Tuyến đường giao thông ở tổ 1, thôn An Trân (Bình Hải) được bê tông tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại.
Hơn 20 năm sử dụng, tuyến đường trục xóm có chiều dài hơn 670m, ở tổ 1, thôn An Trân đã xuống cấp, nhiều đoạn bị đứt gãy, đi lại khó khăn. Đầu năm 2024, cùng với nguồn kinh phí duy trì nâng chuẩn thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu được phân bổ, thôn An Trân đã vận động nhân dân đóng góp hơn 150 triệu đồng, hiến đất, vật kiến trúc để làm đường. Sau hơn 2 tháng thi công tuyến đường đã hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo thuận lợi cho việc đi lại của bà con.
Ông Trần Tấn Thục, ở tổ 1, thôn An Trân (xã Bình Hải, Thăng Bình) cho biết, tuyến đường này được làm theo chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó Nhà nước đầu tư 60% kinh phí, nhân dân đóng góp 40%. Không chỉ góp tiền, người dân chúng tôi còn tự nguyện tham gia ngày công, hiến đất, vật kiến trúc bị ảnh hưởng. “Có đường mới, chúng tôi phấn khởi lắm. Mặt đường được bê tông phẳng lì, không còn những đoạn đứt gãy, hục hang, đi lại nguy hiểm như trước. Mùa mưa, tụi nhỏ đi học cũng an toàn, thuận lợi hơn” - ông Trần Tấn Thục nói.
Cùng với tuyến đường ở tổ 1, năm 2024, thôn An Trân làm mới gần 2km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; trong đó nhân dân đóng góp hơn 300 triệu đồng và hàng trăm ngày công lao động. Góp phần đưa thôn An Trân cơ bản hoàn thành mục tiêu nơi nào có nhà dân ở, nơi đó có đường bê tông chạm đến.
Ông Trần Văn Nam - Bí thư Chi bộ thôn An Trân, xã Bình Hải (người đứng bên phải) vận động người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng thi công đường dẫn cầu Tây Giang.
Không chỉ vận động nhân dân đóng góp làm đường giao thông, nhiều công trình, dự án lớn triển khai trên địa bàn cũng đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân thông qua phong trào dân vận khéo. Ông Trần Văn Nam - Bí thư Chi bộ thôn An Trân (xã Bình Hải, Thăng Bình) cho biết, dự án Cầu Tây Giang là công trình trọng điểm, khởi công từ cuối năm 2023. Đây là công trình được chọn chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng quê hương huyện Thăng Bình vào năm 2025. Triển khai xây dựng hệ thống đường dẫn dự án cầu Tây Giang, thôn An Trân có 97 hộ dân bị ảnh hưởng với hơn 35.500m2 đất, 256 mồ mã và 10.000m2 mặt nước nuôi tôm. Để thi công cầu kịp tiến độ, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động sự đồng thuận của nhân dân. Nhờ kiên trì tuyên truyền, vận động, 100% hộ dân đồng thuận thống nhất bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.
“Chúng tôi xác định tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận các chủ trương của nhà nước là việc làm lâu dài chứ không thể làm một ngày, hai ngày. Trong quá trình tuyên truyền nếu đến ban ngày họ không có ở nhà thì chúng tôi đến ban đêm, đi nhiều lần, tâm tư nhiều, dần dần họ hiểu chủ trương và đồng thuận. Ngoài ra, có nhiều việc chúng tôi phải gương mẫu, chấp hành trước, bà con mới đồng thuận làm theo” - ông Trần Văn Nam chia sẻ.
Có mặt bằng sạch, đơn vị thi công triển khai làm tuyến đường dẫn cầu Tây Giang (đoạn xã Bình Hải, Thăng Bình).
Ông Hồ Thanh Tư - Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Hải (Thăng Bình) cho biết, những năm qua, mô hình “Vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công hiến đất, vật kiến, đồng thuận bàn giao mặt mặt” của thôn An Trân đã góp phần giúp xã hoàn thành nhiều tiêu chí xây dựng NTM và các nhiệm vụ trọng tâm huyện giao, đặc biệt là dự án cầu Tây Giang. “Có thể thấy công tác giải phóng mặt bằng đối với nhiều địa phương là bài toán nan giải, khó khăn, nhưng đối với thôn An Trân công tác này đã nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân. Chính sự đồng thuận này đã làm nên những tuyến đường giao thông, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng khang trang, sạch đẹp. Ý Đảng kết hợp với lòng dân đồng thuận, đã lần lượt làm nên những cung đường nối dài mạch phát triển của quê hương” - ông Hồ Thanh Tư nói.