Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể
Xác định kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong điều kiện hiện nay. Huyện uỷ vừa ban hành Nghị quyết số 07 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Thăng Bình giai đoạn 2023-2030 và định hướng đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu giai đoạn 2023-2030 sẽ thành lập mới khoảng từ 45 - 50 tổ hợp tác, 30 - 35 HTX, 01 liên hiệp HTX. Doanh thu bình quân của HTX tăng khoảng 5% -6%/năm; thu nhập bình quân của người lao động trong HTX tăng khoảng 3% - 5%/năm; lãi bình quân của HTX tăng khoảng 3% - 5%/năm. Phấn đấu đảm bảo khoảng 60% - 70% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động đạt loại khá, tốt; trong đó, có khoảng 50% tham gia sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Phấn đấu khoảng 30% HTX ứng dụng công nghệ cao, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất, kinh doanh.
Để thực hiện các mục tiêu trên cần tập trung thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trước hết, cần nâng cao nhận thức người dân và hệ thống chính trị về phát triển kinh tế tập thể, HTX theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tập trung tuyên truyền, quán triệt nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII gắn với việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân về bản chất, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức đa dạng, kết hợp sức mạnh tập thể với sức mạnh của từng thành viên. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn chính sách, pháp luật, hỗ trợ cho cán bộ quản trị, thành viên HTX; các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tăng cường các hội thảo, tọa đàm, hội nghị liên kết, hội chợ kết hợp truyền thông, vận động các HTX nông nghiệp tăng cường canh tác, sản xuất đối với diện tích đất nông nghiệp sản xuất một vụ hoặc không canh tác, tránh tình trạng để hoang hóa, lãng phí nguồn lực.
Triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, kinh tế nông nghiệp, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, tập trung chính vào các giải pháp thúc đẩy nâng cao năng lực nội tại hoạt động của KTTT; tập trung tháo gỡ những khó khăn, bất cập về đất đai, thuế, tín dụng... cho HTX; đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn các HTX trong việc định hướng về phương án sản xuất kinh doanh, xây dựng và quyết toán kinh phí hoạt động hàng năm. Củng cố tổ chức, bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT, giải thể các HTX ngừng hoạt động, sáp nhập, hợp nhất các HTX yếu kém. Xây dựng cơ chế khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị quy mô lớn. Trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cần ưu tiênbố trí quỹ đất cho các tổ chức kinh tế tập thể; có cơ chế ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê đất đối với các tổ chức kinh tế tập thể đã chuyển đổi và thành lập mới chưa được hỗ trợ thuê đất, đảm bảo sử dụng đất có hiệu quả. Ngoài kinh phí được ngân sách Trung ương, tỉnh hỗ trợ, HĐND huyện xem xét bố trí ngân sách huyện hỗ trợ kinh phí dự án đầu tư phát triển kinh tế tập thể, HTX.
Đổi mới, sắp xếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Xây dựng phương án tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng của kinh tế tập thể, gồm: Nợ tồn đọng kéo dài trong HTX; các quan hệ về tài sản của HTX, đặc biệt là những tài sản liên quan đến đất đai. Rà soát, sắp xếp lại các HTX hoạt động không hiệu quả; xử lý dứt điểm các HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể và các HTX chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo quy định của pháp luật. Phát triển đa dạng các HTX thuộc các lĩnh vực khác nhau trên địa bàn huyện tại những nơi có điều kiện thành lập; khuyến khích thành lập các HTX theo ngành nghề, hoạt động không giới hạn đơn vị hành chính; đẩy mạnh cơ chế liên kết hợp tác giữa các HTX với doanh nghiệp, liên kết giữa HTX với nông dân.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn, nghiệp vụ, được đào tạo chuyên sâu về kinh tế tập thể, có tư tưởng chính trị vững vàng, có năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để kinh tế tập thể phát triển lành mạnh, đúng định hướng. Tăng cường minh bạch trong quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý; từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về kinh tế tập thể.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và phát huy vai trò và trách nhiệm của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong việc tuyên truyền, vận động để hội viên, đoàn viên và Nhân dân nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể; phối hợp tổ chức vận động, phát triển các loại hình kinh tế tập thể; xây dựng và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới trong đời sống xã hội.
Hy vọng với những mục tiêu cụ thể và giải pháp cụ thể, thiết thực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Thăng Bình sẽ tiếp tục củng cố, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ kinh tế cá thể và tổ chức tham gia kinh tế tập thể, HTX, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững, tạo việc làm, giảm nghèo và cải thiện đời sống Nhân dân, đưa kinh tế tập thể có đóng góp ngày càng cao trong tỷ trọng nền kinh tế của huyện.