Mô hình được triển khai từ tháng 7/2023, với sự tham gia của 50 hộ nông dân. Tham gia mô hình sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm rơm nấm, ông Nguyễn Toàn (thôn Tú Trà, Bình Chánh) được Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Thăng Bình hỗ trợ toàn bộ nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ như: hơn 20 tấn phụ phẩm rơm nấm, chế phẩm sinh học Emzeo, Trichoderma và được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật ủ phân hữu cơ vi sinh từ rơm nấm. Sau hơn 2 tháng thực hành ủ theo đúng quy trình hướng dẫn, đã cho ra hơn 10 tấn phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng.
Ông Nguyễn Toàn cho biết, trước đây ông thường dùng các loại phân hóa học và phân hữu cơ tự ủ bằng kinh nghiệm được tích lũy để bón cho cây trồng. Tuy nhiên, việc bón phân hóa học nhiều đã làm cho đất canh tác trở nên bạc màu, giảm năng suất cây trồng; ngoài ra, việc dùng vôi ủ phân vô tình làm nóng đất khiến tỷ lệ cây trồng bị chết cao. “Được hướng dẫn kỹ thuật làm phân hữu cơ vi sinh thấy hiệu quả, với hơn 10 tấn phân này thì việc bón cho hơn 3,1 ha lúa và hoa màu trong vụ đông xuân 2023 – 2024 này không phải lo nữa” – ông Nguyễn Toàn nói.
Xã Bình Chánh hiện có hơn 10 hộ trồng nấm rơm, sau mỗi đợt thu hoạch nấm, các trại nấm thải ra môi trường từ 10 tấn đến 20 tấn rơm chưa qua xử lý và đổ ra ven đường, bờ ruộng, bờ kênh mương… lâu ngày, những đống rơm này bốc mùi hôi thối, nước rỉ hòa theo dòng nước gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước xung quanh. Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời không để mất đi nguồn nguyên liệu làm phân hữu cơ, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Thăng Bình phối hợp với Hội Nông dân xã Bình Chánh triển khai “mô hình sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm rơm nấm”.
Ông Lê Đức Mật – Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Chánh cho biết, mô hình đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các phụ phẩm trong sản xuất nấm rơm, biến lượng bã thải rơm nấm bỏ lãng phí lâu nay trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào để làm phân bón hữu cơ vi sinh, bón cho cây trồng, góp phần giảm chi phí sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Cẩm – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Thăng Bình cho biết, tận dụng lợi thế nguồn rơm rạ sẵn có, những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Thăng Bình đã đầu tư, mở rộng các mô hình sản xuất nấm rơm. Tuy nhiên, việc xử lý bã thải sau trồng nấm dường như chưa thực hiện. Trước thực tế trên, thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp các xã Bình Trị, Bình Chánh triển khai mô hình sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm rơm nấm. Rơm sau khi ủ với chế phẩm vi sinh Emzeo, Trichoderma, giúp thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy, giảm mùi hôi thối, đặc biệt làm cho rơm ủ mau tơi. “Để làm được 1 kg phân bón hữu cơ vi sinh từ rơm sau khi đã làm nấm chỉ tốn có 2.730 đồng, nếu tận dụng công lao động thì chi phí này giảm còn 1.830 đồng, thấp hơn giá thành phân hữu cơ vi sinh mua ngoài thị trường khoảng 500 đồng/kg. Bón phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm rơm nấm giúp cải tạo đất, tăng độ phì cho đất. Bên cạnh đó, chế phẩm vi sinh Trichoderma có khả năng chống được các loại nấm gây bệnh thối rễ, thối thân,… trên cây trồng” – ông Nguyễn Xuân Cẩm nói.
Ngoài xã Bình Trị, Bình Chánh, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Thăng Bình đang có kế hoạch sẽ nhân rộng mô hình này ở nhiều địa phương có trồng nấm rơm. Khuyến khích người dân sử dụng phân hữu cơ được làm từ phụ phẩm rơm nấm ủ với chế phẩm Emzeo và Trichoderma bón cho cây trồng; góp phần giảm lượng phụ phẩm rơm nấm thải ra môi trường, tạo cảnh quang môi trường sạch đẹp.