Ông Nguyễn Văn Tạo (thôn Quý Phước, Bình Quý) chăm sóc vườn cam Vinh
Có hơn 2 sào đất vườn, những năm trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Tạo (ở thôn Quý Phước, Bình Quý) chủ yếu trồng đậu, mè… tuy nhiên, hiệu quả kinh tế không cao vì phụ thuộc vào năng suất và giá cả thị trường. Từ các nguồn thông tin tiếp thu được từ báo đài và tham quan thực tế một số mô hình trồng cây ăn quả ở trong và ngoài địa phương, gần 5 năm trở lại đây ông Tạo đã chuyển đổi số diện tích sang trồng cây ăn quả.
Cây cam Vinh thích hợp với đất thịt pha cát ở xã Bình Quý (Thăng Bình) nên phát triển tốt
Ban đầu ông trồng hơn 20 cây cam Vinh, mua tại một vườn ươm uy tín ở tỉnh Nghệ An. Sau 2 năm chăm sóc, những cây cam Vinh đã cho thu hoạch, sản lượng đạt khá cao, mỗi cây khoảng từ 30kg quả trở lên. Với giá bán dao động 25 nghìn đồng đến 30 nghìn đồng/kg đã mang về cho ông Tạo nguồn thu nhập ổn định. Ông Nguyễn Văn Tạo cho biết, vườn này trước đây mỗi năm làm 2 vụ là đậu phụng và mè, vừa tốn công làm đất mà hiệu quả thấp, giờ chuyển qua trồng cây cam Vinh có hiệu quả kinh tế cao hơn.
“Trồng cam mỗi năm chỉ cần bón phân một lần, nắng quá thì tuần tưới nước lần, không tốn nhiều công, nên vừa với sức lao động của người lớn tuổi; với lại cây cam Vinh phù hợp loại đất thịt pha cát, nên cho quả nhiều” - ông Nguyễn Văn Tạo nói.
Mỗi cây cam Vinh cho năng suất từ 30kg quả trở lên
Nhận thấy cây cam Vinh phát triển tốt trên đất thịt pha cát của vườn nhà, cùng với kinh phí hỗ trợ của nhà nước theo Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh Quảng Nam về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại được gần 30 triệu đồng, ông Tạo tiếp tục cải tạo, san lấp mặt bằng, đóng 1 giếng bơm nước và trồng thêm 50 cây ổi và quýt đường; hiện đã cho thu hoạch, tạo kinh tế ổn định cho vợ chồng ông lúc tuổi già.
Được hỗ trợ 5 triệu đồng để chỉnh trang lại khu vườn, ông Nguyễn Hồng Anh (thôn Quý Phước, Bình Quý) đã đầu tư thêm kinh phí mua cây giống, chuyển đổi hơn 3 sào đất vườn từ trồng cây hằng năm sang trồng 300 cây ổi lê Đài Loan. Hiện nay, vườn ổi của ông Nguyễn Hồng Anh được hơn 3 năm tuổi, đang cho thu hoạch.
Ông Nguyễn Hồng Anh kiểm tra ổi trước khi thu hoạch.
Ông Nguyễn Hồng Anh cho biết, làm đậu phụng tốn công chăm sóc, hiệu quả kinh tế không cao. Từ ngày chuyển sang trồng cây ổi chăm sóc, thu hoạch khỏe hơn, quả có đến đâu bán xong đến đó.
“Nhiều thương lái đến tận nhà hỏi đặt hàng khi ổi đang còn xanh. Giá mua bán ổn định từ 20 nghìn đồng đến 25 nghìn đồng/kg, nên tôi thấy trồng cây ăn quả khỏe hơn làm đậu hay mè” - ông Nguyễn Hồng Anh nói.
Những cây ổi lê Đài Loan trong vườn nhà ông Nguyễn Hồng Anh cho quả nhiều
Ông Đặng Tấn Dục - Chủ tịch UBND xã Bình Quý (Thăng Bình) cho biết, cùng với khuyến khích chuyển đổi cây trồng phù hợp, địa phương còn hướng dẫn giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), vốn Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại để khuyến khích người dân chuyển đổi từ trồng cây ngắn ngày sang trồng các loại cây ăn quả, cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Từ năm 2022 đến nay, toàn xã có 59 hộ đăng ký thực hiện chuyển đổi, qua thẩm tra có 7 hộ, diện tích gần 2ha đảm bảo yêu cầu và được hỗ trợ gần 285 triệu đồng để phát triển kinh tế vườn; còn 11 hộ với diện tích hơn 1,5ha đã được UBND huyện Thăng Bình phê duyệt phương án hỗ trợ.
Xã Bình Quý (Thăng Bình) hiện có gần 20 vườn cây ăn quả được phê duyệt phương án hỗ trợ theo Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh.
“Khi được tiếp sức, các hộ dân đầu tư làm những khu vườn khá đẹp, vừa tạo không gian sống trong lành vừa nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian tới địa phương tiếp tục khuyến khích các chủ vườn tiếp tục đầu tư mở rộng, đa dạng hóa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; đồng thời hướng dẫn chủ vườn tổ chức, sắp xếp vườn cây hợp lý, đảm bảo mỹ quan, nhằm nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, phấn đấu xây dựng xã Bình Quý đạt chuẩn xã NTM nâng cao vào năm 2025” - ông Đặng Tấn Dục, Chủ tịch UBND xã Bình Quý nói.