Nhờ đưa công nghệ vào sản xuất nên bánh tráng ra lò của Cơ sở bánh tráng gạo Nhiều Lộc (xã Bình Tú, Thăng Bình) nhanh và đều hơn.
Bà Ngô Thị Lộc, chủ cơ sở bánh tráng gạo Nhiều Lộc (xã Bình Tú, Thăng Bình) cho biết, bắt đầu làm nghề tráng bánh tráng từ năm 1999, đến nay đã 25 năm. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, từ 1 lò tráng bánh ban đầu, cơ sở sản xuất bánh tráng gạo Nhiều Lộc đã phát triển lên 8 lò tráng bánh, với 15 lao động; mỗi lao động làm việc 8 tiếng mỗi ngày, thực hiện các công đoạn xay bột, tráng, phơi, nướng bánh. Bằng uy tín và chất lượng, bánh tráng gạo Nhiều Lộc từng bước tạo dựng thương hiệu, phục vụ nhu cầu sử dụng của khách hàng tại nhiều nơi trên địa bàn huyện Thăng Bình. Tuy vậy, việc tráng bánh tráng thủ công gặp nhiều khó khăn.
Cuối năm 2023, bà Ngô Thị Lộc đã mạnh dạn xây dựng đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị nhằm nâng cao năng lực sản xuất bánh tráng gạo Nhiều Lộc” và đến giữa năm 2024 được Phòng KT&HT huyện Thăng Bình hỗ trợ 110 triệu đồng, bà Lộc đầu tư thêm hơn 110 triệu đồng trang bị 1 hệ thống máy tráng bánh và phụ kiện có thể sản xuất từ 670 - 700 cái/giờ và 1 hệ thống máy nướng bánh tráng, công suất nướng từ 500 - 550 cái/giờ. Với máy móc được trang bị, mỗi ngày cơ sở này tráng 150kg bột gạo, cung cấp ra thị trường khoảng 2.400 cái bánh tráng.
“Trước đây để tráng 150kg gạo thì 6 nhân công làm mỗi ngày 8 tiếng, chi phí hết 900 nghìn đồng, nhưng hiện nay cũng 150kg gạo thì chỉ hơn 1 tiếng là xong. Và giảm được mỗi ngày 600 nghìn đồng, 1 tháng tiết kiệm được 18 triệu đồng tiền nhân công. Như vây, khi chuyển qua công nghệ này làm rất hiệu quả” - bà Ngô Thị Lộc nói.
Năm nay đã ngoài 60 tuổi, bà Võ Thị Tửu (xã Bình Tú, Thăng Bình) có gần 10 năm làm việc tại cơ sở sản xuất bánh tráng Nhiều Lộc, bà Tửu cho đây là việc làm phù hợp với tuổi của bà và có thu nhập ổn định. Nhưng ngồi tráng và nướng bánh cả ngày khá nóng và rất vất vả, nhất là vào mùa hè.
“Từ khi có máy tráng và lò nướng bánh này làm khỏe hơn, vừa làm xong việc sớm, có thời gian nghỉ ngơi, mà thu nhập lại không bị cắt giảm” - bà Võ Thị Tửu nói.
Bà Ngô Thị Lộc cho biết thêm, trước đây tráng bánh tráng thủ công bằng tay chỉ làm từng cái bánh tráng một, muốn làm nhiều bánh cùng lúc thì cần nhiều nhân công và nồi hấp. Còn hiện nay có máy móc hỗ trợ, công việc làm bánh tráng thuận lợi hơn, bánh ra lò đồng đều, đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng bánh thơm ngon, nên được khách hàng ưa chuộng. Sử dụng máy để sản xuất giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí, lợi nhuận cũng tăng cao hơn.
Mỗi ngày cơ sở bánh tráng gạo Nhiều Lộc cung cấp ra thị trường khoảng 2.400 cái bánh tráng.
Cùng với cơ sở sản xuất bánh tráng gạo Nhiều Lộc, từ năm 2021 đến nay, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thăng Bình đã hỗ trợ cho 7 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, với tổng kinh phí 740 triệu đồng. Qua đó, giúp các cơ sở này mở rộng sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Bà Nguyễn Thị Thu - Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thăng Bình cho biết, với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi để cơ sở tiếp cận và dần dần ứng dụng thiết bị công nghệ vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần ổn định việc làm cho lao động tại địa phương; thời gian qua, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện thường xuyên phối hợp cơ sở, tạo điều kiện để hộ sản xuất kinh doanh tiếp cận và nhận vốn hỗ trợ khuyến công, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho cơ sở sản xuất.
“Sau khi được hỗ trợ các mô hình này đều phát huy hiệu quả. Ngoài việc, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì... để sản phẩm được thị trường chấp nhận thì các cơ sở này còn giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương” - bà Nguyễn Thị Thu nói.