân phía tây sẳn sáng đánh chiếm, tiếp quản quận lỵ Thăng Bình.

Lực lượng chủ lực ta từ Bình Dương, Bình Đào sau khi làm chủ tình hình đã vượt sông Trường Giang về lại Bình Sa, nhanh chóng tiến vào vùng đông Tam Kỳ. Rạng sáng ngày 24.3, trận tiến công giải phóng Tam Kỳ bắt đầu. Trung đoàn 1 được tăng cường Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 31, Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 38 và 10 xe tăng, xe bọc thép của Tiểu đoàn 1 Trung đoàn Tăng thiết giáp 574 đột phá trên hướng chủ yếu từ Suối Đá đến giáp bờ bắc Tam Kỳ; Trung đoàn 38 (thiếu) tiến công bên trái từ Suối Đá ra đến Cẩm Khê; Tiểu đoàn 10 Trung đoàn 36 và Đại đội 3 Tiểu đoàn 15 công binh vượt sông Tam Kỳ đánh cắt đường số 1; Trung đoàn 38 (thiếu) cơ động từ thôn 5, thôn 6 xã Kỳ Quế xuống thôn 7 xã Kỳ Trà làm dự bị trực tiếp cho Trung đoàn 1. Địch mất hoàn toàn khả năng chống cự và tuyến phòng thủ cuối cùng của địch tây Tam Kỳ bị đạp tan. Ngày 24.3 tỉnh đường Quảng Tín nằm trong thế bao vây chặt với lực lượng lớn có xe tăng, pháo binh hỗ trợ nhưng vẫn chừa lối thoát cho ngụy quân tháo thân đó là tuyến quốc lộ 1A về Đà Nẵng.

Sáng 24.3, phía Tây tỉnh đường hình thành nhiều mũi tấn công có xe bọc thép đi đầu thọc sâu vào trung tâm thị xã Tam Kỳ, địch hỗn loạn không dám chống cự mà tháo chạy về Đà Nẵng. Ngày 24.3, thị xã Tam Kỳ hoàn toàn được giải phóng. Cùng ngày, tỉnh điều 1 đại đội của tiểu đoàn 72 và Đại Đội V15 Huyện đội Thăng Bình, hành quân ban ngày dọc sông Trường Giang lên đánh địch tháo chạy trên trục quốc lộ 1A tại Mộc Bài - Quế Sơn.

Với khí thế tấn công và nổi dậy của quân và dân ta. Các đội công tác Bình Trung, Bình An, Bình Tú và Bình Nguyên trong các ngày 23, 24, 25.03 nổ súng truy ép địch tháo chạy trên quốc lộ 1A phát động quần chúng truy diệt ác ôn giành chính quyền cách mạng. Trong ngày 24, 25.3 trục quốc lộ 1A trên địa bàn Thăng Bình tư thế “hỗn quan, hỗn quân” quân chủ lực sư 2, sư 3 ngụy Sài Gòn tháo chạy. Cũng chiều 24 ngày 25.03 trên các tuyến đường Hà Lam - Chợ Được, Ngọc Phô - Hưng Mỹ, Gò Rùa - Cổng 24 Bình Giang, lính ngụy thất thủ mang súng đạn các loại về giao cho cách mạng. Bộ đội, đội công tác, cán bộ tạm thu giữ và giới thiệu về địa phương trình diện. Chiều ngày 24 và ngày 25.3 đại đội tăng cường và cán bộ huyện triển khai khu vực cầu Bàu Bàng xã Bình Phục chờ lệnh tiếp quản quận lỵ Thăng Bình. Quận lỵ Thăng Bình trong ngày 25.3 không còn chỗ dựa, thị xã Tam Kỳ và trung đoàn 56 đóng ở Tuần Dưỡng bị ta tấn công trong đêm 25.3 địch tháo chạy về Đà Nẵng. Sáng ngày 26.3 trên địa bàn Thăng Bình không còn địch. Chiều 26.3 hai cánh quân của huyện và cán bộ tăng cường vào tiếp quản quận lỵ Thăng Bình. Thăng Bình hoàn toàn giải phóng.

          Ngày 26.3.1975 đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân huyện Thăng Bình, chấm dứt 117 năm bị thực dân, đế quốc xâm lược, kết thúc 45 năm chiến tranh giải phóng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Thắng lợi đó đã làm tăng thêm tinh thần, nghị lực, ý chí vươn lên của lực lượng vũ trang và nhân dân Thăng Bình trong chặng đường vinh quang hướng tới tương lai, kiên quyết xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để có ngày toàn thắng, nhân dân huyện Thăng Bình đã có trên 6.000 liệt sĩ, hơn 1.600 thương bệnh binh đã hi sinh xương máu vì cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.



(Ảnh: Thăng Bình tưng bừng mừng chiến thắng mùa Xuân năm 1975)


Chiều ngày 3.4.1975 lễ mít tinh mừng quê hương hoàn toàn giải phóng được tổ chức long trọng tại sân vận động huyện. Hàng chục ngàn nhân dân, cán bộ, bộ đội, du kích đã tham dự, cờ Mặt trận phất phới tung bay trước gió. Hàng trăm quả pháo sáng, hàng ngàn viên đạn đại liên được bắn lên chào mừng chiến thắng.

Ngày 30.4.1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng. Cuộc chiến tranh giải phóng kéo dài 30 năm với biết bao đau khổ, mất mát, hy sinh của dân tộc đã đến đích cuối cùng. Non sông thu về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà. Hòa chung với niềm vui trọn vẹn của đất nước, cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Thăng Bình phấn khởi bắt tay vào công cuộc lao động kiến thiết, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chiến tranh đã kết thúc, những ngày tháng sôi động và quyết liệt, gian khổ và vinh quang trong cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước đã đi qua, song những chiến công, những đóng góp của quân và dân Thăng Bình vẫn mãi mãi là niềm tự hào, là bài học quý giá đáng trân trọng không những cho quá khứ mà còn có giá trị nguyên vẹn cho hôm nay và mai sau./.



Ý kiến bạn đọc: (0)

Thông tin (*) là bắt buộc:
Họ và tên: (*)
Địa chỉ:
Email:
Nội dung: (*)
Mã xác nhận (*)

[Trở về]

Tin mới nhất

Tin cùng chuyên mục:





Đăng nhập






Liên Kết Web

Bản quyền Huyện ủy Thăng Bình
Cơ quan quản lý: Văn phòng Huyện ủy Thăng Bình
Địa chỉ: 49, Nguyễn Thuật, Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam
Điện thoại: 0235.3.874369
Email: thangbinh.dcs@gmail.com
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Lượt trong năm
Lượt trong tháng