Công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Nhờ làm tốt công tác dân vận mà xây dựng được "thế trận lòng dân" vững chắc. Sau khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 23-QĐ/TW về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”; Ban Thường vụ Huyện uỷ đã ban hành Quyết định số 222-QĐ/HU ngày 20/12/2021 về “ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị huyện Thăng Bình”; đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, tổ chức quán triệt, đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong trong toàn Đảng bộ.
Ban Thường vụ Huyện ủy và các cấp ủy, tổ chức đảng trong huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác dân vận của hệ thống chính trị. Xác định công tác dân vận là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng trong huyện tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong công tác dân vận; nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân, giải quyết kịp thời đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh của nhân dân; phát huy vai trò công tác dân vận trong quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân... Chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" phát triển rộng khắp trong các ngành, các địa phương, đơn vị với nhiều mô hình cụ thể, hiệu quả và trở thành phong trào chung của cả hệ thống chính trị. Đến nay, toàn huyện đã đăng ký, thực hiện có hiệu quả 297 mô hình "Dân vận khéo", trong đó nhiều mô hình được biểu dương và nhân rộng.
Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục đổi mới phương pháp tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và tổ chức kỳ họp theo hướng dân chủ, công khai trong việc chất vấn và trả lời chất vấn; tìm hiểu các hoạt động của đời sống xã hội ở địa phương, nắm bắt tình hình thực tiễn và tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh tại các kỳ họp; tiếp thu và trả lời kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị, bức xúc của cử tri và khiếu nại, tố cáo của công dân. Tăng cường hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân các cấp trong việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân theo quy định của pháp luật, góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước được tăng cường; đồng chí Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp và lãnh đạo các cơ quan hành chính nhà nước phụ trách công tác dân vận chính quyền và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân, đảm bảo đúng pháp luật, kịp thời, có hiệu quả. Việc gắn công tác dân vận với thực hiện công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số được các cơ quan, đơn vị, địa phương đặc biệt quan tâm, đây là nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của công dân. Thông qua thực hiện công tác cải cách hành chính tạo sự hài lòng của người dân, cơ quan, tổ chức trong giải quyết TTHC và tạo được mối quan hệ thân thiết, gắn bó giữa cán bộ, công chức với Nhân dân, tổ chức. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo nội dung Chương trình số 14-CTr/HU ngày 26/11/2021 của Huyện ủy Thăng Bình. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được triển khai đồng bộ. Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của huyện tăng cường hiệu quả hoạt động, nâng dần số lượng giải quyết hồ sơ đúng hạn và trước hạn; nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân trong giải quyết thủ tục hành chính. Công tác ứng dụng CNTT trong quản lý, chỉ đạo điều hành của huyện được đẩy mạnh thực hiện, phần mềm điều hành công việc và hệ thống thư công vụ được các đơn vị, địa phương tích cực áp dụng, 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương ứng dụng chứng thư số, chữ ký số trong ban hành văn bản; hệ thống phòng họp trực tuyến đến các xã, thị trấn được đầu tư thực hiện... góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, giảm văn bản hành chính, tiết kiệm chi phí, thời gian, hạn chế tiêu cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức và người dân...
Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân tăng cường đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; thực hiện vai trò "cầu nối" trong việc củng cố, xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp đã phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong tham gia triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương nhất là chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn huyện Thăng Bình giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Tạo mọi điều kiện phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội huyện trong việc giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW và 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI). MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ động ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở. Thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Chủ động phối hợp với chính quyền, cơ quan, đơn vị cùng cấp triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Tích cực tuyên truyền, phổ biến Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở đến đoàn viên, hội viên và Nhân dân.
Hoạt động phản biện xã hội, tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, phát huy dân chủ ở cơ sở; tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng các dự án, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội cũng được quan tâm và thực hiện thường xuyên. Trong năm 2024, cấp huyện đã tổ chức 04 hội nghị phản biện xã hội đối với các dự án, đồ án: “Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Thăng Bình giai đoạn 2023-2025”; Dự thảo Đề án phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn trên địa bàn huyện Thăng Bình giai đoạn 2020 - 2025 (những nội dung điều chỉnh); Dự thảo Nghị quyết về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn huyện Thăng Bình; Dự thảo Đồ án Quy hoạch chung xây dựng khu vực ven biển huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình. Đến nay, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh sửa; trình HĐND huyện thông qua, ban hành Nghị quyết thực hiện tại kỳ họp. Cấp xã đã tổ chức 19 hội nghị phản biện xã hội. Các cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu nghiêm túc và có trách nhiệm giải trình và trả lời bằng văn bản cho cơ quan phản biện. Đồng thời các cấp cũng đã tham gia góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, huyện, xã với 69 lượt góp ý (cấp huyện: 03, cấp xã 66).
Năm 2024, Ban Dân vận Huyện uỷ phối hợp với UBND huyện tổ chức Toạ đàm: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận về chuyển đổi số”
Các đơn vị lực lượng vũ trang trong huyện thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác dân vận gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Lực lượng vũ trang các cấp duy trì chế độ trực ban, trực sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương; thường xuyên nắm tình hình, tư tưởng của quần chúng nhân dân và tình hình tôn giáo trên địa bàn; xây dựng kế hoạch thực hiện công tác dân vận và thực hiện quy chế dân chủ trong lực lượng vũ trang năm 2024; Phối hợp làm tốt công tác dân vận, công tác phòng ngừa tội phạm, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tổ chức ký kết và thực hiện chương trình phối hợp giữa Ban Dân vận với Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện năm 2024, Đồn Biên phòng Bình Minh năm 2024. Bên cạnh đó, đã tổ chức thực hiện có hiệu quả huấn luyện kết hợp làm công tác dân vận, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; kết nghĩa với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn; thực hiện chính sách tôn giáo và các chính sách xã hội; củng cố, tăng cường tình đoàn kết quân dân, xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân.
Thời gian đến, hệ thống dân vận từ huyện đến cơ sở tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tham mưu cho cấp ủy trong việc ban hành, triển khai, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, chuyên đề về công tác vận động quần chúng, cải tiến nâng cao chất lượng việc ký kết và tổ chức thực hiện chương trình phối hợp công tác dân vận, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội dung quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; sâu sát cơ sở làm tốt công tác dự báo, nắm bắt tình hình, tư tưởng nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”, nhất là “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh.