Một góc vườn trồng cây ăn quả của anh Nguyễn Cao Thị (thôn Quý Phước, xã Bình Quý, Thăng Bình)
Sinh ra và lớn lên tại thôn Quý Phước, nhưng sau khi tốt nghiệp Đại học kinh tế, anh Nguyễn Cao Thị lại chọn Thành phố Hồ Chí Minh là nơi khởi đầu cho con đường lập thân của mình. Tại đây, anh Thị đã trải qua với những công việc khác nhau, trong đó vừa là người làm công ăn lương cho các công ty, nhà máy, xí nghiệp, anh còn là nhân viên thị trường phân bón lá tại các trang trại, miệt vườn ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ,… Theo lời kể, chính những tháng năm sống và làm việc tại các miệt vườn nam bộ đã giúp anh có thêm điều kiện học hỏi những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn về việc trồng cây ăn trái của người dân Nam Bộ.
Anh Nguyễn Cao Thị đào mương nước, cải tạo đất trước khi đưa cây ăn quả vào trồng
Năm 2016, trở về quê, anh Nguyễn Cao Thị bắt đầu phá bỏ bờ tre, đổ đất, cải tạo vườn phát triển kinh tế theo mô hình VAC, với một kế hoạch đầu tư dài hạn theo hình thức “lấy ngắn, nuôi dài”. Đầu tiên anh Nguyễn Cao Thị bắt tay vào thực hiện cải tạo vườn theo mô tuýp vườn trồng cây ăn quả kiểu Nam Bộ. Kiểu vườn này được coi là một hướng đi táo bạo, bởi lúc bấy giờ, ở Bình Quý quê anh và nhiều nơi khác trên địa bàn huyện Thăng Bình chưa ai làm. Dọc theo hàng rào bảo vệ là hệ thống mương đào rộng hơn 1m bao quanh và nhiều mương phụ theo lối rẽ hình xương cá, thuận lợi cho việc dẫn nước tưới cho cây mùa nắng, giúp thoát nước, đảm bảo cho cây phát triển trong mùa mưa. Ban đầu triển khai mô hình cải tạo vườn trồng cây theo kiểu Nam Bộ, anh Thị gặp không ít khó khăn vì đất Bình Quý có nơi hoang hóa kèm sỏi, đá nhiều không thuận lợi cho việc đào mương anh phải thuê xe cơ giới đào đất, rẽ mương dẫn nước. Bên cạnh đó, do đất vườn nhiều sỏi, đá nên vừa múc đất đào ao, anh còn tìm mua thêm đất màu đổ tạo luống, tăng chất dinh dưỡng cho đất.
Anh Nguyễn Cao Thị chia sẻ: Trong 5 năm đi làm thị trường về phân bón lá ở miền Tây, đây là mô hình hiệu quả, mùa nắng đưa nước vào mương hút lên cây, mùa mưa thì đây là chỗ để rút nước xuống không gây ngập úng. Thứ hai, ao vừa nuôi cá, vừa là điểm rút nước vào mùa mưa, chứa nước vào mùa nắng. Ngoài ra, nhận thấy miền Trung chưa phát triển mạnh các mô hình trồng cây ăn trái, đầu tiên anh chọn đưa cây ổi vào trồng. “Cây ổi nhanh thu hoạch, hơn nữa ở miền trung, giống ổi Lê Đài Loan có rất ít người trồng nên đầu ra thuận lợi, tiền thu từ bán ổi tôi dành dụm mở rộng vườn và nhập thêm nhiều loại giống cây khác về trồng” - anh Nguyễn Cao Thị nói.
Giống ổi Lê Đài Loan nhanh cho quả, bán quanh năm với giá 25.000/kg.
Với diện tích rộng gần 10 nghìn m2, đến nay, anh Nguyễn Cao Thị đã trồng hơn 300 cây ổi, 650 cây cau đã bắt đầu cho thu hoạch và 760 cây mai. Theo anh, ổi là cây trồng ngắn hạn, còn cây cau và mai là những loại cây trồng sẽ cho nguồn thu nhập lớn, ổn định và lâu dài. Nhẫm tính anh Thị cho hay, mỗi loại cây đang trồng mang lại cho anh nguồn thu nhập từ 15 - 50 triệu đồng/năm. “Trong 10 năm tới khi các loại cây đã lớn đều, khu vườn này sẽ cho nguồn thu ổn định từ 200 đến 400 triệu đồng/năm, đến lúc đó vợ chồng tôi sẽ nghỉ ngơi an hưởng tuổi già” - anh Thị vui vẻ nói.
Không chỉ chú trọng phát triển cho kinh tế vườn nhà, anh Nguyễn Cao Thị còn sẵn sàng sẻ chia những kinh nghiệm phát triển kinh tế vườn đến nhiều người dân trong vùng.
Ông Nguyễn Hồng Anh (Quý Phước, Bình Quý, Thăng Bình) bên vườn ổi 3 năm tuổi của mình
Học hỏi từ mô hình phát triển kinh tế vườn của anh Thị, nhiều nông dân như ông Nguyễn Hồng Anh, ông Nguyễn Văn Tạo,… người cùng thôn đã chuyển những diện tích đất trồng đậu, trồng mè kém hiệu quả, sang trồng cây ăn quả và đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Nguyễn Quý Ngọc - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng Khối Dân vận xã Bình Quý, huyện Thăng Bình cho rằng, việc đào mương, trồng ổi theo kiểu Nam Bộ của anh Nguyễn Cao Thị là mô hình mới, lần đầu tiên có ở xã Bình Quý. Nhưng mô hình khá phù hợp, cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài phát triển kinh tế vườn nhà, anh Thị cũng rất nhiệt tình, sẵn lòng hướng dẫn cho nhiều người cùng làm theo. “Xã Bình Quý rất quan tâm đến việc khuyến khích người dân chủ động phát triển kinh tế theo mô hình này, vừa khai thác lợi thế đất vừa nâng cao được thu nhập cho người dân” - ông Ngọc nói.