Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII bàn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Kiên quyết đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân
Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là “xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; và kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm. Theo đó phải chú trọng nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái”.
Nhiệm vụ, giải pháp hàng đầu và xuyên suốt là tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Bởi vì, có được giáo dục chính trị tư tưởng một cách thật sự mà cụ thể là giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên thì mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao hiểu biết và trình độ chính trị, mới chống được chủ nghĩa cá nhân, làm tốt công tác Đảng giao phó cho mình. Không ít cấp ủy, cán bộ, đảng viên xem nhẹ, coi thường việc học tập chính trị tư tưởng. Họ không hiểu rằng nhận thức sai thì hành động sai; nhận thức lệch lạc, méo mó thì hành động lệch lạc, méo mó. Hiểu không thấu thì làm không đúng. Vấn đề là học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII nêu lại, nhấn mạnh việc phát huy vai trò giám sát của Nhân dân, của báo chí, của công luận. Đây là nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng và rất cần thiết được Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn tới rất sớm, sâu sắc, toàn diện. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII đã đề cập. Muốn Nhân dân, báo chí, công luận thực hiện được vai trò giám sát thì điều quan trọng nhất là xây đắp, vun bồi nền dân chủ. Phát huy quyền làm chủ thật sự của Nhân dân. Đây là cốt lõi của giải pháp hoàn thiện tính khoa học của bộ máy và cơ chế. Dân giám sát cũng là một điểm mới, điểm nhấn trong Đại hội XIII. Muốn thực hiện tốt điều này, không gì tốt hơn học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương của cán bộ, đảng viên là hết sức quan trọng, vì “một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Mặt khác, tính xấu của môt người thường, chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, cán bộ sẽ có hại đến Đảng, có hại đến Nhân dân.
Đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh," tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà còn bao gồm cả xây dựng hệ thống chính trị; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực... Đồng thời, bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa," "tiêu cực" sát hợp tình hình mới.
Đảng muốn vững mạnh và thể hiện được vai trò lãnh đạo toàn diện thì hệ thống chính trị các cấp cũng phải được xây dựng vững mạnh, liêm chính, để thể chế hóa đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, thành chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với thực tế phát triển đất nước.
Vì vậy, xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng, với chế độ. Do đó, trong ba nhiệm kỳ Đại hội Đảng liên tiếp, Trung ương đã quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đảm bảo cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, ngang tầm nhiệm vụ.