Trong truyền thống vẻ vang 75 năm của Ngành Kiểm tra đảng, Uỷ ban Kiểm tra Huyện ủy Thăng Bình đã luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ cách mạng, tích cực và chủ động thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ do cấp ủy giao. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng đã giúp Ban Chấp hành Đảng bộ và các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực tiễn cuộc sống; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của cấp ủy; việc giữ gìn bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, phương pháp, tác phong công tác, lề lối sinh hoạt của cán bộ, đảng viên. Các thế hệ cán bộ kiểm tra của Đảng đã xây đắp nên truyền thống “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương và tận tụy”. Với những đóng góp tích cực và hiệu quả, Uỷ ban Kiểm tra Huyện ủy Thăng Bình là một trong những đơn vị dẫn đầu thi đua trong cụm 9 huyện đồng bằng của tỉnh, đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và nhiều năm liền được UBND tỉnh tặng bằng khen, Danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc và được Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ tặng giấy khen...
Trong thời gian tới, cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp của Đảng bộ huyện Thăng Bình sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đó là:
Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng về vị trí, vai trò công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Trước hết là quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, Kết luận số 34-KL/TW, ngày 18/4/2022 của Bộ Chính trị về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2023; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 17/12/2021 của Tỉnh uỷ về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng giai đoạn 2021-2025. Thực hiện nghiêm Quy định 69 về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên, Hướng dẫn số 05 của UBKTTW hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định 69 của Bộ Chính trị...
Cấp ủy và uỷ ban kiểm tra các cấp cần tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đồng thời tập trung và tăng cường kiểm tra, giám sát các lĩnh vực có tính nhạy cảm, công tác tổ chức cán bộ, trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể chính trị- xã hội và những vấn đề mà Nhân dân quan tâm, cũng như giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc về suy thoái đạo đức, lối sống, tệ nạn xã hội, trật tự, kỷ cương xã hội; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cần chọn đúng trọng tâm, trọng điểm kiểm tra về lĩnh vực, địa bàn, nội dung, đối tượng kiểm tra, tập trung đi sâu kiểm tra những nơi có vấn đề bức xúc, phức tạp, nổi cộm, dễ phát sinh sai phạm, nhiều đơn thư, nhiều vấn đề dư luận quan tâm như quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công, xây dựng cơ bản, công tác chính sách, công tác bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng nhất là đối với các dự án trọng điểm của địa phương… Xem xét, xử lý kịp thời, nghiêm mình đối với cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm theo đúng nguyên tắc, phương châm, quy định của Đảng.
Hằng năm và ngay từ đầu năm, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và uỷ ban kiểm tra các cấp xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát. UBKT các cấp cần chủ động nắm thông tin, phát hiện và kịp thời kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy các cấp trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát về suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; thoái hóa, biến chất; mất dân chủ, tham nhũng, tiêu cực và các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra sai phạm, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ xa, từ đầu, giải quyết từ sớm những vấn đề phát sinh, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định các đơn thư tố cáo, khiếu nại đối với tổ chức đảng, đảng viên.
Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất với công tác thanh tra, điều tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, UBKT cần có sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan, tổ chức đảng ở cơ quan bảo vệ pháp luật...; kết hợp chặt chẽ giữa kiểm tra, giám sát từ trên xuống với tự kiểm tra của cấp dưới; kết hợp công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng với trách nhiệm của các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, người đứng đầu cơ quan và sự giám sát của quần chúng nhân dân.
Các cấp ủy đảng phải thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường cán bộ kiểm tra đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay; phát huy đầy đủ vai trò của ủy ban kiểm tra trong tham mưu, giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Thường xuyên giáo dục các tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức về vị trí và vai trò của công tác kiểm tra Đảng, tự giác làm công tác kiểm tra để tạo các điều kiện thuận lợi và làm chỗ dựa vững chắc cho UBKT các cấp thực hiện có kết quả công tác kiểm tra, giám sát.
Hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đã tác động tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; phòng ngừa, hạn chế sai phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Nhờ làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đã góp phần cùng với cả hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.