Trong thời gian qua, trên địa bàn xã Bình Nguyên có nhiều mô hình kinh tế trong thanh niên được phát triển như các mô hình nuôi ốc bưu đen thương phẩm, trồng nấm và nuôi lươn không bùn, dịch vụ thu mua nông sản… Đoàn xã tham mưu UBND xã thành lập 02 tổ hợp tác (Tổ hợp tác nuôi ốc bưu đen thương phẩm, tổ hợp tác nuôi lươn không bùn) và 01 hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Bình Nguyên.
Việc hỗ trợ thanh niên tìm kiếm việc làm tăng thu nhập, các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp giới thiệu việc làm luôn được Đoàn xã quan tâm. Năm 2024, Đoàn xã Bình Nguyên phối hợp cùng Công ty SuLeCo tổ chức 02 đợt tư vấn giới thiệu việc làm. Qua đó, có hơn 10 thanh niên được giới thiệu đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc (Trong đó có 3 thanh niên là bộ đội xuất ngũ) và hơn 30 ĐVTN được giới thiệu đi làm tại Công ty trên địa bàn huyện....Qua đó đã tăng thu nhập cho bản thân, gia đình, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Để giúp những thanh niên lầm lỗi, tái hoà nhập cộng đồng, Đoàn xã cùng Câu lạc bộ Thắp sáng niền tin thường xuyên quan tâm hỗ trợ Thanh niên vi phạm pháp luật, thanh niên hoàn lương phát triển kinh tế. Qua đó, giúp đỡ nhiều thanh niên hoàn lương, vi phạm phát luật tiếp cận nguồn hỗ trợ, nguồn vốn vay để phát triển kinh tế như anh Nguyễn Văn Phi chủ với cơ sở Nhôm kính Minh Phi, hay anh Nguyễn Văn Lực giám đốc Công Ty xây dựng OZAHOME. Cùng với đó, Đoàn xã thường xuyên phối hợp với Ngân hàng CSXH duy trì có hiệu quả hoạt động của các Tổ vay vốn với tổng dư nợ trên hơn 7 tỷ đồng có 126 thành viên vay vốn.
Nhằm hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho đoàn viên, thanh niên, Đoàn xã tập trung tuyên truyền, phổ biến các cơ chế chính sách về phát triển kinh tế, khởi nghiệp, lập nghiệp, những mô hình mới, cách làm sáng tạo, những tập thể, cá nhân tiêu biểu... thông qua các kênh thông tin của Đoàn, các trang mạng xã hội... Duy trì và thành lập mô hình thanh niên phát triển kinh tế, qua đó chia sẻ thông tin chính sách, kinh nghiệm làm ăn, góp vốn hoặc huy động từ các nguồn lực khác để phát triển sản xuất kinh doanh. Trong năm 2024, Đoàn xã tham mưu UBND xã hỗ trợ tổ hợp tác nuôi lươn không bùn do thanh niên Phan Công Vinh là tổ trưởng với kinh phí 125 triệu đồng để phát triển kinh tế. Tăng cường phối hợp đào tạo nghề cho thanh niên với cơ cấu hợp lý và có kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Những kết quả đã đạt được là minh chứng khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức Ðoàn trong đời sống đoàn viên, thanh niên. Nhiều đoàn viên, thanh niên đã lựa chọn con đường khởi nghiệp, lập nghiệp thông qua các mô hình sản xuất, kinh doanh trên chính mảnh đất quê hương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhiều mô hình kinh tế trong thanh niên được phát triển thông qua chương trình đồng hành với thanh niên lập thân, khởi nghiệp
Bên cạnh những thuận lợi thì chương trình đồng hành với thanh niên lập thân, khởi nghiệp còn gặp một số khó khăn nhất định như sự tác động của cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, yêu cầu cần đổi mới tư duy, trình độ của thanh niên để theo kịp với xu thế phát triển. Tuy nhiên vẫn có không ít thanh niên ý thức học tập chưa cao, dẫn đến trình độ, tay nghề thấp; tinh thần tự lập chưa tốt, một số bộ phận nhỏ còn có lối sống đua đòi, thích hưởng thụ, lười lao động, sa vào các tệ nạn xã hội; các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp còn hạn chế, chưa kịp thời và tương xứng với nhu cầu của thanh niên; các hoạt động tạo công ăn việc làm, giải quyết việc làm tại chỗ cho thanh niên đạt hiệu quả chưa cao.
Nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình đồng hành hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; trong thời gian đến, Đoàn xã sẽ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Đoàn gắn với nhu cầu, mong muốn của đoàn viên thanh niên; các chủ trương, chính sách, chương trình thanh niên phát triển kinh tế, những mô hình hiệu quả, cách làm hay, sáng tạo của thanh niên trong sản xuất và kinh doanh... thông qua hệ thống thông tin, các trang mạng xã hội của Đoàn - Hội. Đẩy mạnh vận động, hướng dẫn đoàn viên, thanh niên áp dụng khoa học, kỹ thuật vào phát triển kinh tế. Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đoàn và phong trào thanh niên phát triển kinh tế tại địa phương.
Hai là, chú trọng tổ chức các hoạt động đồng hành, hỗ trợ thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp: Tiếp tục tìm kiếm và phát triển ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên, quan tâm đề xuất các ý tưởng sáng tạo vào cơ sở dữ liệu về ý tưởng khởi nghiệp. Tích cực tham mưu UBND xã và phối hợp triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tạo điều kiện để thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay, các cơ chế phát triển kinh tế. Phối hợp tổ chức, triển khai các hoạt động trải nghiệm thực tế tại các mô hình khởi nghiệp thành công... nhằm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, cung cấp kiến thức khởi nghiệp, giới thiệu các mô hình hay cho đoàn viên thanh niên.
Ba là, hỗ trợ thanh xây dựng thành lập các dự án khả thi, tranh thủ các nguồn quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp của Trung ương Đoàn và các nguồn hỗ trợ từ Chương trình xây dựng nông thôn mới. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay giải quyết việc làm và các nguồn vốn vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ đối với từng đối tượng thanh niên. Tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm và hỗ trợ thành lập, phát triển các tổ hợp tác và hợp tác xã, hình thành các câu lạc bộ khởi nghiệp trong nông nghiệp; tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật;
Bốn là, thường xuyên theo dõi, nắm bắt nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên để định hướng tư vấn nghề nghiệp phù hợp. Tham mưu tổ chức, gặp gỡ đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền theo Luật thanh niên năm 2020 với thanh niên để thanh niên có cơ hội trực tiếp bày tỏ nguyện vọng, tâm tư, mong muốn và kịp thời giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của thanh niên. Tăng cường tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu, thanh niên làm kinh tế giỏi.