I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ DÂN SỐ
Thăng Bình là huyện đồng bằng nằm về phía Đông Bắc, trung độ của tỉnh Quảng Nam- vùng đất có bề dày truyền thống văn hoá, truyền thống yêu nước và cách mạng- vùng đất “địa linh”, nơi sản sinh ra các danh nhân văn hoá, anh hùng hào kiệt của dân tộc mà tên tuổi và sự nghiệp của họ không chỉ là niềm tự hào của Nhân dân Thăng Bình mà còn là của tỉnh, cả nước.
Thăng Bình là huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Quảng Nam, thuộc vùng duyên hải miền Trung, nằm ở tọa độ 150 30 phút đến 150 59 phút vĩ độ Bắc, từ 1080 7 phút đến 1080 30 phút kinh độ Đông. Trung tâm huyện lỵ là thị trấn Hà Lam, cách thành phố Tam Kỳ tỉnh lỵ Quảng Nam 25 km. Phía Bắc giáp huyện Quế Sơn và Duy Xuyên, phía Nam giáp huyện Phú Ninh và thành phố Tam Kỳ, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp huyện Tiên Phước và Hiệp Đức.
Huyện Thăng Bình có 21 xã và 01 thị trấn. Tổng diện tích tự nhiên là 412,25 km2 (41.224,5ha). Trong đó, đất nông, lâm nghiệp và thủy sản là 28.869 ha; đất phi nông nghiệp là 11.016 ha; đất chưa sử dụng là 1.340 ha. Về thổ nhưỡng có khoảng 10 loại đất, được phân bố theo 3 vùng: vùng đồi núi phía Tây có nhiều rừng nhưng đất đai bị đá ong hóa, bạc màu, khô cằn do đất feralit đỏ và vàng được tạo ra từ đá granit, đá filit bị xói mòn trên tầng mỏng là đặc trưng ở vùng Tây; vùng trung du đồng bằng với đặc trưng của vùng bán sơn địa có nguồn thổ nhưỡng đất xám do chịu ảnh hưởng của granit tương đối thuận lợi; vùng ven biển đặc trưng với các dãy gò, đồi cát được bồi đắp từ xa xưa giáp biển Đông, có con sông Trường Giang chạy dọc tuyến ven biển, xen kẽ còn có nhiều Bàu nước, chủ yếu là đất mặn, đất cát trắng, là loại đất đặc trưng của vùng Đông.
Phía Đông giáp biển Đông, có chiều dài 25 km, bãi biển đẹp, có tiềm năng nuôi trồng thủy sản, phát triển dịch vụ du lịch. Vùng biển thềm lục địa có nhiều tài nguyên thủy, hải sản có giá trị kinh tế, là điều kiện thuận lợi để ngư dân các xã Bình Dương, Bình Minh, Bình Hải, Bình Nam phát triển ngành nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản.
Dân cư sinh sống trên mảnh đất Thăng Bình theo chiều dài lịch sử luôn biến chuyển về lượng qua từng thời kỳ. Năm 1910 có 16.110 suất đinh. Vào tháng 12 năm 1970, tổng dân số là 128.232 người. Năm 1997, sau khi chia tách Quảng Nam và Đà Nẵng thì huyện Thăng Bình thuộc tỉnh Quảng Nam, lúc này dân số là 186.900 người. Hiện nay, tổng dân số là 175.321 người, với mật độ 425 người/km2. Trong đó, chia theo khu vực: dân số đô thị là 18.252 người, dân số nông thôn là 157.069 người[1].
Thăng Bình có khí hậu nhiệt đới gió mùa, được chia thành 2 mùa mưa- nắng rõ rệt. Nhiệt độ trung bình 26,30C, độ ẩm trung bình hàng năm khoảng 80%. Mùa nắng ruộng đồng, đất đai khô hạn, nứt nẻ, khí trời oai bức. Mùa khô bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8 của năm, thời tiết nắng nóng với nhiệt độ cao bởi gió Tây Nam từ hạ Lào thổi về có lúc lên 390C gây nên sông, suối cạn kiệt, cây cối xơ xác; người đời đã phát thảo nên 2 câu thơ:
“Gió Nam thổi kiệt bảy ngày
Khoai lang khô cũng hết, lúa vay không còn”.
Còn mùa Đông bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 01 năm sau, thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên chịu sự tác động gió mùa Đông Bắc từ biển Đông thổi vào, hằng năm có từ 10 - 12 cơn bão đổ vào hoặc phải chịu ảnh hưởng của bão và lũ lụt, lượng mưa trung bình hằng năm từ 91 đến 1.500mm, tiết trời ẩm, ngập lụt nhất là vùng Đông. Tiết trời nắng nóng và mưa nhiều là hai yếu tố thiên nhiên chi phối đời sống và sản xuất của người dân trên địa bàn Thăng Bình hết sức rõ rệt.
Về giao thông, Thăng Bình có tuyến Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc -Nam chạy ngang qua, cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, đường ven biển Võ Chí Công; tuyến đường Quốc lộ 14E bắt đầu từ đường Thanh niên ven biển lên Bình Triều đến Ngã tư Hà Lam đi Hiệp Đức rồi lên làng Hồi, huyện Phước Sơn giáp với đường Hồ Chí Minh, rồi thông thương tuyến Bắc - Nam. Đây là tuyến đường huyết mạch nối liền Đông Tây, là con đường chiến lược của những năm chiến tranh vệ quốc, nay hòa bình, là điều kiện thuận lợi để giao lưu vùng miền, tạo thế chủ động phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện. Ngoài ra, còn có các con đường ngang, đường dọc nối liền 3 vùng trong huyện với các huyện tiếp giáp như: Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước, Hiệp Đức, Quế Sơn, Duy Xuyên; có một hệ thống các tuyến đường nối liên xã, liên thôn đã được bê tông hóa, trong đó các tuyến ĐH đã bê tông hoá, nhựa hoá 242km, đạt 91% và giao thông nông thôn khoảng 80%, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển vật tư, hàng hóa, công cụ, phương tiện phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế, lưu thông sản phẩm nông, lâm, thủy sản và phục vụ đời sống dân sinh. Ngoài ra còn có tuyến giao thông đường thủy trên sông Trường Giang và Biển Đông, cũng là thế mạnh của huyện Thăng Bình, là điểm giao thông cầu nối giữa Hội An, Tam Kỳ và các quốc gia trên thế giới.
Về hệ thống sông, suối trên địa bàn huyện có 2 con sông: Sông Ly Ly bắt nguồn từ núi Hòn Tàu (Quế Sơn) chạy dọc ven phía Bắc của huyện qua các xã Bình Lãnh, Bình Trị, Bình Định Bắc và Bình Quý rồi xuôi dần ra Cửa Đại (Hội An). Phía bờ Bắc giáp huyện Quế Sơn. Sông Trường Giang chạy dọc tuyến ven biển, đóng vai trò chủ đạo, mạch máu lưu thông, sông có chiều dài khoảng 60 km chảy qua huyện Thăng Bình có chiều dài khoảng 26km, nối liền với sông Ly Ly và sông Tam Kỳ. Nói về sông này, trong sách Đại Nam nhất thống chí gọi là "sông Phước Toàn nằm ở phía Đông huyện Lễ Dương là mạch máu lưu thông trong toàn vùng với tấp nập ghe thuyền". Có thể khẳng định rằng, khi giao thông đường bộ chưa phát triển thì sông Trường Giang có vai trò quyết định trong việc vận chuyển hàng hóa và hành khách từ Tam Kỳ ra Hội An, Đà Nẵng và ngược lại. Lưu thông trên sông Trường Giang có nhiều bến sông, bến đò, bến chợ được hình thành rất sớm như chợ Bà, chợ Lạc Câu, chợ Được, chợ Tam Ấp, chợ Tây Giang, chợ Bến Đá, chợ Bàn Thạch... Hiện nay, theo địa giới hành chính, sông Trường Giang chảy qua các xã Bình Dương, Bình Giang, Bình Đào, Bình Triều, Bình sa, Bình Hải, Bình Nam rồi đổ ra cửa An Hòa (Núi Thành) và Cửa Đại (Hội An). Bên cạnh đó, còn có nhiều ao hồ, bàu nước tạo nên nguồn nước dồi dào, lưu lượng phù sa tương đối khá, tạo thuận lợi cho canh tác và nuôi trồng thủy, hải sản.
Phía vùng Tây của huyện, mạch nguồn cung cấp nước cho các hồ chứa nước như La Nga - Cao Ngạn (Bình Lãnh), hồ Đông Tiễn (Bình Trị), hồ Phước Hà (Bình Phú) chủ yếu là các con suối nhỏ từ các dãy rừng phía Tây tạo ra nguồn nước trong mát chảy về.
Bàu Hà Kiều thị trấn Hà Lam
Với những yếu tố đặc trưng tự nhiên của địa hình và khí hậu đưa đến việc hình thành 3 vùng kinh tế khác nhau ở Thăng Bình, đó là vùng Đông, vùng Trung và vùng Tây. Định hướng phát triển vùng Đông chủ yếu là “Du lịch - Thương mại - Dịch vụ”, trung tâm tiểu vùng là đô thị Bình Minh. Vùng Trung định hướng phát triển chủ yếu là “Thương mại - Dịch vụ - Công nghiệp”, trung tâm tiểu vùng là thị trấn Hà Lam. Vùng Tây tập trung phát triển theo hướng “Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - Lâm, nông nghiệp”, trung tâm tiểu vùng là Bình Trị, Hà Châu (Bình Phú).
Ở vùng Đông, các xã nằm dọc hai bên bờ sông Trường Giang và ven biển, thành phần thổ nhưỡng cơ bản là đất cát, ruộng lúa ít mà chủ yếu là trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày như: các loại đậu đỗ, mè, điều; các loại cây lương thực, thực phẩm, rau màu, trong đó khoai lang Trà Đỏa từng nổi tiếng đó đây; dân gian vùng này còn lưu truyền câu ca dao "Ăn no mặc đủ nhờ củ với khoai. Hết nợ hết nần nhờ khoai với củ". Bên cạnh đó, còn có nguồn thu từ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản nước lợ, nước mặn. Đồng thời, khu vực này có tiềm năng lớn để phát triển cụm công nghiệp nhỏ và vừa, một số sản phẩm công nghiệp được chế biến từ cát đã có mặt trên thị trường trong nước và thế giới. Với tiềm năng sẵn có, huyện chủ trương khai thác tối đa lợi thế vùng biển và ven biển để phát triển mạnh dịch vụ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, thủy sản và công nghiệp sạch. Thời gian qua, huyện đã kêu gọi đầu tư phát triển một số khu du lịch dịch vụ như Vinpearl Nam Hội An, Bliss Hội An Beach Resort & Wellness, Khu Công nghiệp Tam Thăng mở rộng, trong đó có Nhà máy sản xuất vải mành của Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) và Khu Công nghiệp Capella… Các dự án này đã tham gia giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp ngân sách đáng kể cho huyện.
Ở vùng Trung với các xã dọc hai bên Quốc lộ 1A, địa hình bằng phẳng, đất đai có độ phì khá hơn so với các vùng còn lại, nên thích hợp phát triển nông, lâm nghiệp, nhất là các loại cây lương thực, thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày, trong đó hiện tại cây lúa nước là phổ biến. Hiện nay, vùng Trung đang tập trung đẩy mạnh việc lập các quy hoạch phân khu thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai (quy hoạch: Khu công nghệ cao Đông Thăng Bình, Khu Công nghiệp Đông Nam Thăng Bình, Khu công nghiệp Bắc Thăng Bình, các khu đô thị thương mại dịch vụ…). Đối với Cụm Công nghiệp Hà Lam-Chợ Được huyện đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư, đến nay có trên 10 dự án đang hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động, chủ yếu là người dân địa phương trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, đang tập trung đầu tư xây dựng đô thị Hà Lam, hình thành các khu dân cư tập trung dọc Quốc lộ 1A tại ngã ba Bình Nguyên - Ngọc Phô - Kế Xuyên - Quán Gò kết nối với đô thị Hà Lam để phát triển thương mại, dịch vụ.
Toàn cảnh đô thị Hà Lam
Ở vùng Tây, địa hình là trung du, miền núi. Đất đai không mấy thuận lợi do xen kẽ đất đá, có độ dốc lớn, bị xói mòn bởi các trận lũ lụt hằng năm…Vì thế, vùng này trọng tâm là phát triển nông, lâm nghiệp, dịch vụ và công nghiệp, làng nghề; ổn định diện tích đất lúa 2 vụ chủ động nước tưới. Đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, vườn đồi, trang trại theo mô hình nông, lâm kết hợp; phát triển trồng rừng sản xuất, đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, trồng cây nguyên liệu, dược liệu, cây ăn quả. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại công nghệ cao.
Thời gian đến, huyện tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển kinh tế vùng Tây; theo đó, khuyến khích phát triển kinh tế rừng, kinh tế vườn đồi, kinh tế trang trại theo mô hình kinh tế nông lâm kết hợp. Phát huy thế mạnh về chăn nuôi, một số hộ nông dân đã phát triển diện tích trồng cỏ, nuôi bò nhốt bán thâm canh, giá trị thu nhập gấp 2 lần trước đây. Cây hồ tiêu được các hộ dân đầu tư trồng mới, mô hình trồng nấm rơm được nhân rộng, đạt hiệu quả kinh tế cao. Công tác quy hoạch phát triển một số cụm công nghiệp như Bình An (Bình Định Bắc), Quý Xuân (Bình Quý)… bước đầu được triển khai thực hiện, thu hút một số doanh nghiệp vào đầu tư, từng bước giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Dự án Khu lưu trú trải nghiệm Đồng Dương tại xã Bình Định Bắc được phê duyệt, cấp phép đầu tư và đang triển khai thực hiện, hy vọng sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả vùng trong thời gian tới.
Với tiềm năng sẵn có, Thăng Bình trong tương lai có nhiều cơ hội kết nối phát triển du lịch, dịch vụ. Với các di tích lịch sử, văn hóa, như Di tích quốc gia đặc biệt: khu phế tích Phật viện Đồng Dương, Lễ hội Bà Chợ Được và làng nghề truyền thống Quán Hương, Cửa Khe hay du lịch sinh thái: hồ Cao Ngạn gắn với địa danh thành đồng; hồ Phước Hà gắn với chiến khu xưa; hồ Đông Tiễn, các con sông, bãi biển có vẻ đẹp tự nhiên.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Thăng Bình, qua các đời, Nhân dân còn phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, tiêu biểu về làng nghề, Thăng Bình nổi tiếng với làng nghề Quán Hương tại thị trấn Hà Lam, làng nghề này ra đời cách đây hơn 250 năm, đến nay vẫn duy trì, tiếp nối và phát triển; sản phẩm được thị trường trong và ngoài huyện ưa chuộng. Làng nghề nước mắm Cửa Khe tại xã Bình Dương; bún phở khô (Bình Chánh, Bình Trị); khoai chà, khoai dai (Bình Đào)..., là những sản phẩm đặc sản, phong phú và lưu thông rộng rãi, trao đổi, mua bán, đáp ứng nhu cầu dân sinh trong và ngoài huyện. Và cũng từ đây, huyện Thăng Bình hình thành nhiều chợ như: chợ Hà Lam, chợ Được, Lạc Câu, Tiên Đỏa, Hưng Mỹ, Tây Giang, Kế Xuyên, Quán Gò, Vinh Huy, Đo Đo, Việt An, chợ Bà,... Ngay từ thưở sơ khai lập địa, nơi đây nổi tiếng với bài dân ca địa phương:
"Tam Kỳ, chợ Vạn Thầu Đâu
Phía trên đường cái có lầu anh Tây
Chiên Đàn, chợ Mới gần đây
Kế Xuyên mua bán Đông Tây rộn ràng
Hà Lam gần sát phủ đàng
Phía ngoài bãi cát Hương An nằm dài"[1]
Nhìn chung, các ngành nghề đã hình thành nên nền kinh tế đa dạng, phong phú. Đặc điểm nổi bật là sự phân bố vùng kinh tế xuất phát từ yếu tố địa lý tự nhiên. Hiện nay, đã hình thành một số cụm công nghiệp trên địa bàn huyện như: Hà Lam - Chợ Được; cụm công nghiệp Quý Xuân, Bình An, Kế Xuyên - Quán Gò, Trường An... Trung tâm hành chính, kinh tế của huyện là thị trấn Hà Lam, mang tính hội tụ và lan tỏa ra các vùng xung quanh với sự đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốt hơn.
II- ĐẶC ĐIỂM VĂN HÓA – XÃ HỘI VÀ DÂN CƯ
Thăng Bình là vùng đất có nền văn hóa lịch sử lâu đời, cách đây hơn 2000 năm, là địa bàn sinh sống của cư dân văn hóa Sa Huỳnh, tiếp đến là đất Amaravati của người Chăm, là đế đô của nhiều triều đại vua chúa Chămpa, nên tập trung tinh hoa văn hóa, thành tựu kinh tế tiêu biểu nhất. Khi người Việt đến định cư đã tiếp thu những kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, cách thức canh tác của người Chăm trong lĩnh vực nông nghiệp, khai thác lâm thổ sản quý như quế, trầm hương, lọc vàng, chế tác đồ mỹ nghệ, tơ tằm dệt vải, nấu đường, chế biến nước mắm, đóng ghe bầu đi biển... Tuy nhiên, dưới ách thống trị, sự tàn phá của thực dân Pháp hầu hết các công trình di tích văn hóa cổ hầu như không còn, những công trình còn lại, phần lớn đều bị hư hỏng. Hiện nay trên địa bàn chỉ còn lại dấu tích văn hóa của người Chăm. Với tháp Đồng Dương hay Phật viện Đồng Dương của người Chăm có nghệ thuật kiến trúc độc đáo kết hợp với yếu tố tâm linh được đánh giá thuộc hạng bậc nhất của Chămpa ở Đông Nam Á, đồng thời là di sản văn hóa hiếm hoi của Phật giáo; rồi mộ người Chăm ở Trà Sơn (Bình Định); Hưng Mỹ (Bình Triều); Giếng Tiên (Bình Đào); bờ đập Hồi ở Lạc Câu (Bình Dương).
Đến thế kỷ XV, theo dòng di cư, người Kinh từ Thanh Hóa, Nghệ An bắt đầu đến đây cư ngụ, sinh cơ lập nghiệp, dựng làng lập ấp, họ được xem là những tiền hiền. Đặc trưng văn hóa của đất và người Thăng Bình được hình thành, tiếp nối và phát huy sau quá trình hội tụ, tiếp thu, chọn lọc những nét văn hoá độc đáo từ các vùng miền, các dân tộc tạo nên những nét văn hoá đặc trưng mang đậm yếu tố tín ngưỡng, văn hoá dân gian truyền thống của con người Xứ Quảng nói chung và của người dân Thăng Bình nói riêng như: Cộ Bà chợ Được, nghệ thuật hát Bả Trạo, hát tuồng, lễ hội đua thuyền, lễ hội cầu Ngư của cư dân vùng sông nước... Ngoài ra, huyện Thăng Bình tổ chức lễ hội văn hoá thể thao các xã miền biển và trung du miền núi phù hợp đặc điểm, truyền thống của từng vùng với nhiều loại hình văn hoá, nghệ thuật độc đáo, đặc sắc, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia.
Lễ hội Cộ Bà chợ Được với nét văn hóa mang đậm yếu tố truyền thống cốt cách dân tộc. Lễ hội diễn ra vào 2 ngày 10 và 11 tháng giêng Âm lịch hằng năm tại Lăng Bà. Lễ được tổ chức vào ban đêm tại thôn Phước Ấm, Chợ Được- xã Bình Triều.. Lễ hội gồm các lễ cầu an, truy niệm Đức Bà, rước Cộ Bà và một số trò diễn xướng dân gian. Lễ rước Cộ Bà vừa mang ý nghĩa phụng tự vừa mang ý nghĩa sinh hoạt diễu hành tín ngưỡng dân gian. Sau lễ rước Cộ Bà mới đến phần hội thực sự gồm: múa lân, đua thuyền, hát bội, các hoạt động thể dục, thể thao....
Lễ hội Cộ Bà Chợ Được hằng năm thu hút rất đông người dân và du khách đến xem
Lễ hội Cầu Ngư là một nét sinh hoạt văn hoá tinh thần độc đáo của cư dân sống bằng nghề sông nước. Xuất phát từ tín ngưỡng thờ Cá Ông của người Việt, cư dân vùng biển Thăng Bình lấy ngày mồng 01 tháng 4 (ngày Bác Hồ về thăm làng cá) làm ngày tổ chức lễ hội Cầu Ngư. Lễ hội thường kéo dài từ 1 - 3 ngày với các lễ chính: Lễ vọng, Lễ nghinh Ông Sanh, Lễ tế Cô hồn, Lễ Chánh tế, Lễ xâu chầu Bả Trạo. Hát Bả Trạo là bộ phận chính của nghi lễ, là một trò diễn xướng nghi lễ tổng hợp vừa múa, vừa hát với đạo cụ là mái chèo, nội dung dàn trải suốt quá trình diễn xướng, là ca ngợi đức Cá Ông, xót thương người quá cố, đồng thời thể hiện sự dũng cảm của con người trước sóng to, gió lớn, tinh thần đoàn kết cùng công việc lao động của ngư dân vùng biển. Phần Lễ long trọng, trang nghiêm và rất mực thành kính bao nhiêu thì phần hội càng vui vẻ, càng náo nức bấy nhiêu. Lễ Cầu Ngư là sự thể hiện lòng mong muốn được bình an khi đối mặt với thiên nhiên bão tố, được mùa biển để cuộc sống ấm no, mọi nhà luôn an khang thịnh vượng, vạn vật phát triển, sinh sôi...
Loại hình Hát bả trạo trong Lễ hội Cầu ngư ở Thăng Bình được công nhận di sản phi vật thể cấp quốc gia
Bên cạnh các Lễ hội dân gian truyền thống mang đậm nét văn hoá đặc trưng, ở Thăng Bình còn rất nhiều những di tích văn hoá, di tích lịch sử nằm rải rác khắp các địa phương trong huyện như: Bia Văn thánh, Đình làng Hà Lam, Lạc Câu, Hưng Thạnh Đông, Hưng Thạnh Tây, Phước Ấm, Địa đạo Bình Giang, Căn cứ địa cách mạng Linh Cang, Cao Ngạn, Chiến khu rừng Bồng, tượng đài Hà Lam - Chợ Được, Lăng mộ Tiểu La - Nguyễn Thành… Cùng với việc giữ gìn bản sắc văn hoá và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của quê hương, dân tộc, các di tích văn hoá, di tích lịch sử cách mạng luôn được giữ gìn, bảo vệ và tôn tạo. Đến với Thăng Bình tất cả đều biết, đều nghĩ đến một miền quê êm ả, thanh bình với những câu lý, điệu hò, với những nét văn hoá đặc trưng nổi bật khẳng định giá trị của một vùng đất anh hùng.
III. TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH YÊU NƯỚC
Lịch sử là cái đã xảy ra, thuộc về quá khứ, lịch sử được bảo tồn từ các tư liệu lịch sử, chứng tích lịch sử. Truyền thống yêu nước, truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân huyện Thăng Bình rất phong phú, đa dạng và oanh liệt, với bề dày được kế tiếp, phát huy qua các thời kỳ. Minh chứng hùng hồn cho truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của nhân dân Thăng Bình hiện hữu qua các di tích lịch sử, văn hóa đã, đang và sẽ được công nhận như: Địa điểm căn cứ Huyện ủy Thăng Bình, cơ sở cách mạng nhà ông Phan Tựu, Mộ Hà Đình - Nguyễn Thuật (Hà Lam), Chiến thắng Đồng Dương (Bình Định Bắc); "Lăng bà Chợ Được"; “Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được”, "Vụ thảm sát Phước Châu" (Bình Triều); "Vườn Vông", "Đình Hiền Lộc", "Nhà bà Lưu Thị Nhiên - cơ sở cách mạng " (Bình Lãnh); "Căn cứ Lõm Bàu Bính", "Hàng Cừ - Cây Mộc"; "Vụ thảm sát tại hầm, vườn và nhà ông Đặng Trà"; "Vụ thảm sát tại hầm, vườn và nhà ông Nguyễn Thép"; "Vụ thảm sát tại hầm, vườn và nhà ông Nguyễn Trái"; "Vụ thảm sát tại Trảng Trầm"; "Vườn, nhà ông Phan Trái nơi đặt trạm cải tiến vũ khí"; "Trường Hòa Bình - Điểm tuyển quân - Nơi đặt cầu danh dự"; "Trạm Tiền Tiêu Đồi Sanh", "Nhà bà Nguyễn Thị Lang" (Bình Dương); "Nhà thơ Tộc Ngô - Kế Xuyên" (Bình Trung); nhà thờ tộc Nguyễn Đức (Hà Lam).
Vùng đất Thăng Bình ngày nay là kết quả của quá trình biến đổi địa giới, tên gọi. Trải qua các thời kỳ lịch sử đấu tranh cách mạng, Nhân dân Thăng Bình không chịu khuất phục trước mọi sự áp bức, đè nén của kẻ thù, đã anh dũng đứng lên đấu tranh để giành lại độc lập tự do, ấm no hạnh phúc cho dân tộc, giành quyền làm chủ cho nhân dân. Đảng bộ, Nhân dân Thăng Bình tự hào về truyền thống yêu nước và cách mạng đã được các thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, nhân dân kế thừa và phát huy trong giai đoạn kháng chiến cứu nước. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, Thăng Bình là một trong 18 huyện được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, 20 tập thể và 24 cá nhân được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, đặc biệt xã Bình Dương đã được Nhà nước hai lần phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1969 và năm 1972, ghi vào sử sách. Toàn huyện có gần 10.000 liệt sỹ, 1.043 thương binh, 216 bệnh binh, 400 người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày, 15.760 người được hưởng chế độ người có công, có 2.115 Mẹ Việt Nam Anh hùng.
IV- THÀNH TỰU KINH TẾ- XÃ HỘI SAU HƠN 45 NĂM GIẢI PHÓNG
Từ một huyện nông nghiệp thường xuyên thiếu lương thực trong những năm đầu giải phóng, tỉnh phải giúp trên hàng nghìn tấn gạo để bà con nhân dân tạm ổn định cuộc sống, đến nay sản xuất nông nghiệp bảo đảm được an ninh lương thực, nhờ mở rộng diện tích canh tác, đầu tư thâm canh, bảo đảm nguồn nước tưới, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật. Tổng sản lượng lương thực hằng năm đạt trên 82 nghìn tấn, đã tăng gấp hơn 4 lần so với thời điểm năm 1976, năng suất từ 17 tạ/ha (năm 1976) lên hơn 52 tạ/ha năm 2022. Lĩnh vực chăn nuôi gia súc gia cầm phát triển, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình. Kinh tế thuỷ sản cả nuôi trồng và đánh bắt từ chỗ khai thác với phương tiện thô sơ, nhỏ lẻ nay đang từng bước phát triển với quy mô hiện đại và hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn các xã ven biển có 592 tàu cá, trong đó tàu công suất từ 90cv trở lên 133 chiếc (trong đó có 10 chiếc từ 800cv trở lên). Sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản bình quân hàng năm khoảng trên 18.000 tấn, gấp hơn 20 lần so với năm 1976. Kinh tế nông nghiệp được quy hoạch và tái cơ cấu theo hướng phù hợp với điều kiện của từng vùng nhằm tạo ra các vùng chuyên canh, các vùng sản xuất cánh đồng mẫu, cánh đồng tập trung và xen ghép để tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hoá có giá trị kinh tế cao. Nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả được đầu tư, hỗ trợ và phát triển, từ lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thuỷ sản đến lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích của ngành trồng trọt đạt trên 70 triệu đồng, trong đó có một số nơi trên 100 triệu đồng.
Công nghiệp - xây dựng có bước phát triển, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người lao động. Các ngành công nghiệp may mặc, cơ khí, khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, gia công chế biến các sản phẩm từ gỗ, chế biến thủy, hải sản,… tiếp tục phát triển. Đến nay đã quy hoạch 9 cụm công nghiệp với tổng diện tích 433 ha (cụm CN Hà Lam Chợ Được, Kế Xuyên- Quán Gò, Bình An, Phú Cang- Gò Dài,…), thu hút 23 doanh nghiệp đầu tư trong cụm công nghiệp; phát triển trên 1.500 cơ sở tiểu thủ công nghiệp và một số cơ sở làng nghề; giải quyết việc làm cho trên hàng chục nghìn lao động của địa phương. Các doanh nghiệp tập trung lĩnh vực công nghiệp gia công may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, khai khoáng, công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản. Các loại hình dịch vụ phát triển cả quy mô và chất lượng. Du lịch nghỉ dưỡng được hình thành, phát triển; khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An hoàn thành và đi vào hoạt động đã thu hút khách du lịch đến Thăng Bình ngày càng nhiều, từng bước thúc đẩy phát triển du lịch - dịch vụ tại vùng Đông. Quy mô nền kinh tế tăng trưởng đáng kể. Nếu như năm 1976, tổng giá trị nền kinh tế của huyện chỉ đạt khoảng 12 triệu đồng thì đến năm 2022, tổng giá trị nền kinh tế đạt trên 10.200 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp. Sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ, công nghiệp tạo thêm nguồn thu cho ngân sách; năm 2022, tổng thu phát sinh kinh tế trên địa bàn trên 350 tỷ đồng, gấp hơn 30 lần so với năm 2000.
Khu du lịch Vinpearl Nam Hội An đi vào hoạt động thu hút lượng khách du lịch lớn đến Thăng Bình
Chương trình xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh đạt kết quả tích cực; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, các khu đô thị mới đang từng bước hình thành. Dự kiến đến quý II/2023, toàn huyện có 20/20 xã đạt chuẩn NTM, có 21 thôn được UBND huyện công nhận đạt chuẩn “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”; 6 thôn được công nhận “Thôn đạt chuẩn nông thôn mới”. Đô thị Hà Lam cơ bản đạt chuẩn đô thị loại IV và Bình Minh đạt chuẩn đô thị loại V.
Hệ thống kết cấu hạ tầng được kịp thời đầu tư đồng bộ, nhất là giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá, chợ. Hàng nghìn km giao thông các loại, nhất là tuyến đường huyện, đường xã, thôn, hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư, đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại, sản xuất và sinh hoạt. Đáng kể, một số công trình, dự án bức xúc, trọng điểm được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng: hồ chứa nước Đông Tiển, Hố Do, hiện đại hóa hệ thống kênh Phú Ninh, kênh N2A-Việt An, trạm bơm Tứ Sơn; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Võ Chí Công, đường dẫn cầu Cửa Đại, cầu Bình Triều - Bình Đào, đường nối từ đường Võ Chí Công đến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nâng cấp, bảo trì quốc lộ 14E từ Bình Minh đến Bình Lãnh, tuyến ĐT 613 từ cầu Bình Dương đến Khu tái định cư ven biển Bình Dương, cầu Bình Nam 1, cầu Bình Nam 2, các tuyến nội thị Hà Lam,... Triển khai các dự án nghỉ dưỡng, du lịch - dịch vụ tại vùng Đông và nhiều công trình trọng điểm được xây dựng đã tạo cú hích lớn cho phát triển kinh tế- xã hội... Những kết quả trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đã và đang làm cho diện mạo nông thôn, đô thị trong huyện ngày càng khởi sắc, đổi mới và phục vụ thiết thực đời sống nhân dân. Đó là kết quả minh chứng rõ nét về sự sáng tạo trong lãnh đạo của Đảng bộ, sự quyết tâm trong điều hành của chính quyền và sự chung tay góp sức và đồng thuận của người dân.
Đại lộ Võ Chí Công qua vùng Đông của huyện
Nhiệm vụ xây dựng, giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc được coi trọng. Các hoạt động văn hóa- xã hội phát triển theo nhịp độ phát triển của nền kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, một bộ phận được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 44 triệu đồng/người/năm. Sự nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thông tin tuyên truyền phát triển, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân. Môi trường văn hóa trong gia đình, cộng đồng và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" gắn với nông thôn mới, đô thị văn minh được quan tâm xây dựng và có nhiều tiến bộ. Bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị các di tích, di sản văn hoá, lịch sử được chú trọng, cả vật thể và phi vật thể; một số di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, công nhận, trùng tu, tôn tạo, đặc biệt, di tích Khu phế tích Phật viện Đồng Dương được công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt và di tích lịch sử cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được được công nhận di tích cấp quốc gia; lễ hội Cộ Bà Chợ Được và Hát Bả trạo được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; và 34 di tích được công nhận di tích lịch sử, văn hoá cấp tỉnh. Giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt được triển khai bằng các chương trình hiệu quả thiết thực. Chương trình giảm nghèo được thực hiện với các kế hoạch tổng hợp và lồng ghép đạt kết quả đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 còn 2,5%. Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống cho người có công, đối tượng xã hội, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình chính sách, người nghèo thực hiện tốt.
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển. Cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư, chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học ngày càng nâng lên. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp học, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hàng năm đều tăng. Công tác phổ cập giáo dục Mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập Tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS tiếp tục được duy trì bền vững. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm, đến nay có 65/70 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 92,86%. Nguồn nhân lực trong huyện được đào tạo và đáp ứng yêu cầu trong từng giai đoạn. Công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân có bước chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ y, bác sĩ không ngừng phát triển, từng bước đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Như vậy, trải qua các thời kỳ lịch sử, Nhân dân Thăng Bình đã kết tinh xây nên truyền thống yêu nước, đã liên tiếp vùng lên đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, góp phần giữ yên bờ cõi. Tinh thần yêu nước, ý chí quật cường bất khuất ấy chính là bản sắc văn hóa đặc trưng đáng tự hào và không ngừng được phát huy. Khi có sự lãnh đạo với đường lối đúng đắn, khoa học của Đảng, truyền thống đó là tiền đề, là nền tảng vững chắc để quân và dân Thăng Bình một lòng theo Đảng làm cách mạng, viết tiếp những trang sử chói lọi của quê hương, dệt thêu nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng, góp sức mình vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vững bước đi vào kỷ nguyên mới của độc lập, tự do, ấm no và hạnh phúc./.