Nhiều diện tích rau màu bị thiệt hại do thiên tai năm 2023
Năm 2023, tình hình thiên tai ít có biến động lớn; tuy nhiên vào từng thời điểm có diễn biến phức tạp ảnh hưởng trực tiếp tại huyện Thăng Bình, như: trận mưa giông kèm theo gió lốc, gió giật mạnh ngày 21/4 làm giảm năng suất 600 ha lúa hè thu; đợt mưa lớn từ ngày 13/10 và từ ngày 12/11 gây thiệt hại nặng cho sản xuất và dân sinh trên địa bàn huyện. Theo đó, thiên tai đã làm 2 người chết; 16 ngôi nhà bị thiệt hại từ 30% đến 50%; 50ha hoa màu, rau màu bị thiệt hại. Về hạ tầng có 87m bờ bao, gần 8.400m kênh mương, 10 công trình thủy lợi, 90m bờ kè, 7 para ngăn mặn bị hư hỏng; sạt lở 953m đường giao thông, 1 cây cầu, 10 cống... Ước tổng thiệt hại hơn 31 tỷ đồng.
Ông Đoàn Thanh Khiết - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, Phó Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Thăng Bình cho biết, sau thiên tai, huyện Thăng Bình đã tập trung mọi nguồn lực khắc phục hậu quả, sớm ổn định sản xuất và đời sống của người dân. Riêng các công trình hạ tầng bị thiệt hại, do chưa có kinh phí nên các địa phương khắc phục tạm để phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
“Nhờ chủ động nắm bắt tình hình thời tiết, bám sát phương án ứng phó; đồng thời lấy địa bàn thôn, tổ làm nòng cốt để xây dựng phương án phòng chống thiên tai. Do đó, khi xảy ra thiên tai thì có sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau của những người cùng tổ, khu dân cư nên phần nào giảm được thiệt hại so với mức ảnh hưởng của mưa, bão” - ông Khiết nói.
Theo dự báo từ tháng 9 đến tháng 12/2024 có 1 đến 2 cơn xoáy thuận nhiệt đới, từ 5 - 8 đợt không khí lạnh và mưa lớn diện rộng, tập trung vào tháng 10 và 12 ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương Quảng Nam... Trước tình hình trên, huyện Thăng Bình đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án PCTT&TKCN của huyện; trong đó, chú trọng phương án di dời dân phù hợp sát với tình hình thực tế ở các địa phương, nhất là ở các xã, thôn nhằm tránh bị thiệt hại về người khi có bão, áp thấp nhiệt đới.
Huyện Thăng Bình diễn tập PCTT&TKCN năm 2024
Ông Trần Văn Phường - Phó Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết, là xã vùng Trung của huyện Thăng Bình, Bình An có 7 thôn, với hơn 4.000 hộ dân, nhưng đến mùa mưa bão có 4 thôn, với 1.500 hộ thường xuyên bị ngập lụt, nhiều thôn bị ngập kéo dài nhiều ngày, ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân… Do đó, trước mỗi mùa mưa bão, xã đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.
“Ngoài ra, mỗi thôn địa phương chọn một địa điểm an toàn, lập kế hoạch di dời dân khi có ngập lụt, nếu thôn nào không có điểm di dời tập trung thì liên hệ trước với các hộ dân có nhà kiên cố để di dời dân đến và chuẩn bị các nhu yếu phẩm phục vụ bà con tại nơi tập trung tránh bão, lũ an toàn” - ông Trần Văn Phường nói.
Ông Nguyễn Trường Quyền - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết, để chuẩn bị tốt công tác phòng ngừa thiệt hại về cơ sở vật chất trường học do mưa bão, Phòng yêu cầu hiệu trưởng các trường phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tại địa phương có giải pháp ứng phó kịp thời với các tình huống do thiên tai gây ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Ngoài ra, Phòng GD&ĐT huyện đã giao quyền cho hiệu trưởng các trường chủ động cho học sinh nghỉ học trong trường hợp bị bão, lũ hoặc thiên tai khác, không đảm bảo an toàn cho học sinh và có phương án dạy bù, kiểm tra bù cho học sinh đảm bảo đúng chương trình, kế hoạch năm học. Sau các đợt thiên tai, nhanh chóng tu sửa, dọn vệ sinh trường lớp, bảo đảm các điều kiện trở lại dạy học bình thường.
Ông Nguyễn Văn Húy - Phó Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các địa phương phải tổ chức lực lượng thường trực 24/24 trong những ngày trước, trong và sau khi có thiên tai.
“Riêng các xã ven biển như: Bình Dương, Bình Minh, Bình Hải, Bình Nam cần tăng cường công tác quản lý phương tiện và lao động đánh bắt xa bờ, làm thuê ở các tỉnh khác, thường xuyên liên lạc qua máy điện thoại bàn, di động, máy Fax và ICOM, zalo... với Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện khi có bão, lũ xảy ra; đồng thời nghiêm cấm ngư dân ra khơi, gọi báo các tàu thuyền ngoài khơi vào nơi trú ẩn an toàn, không để bị động, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi bão, lũ xảy ra” - ông Nguyễn Văn Húy nói.