Nông dân làm đất chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân 2024 – 2025.
Đối với cây lúa ở những diện tích chưa xuống giống, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình thời tiết và có kế hoạch xuống giống phù hợp nhằm tránh bị ảnh hưởng do mưa ngập gây ra. Cần chủ động nguồn giống, làm đất sớm và giữ nước trong ruộng; khi thời tiết thuận lợi sẽ tiến hành gieo sạ ngay để đảm bảo theo lịch thời vụ chung của tỉnh. Trường hợp gặp mưa kéo dài, có thể kéo dài thời vụ gieo sạ nhưng lưu ý chỉ sử dụng nhóm giống ngắn ngày để gieo sạ. Riêng đối với miền núi (nơi có tập quán bắc mạ để cấy), cần có phương án che chắn, giữ ấm cho mạ, khi thời tiết thuận lợi (ấm hơn) thì tiến hành cấy. Đối với lượng giống lúa đã ngâm ủ khi gặp mưa lớn, cần kéo dài thời gian sạ (trải mỏng lượng giống ra nong, nia…), chờ đến khi lượng mưa giảm và nước xuống thì mới tiến hành gieo sạ, tránh tình trạng vãi giống lúc đang mưa sẽ làm hư hỏng và trôi giống.
Ở những diện tích lúa đã gieo sạ khi gặp mưa lớn, cần khơi thông các dòng chảy, sử dụng các máy bơm để thoát nước nhanh. Nếu lúa bị chết phải dặm lại để đảm bảo mật độ và chăm sóc kịp thời khi thời tiết thuận lợi. Khi thời tiết rét lạnh, cần duy trì mực nước trong ruộng 3 - 5 cm để giữ ấm cho cây; bón bổ sung tro bếp, phân chuồng ủ mục; tuyệt đối không bón thúc phân đạm những ngày nhiệt độ xuống dưới 200C.
Ngoài ra, các địa phương khuyến cáo nông dân bón lót phân hữu cơ, đảm bảo đủ lân (15 - 20kg/sào) và bón lót sâu, không bón lót đạm đơn và tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm khi nhiệt độ xuống thấp dưới 200C. Khi thời tiết ấm dần lên cần tranh thủ phun thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm (nếu chưa phun thuốc tiền nảy mầm lúc mới sạ); tiến hành tỉa dặm và bón từ 3 - 4 kg NPK/sào hoặc 1 - 2 kg DAP + 2 kg kali/sào nhằm giúp cây lúa hồi phục nhanh và đẻ nhánh khỏe. Ngoài ra còn thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và phòng trừ kịp thời các đối tượng sinh vật gây hại trên cây lúa ở đầu vụ như: Ốc bươu vàng, chuột, ruồi đục nõn, bọ trĩ...
Đối với cây rau màu ở những diện tích đã xuống giống tháo nước, khơi thông các dòng chảy, không được để nước ngập lâu trong ruộng gây thối cây, thối rễ; làm mái che cho các vườn rau đang sản xuất khi gặp mưa lớn. Đối với các loại cây màu chưa xuống giống, theo dõi diễn biến của thời tiết để bố trí thời gian xuống giống cho phù hợp, tránh tình trạng bị hư hại do mưa lớn. Chủ động xới phá váng, chăm sóc, bón phân cho cây màu ngay khi thời tiết thuận lợi giúp cây hồi phục, sinh trưởng, phát triển tốt; chú ý bón bổ sung phân hữu cơ hoai mục, phân lân, kali và phân vi lượng; ngừng bón thúc, đặc biệt là bón thúc phân đạm trong những ngày nhiệt độ xuống thấp.
Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả bị ngập úng cục bộ thì cần phải khơi thông cống rãnh để nước thoát nhanh. Các vườn cây đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, khi trời rét lạnh, cần có các biện pháp bảo vệ kịp thời như tủ gốc giữ ấm cho cây; đồng thời chuẩn bị nguồn giống dự phòng để trồng dặm đối với những diện tích bị chết. Các vườn cây đang trong thời kỳ kinh doanh, khi trời rét lạnh, cần tiến hành tủ gốc bằng tàn dư thực vật, chất hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp để giữ ấm cho gốc, rễ cây.