(Ảnh: Đại hội Đảng bộ huyện Thăng Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020)
Ngày 03 tháng 02 năm 1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một chính Đảng vô sản duy nhất ở Việt Nam; Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt lịch sử và lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Không lâu sau đó, ngày 28 tháng 02 năm 1930, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập.
Sau khi Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập, những đảng viên đầu tiên ở Thăng Bình được kết nạp. Cờ đỏ, búa liềm, truyền đơn kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 01.5.1930, lần đầu tiên xuất hiện trước cổng Phủ đường và ở ngã tư Hà Lam, Ngọc Phô đánh dấu bước chuyển biến quan trọng của cách mạng huyện nhà dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ở Thăng Bình lúc ấy, chỉ với hai đảng viên là Võ Duy Bình và Võ Xưng đã vận động đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng phong trào một cách mạnh mẽ, sức mạnh của cách mạng được nhân lên gấp bội. Giữa lúc phong trào cách mạng đang dâng cao thì tháng 10.1930, phong trào cách mạng bị thực dân Pháp và phong kiến tập trung đánh phá; hầu hết cơ sở bị vỡ, các đồng chí Võ Duy Bình, Võ Xưng bị bắt. Phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống; nhưng quần chúng yêu nước vẫn một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, tin tưởng vào sự thành công của cách mạng. Từ năm 1933, phong trào cách mạng ở phủ Thăng Bình được khôi phục, cơ sở cách mạng và các tổ chức quần chúng được phát triển đều khắp. Năm 1936, đồng chí Trần Học Giới được phân công về hoạt động tại phủ Thăng Bình. Tại đây, đồng chí đã liên lạc với đồng chí Hoàng Tánh ở Tây Giang, tập hợp các đồng chí Nguyễn Ngẫu, Nguyễn Niệm và Trương Thanh Đồng tổ chức hội đọc sách và mở hiệu thuốc Đông y “Nghĩa Hòa đường” tại chợ Tây Giang để che mắt địch, dễ bề hoạt động. Sau thời gian tuyên truyền, giác ngộ, ngày 19 tháng 6 năm 1936, đồng chí Trần Học Giới đã tổ chức kết nạp các đồng chí Hoàng Tánh, Nguyễn Niệm, Nguyễn Ngẫu vào Đảng và quyết định thành lập chi bộ Đảng ở Tây Giang do đồng chí Nguyễn Niệm làm Bí thư. Đây là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên, tiền thân của Đảng bộ huyện Thăng Bình. Hoạt động của Chi bộ Tây Giang đã có ảnh hưởng lớn đối với phong trào cách mạng ở các xã vùng Đông Nam của phủ Thăng Bình và các xã lân cận thuộc phủ Tam Kỳ. Từ đó, đảng viên và nhân dân trong huyện đã tham gia các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ trong những năm 1936 - 1939, tăng cường xây dựng Đảng, phát triển cơ sở cách mạng, chuyển hướng hoạt động theo đường lối giải phóng dân tộc của Đảng, phát động cao trào kháng Nhật cứu nước, dấy lên phong trào tiền khởi nghĩa rộng khắp cả huyện và khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân (18/8/1945) thắng lợi, góp vào lịch sử cách mạng Việt Nam một thiên anh hùng ca chói sáng, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do của Tổ quốc.
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, cũng như những địa phương khác ở Quảng Nam - Đà Nẵng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, đảng viên và quần chúng cách mạng Thăng Bình sau khi giành được chính quyền, đã chăm lo xây dựng, củng cố chính quyền và ổn định tình hình chính trị - xã hội. Cách mạng thành công đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng phải mở rộng toàn diện. Do đó, việc thành lập Huyện ủy lâm thời để lãnh đạo phong trào cách mạng huyện nhà được đặt ra một cách cấp bách.
Để thống nhất sự lãnh đạo của Đảng trên địa bàn huyện Thăng Bình, ngày 07 tháng 11 năm 1945, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định thành lập Huyện ủy lâm thời Thăng Bình gồm 7 đồng chí: Hồ Thuật, Nguyễn Tiến Chế, Nguyễn Hữu Đức, Đỗ Quỳ, Huỳnh Kinh Nhi, Phạm Thị Trịnh và Nguyễn Trợ. Đồng chí Hồ Thuật được chỉ định làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Tiến Chế làm phó Bí thư. Sự ra đời của Đảng bộ huyện Thăng Bình là mốc lịch sử quan trọng, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng ở địa phương vượt qua khó khăn, thử thách để phát triển đi lên, hòa cùng phong trào cách mạng chung của toàn tỉnh và của cả nước, thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Ngay sau khi thành lập, Huyện ủy lâm thời đã bắt tay ngay xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, thực hiện hàng loạt công việc nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, tiến hành tổ chức họp kiểm điểm, rà soát lại những việc đã làm từ sau ngày 18/8/1945 và đề ra nhiệm vụ: tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng, củng cố và bảo vệ chính quyền non trẻ, xây dựng hệ thống chính trị như Mặt trận Việt Minh, các tổ chức quần chúng cứu quốc của huyện. Tập trung lãnh đạo các nhiệm vụ cấp bách nhằm cụ thể hóa lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch “chống giặc đói, chống giặc dốt và chống giặc ngoại xâm”. Toàn huyện đã phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân đẩy mạnh trồng lúa, trồng rau màu ngắn ngày để cứu đói, vận động giúp đỡ nhau với tinh thần hữu ái giai cấp, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dù khó khăn, gian khổ đến đâu, Đảng bộ và nhân dân huyện Thăng Bình vẫn trung thành với Đảng, với Bác Hồ, sẵn sàng chấp nhận mọi hi sinh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hàng vạn thanh niên ưu tú đã lên đường nhập ngũ, tham gia dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong với trên 10.000 người đã anh dũng hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, gần 2.000 thương binh, bệnh binh. Những đóng góp của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, phong tặng và truy tặng 39 tập thể và cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (18 tập thể và 21 cá nhân), hơn 10.000 Mẹ Việt Nam anh hùng và nhiều huân, huy chương cũng như các phần thưởng cao quý khác.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà, Đảng bộ và Nhân dân huyện Thăng Bình đã tích cực khắc phục hậu quả chiến tranh, nghèo nàn, lạc hậu để xây dựng cuộc sống mới, đưa quê hương, đất nước đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa, không ngừng phát triển cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tự đổi mới và chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, góp phần rạng rỡ thêm truyền thống vẻ vang của Đảng.
Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và Nhân dân huyện Thăng Bình đã năng động, sáng tạo vận dụng các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tự lực, tự cường, đổi mới nền kinh tế của huyện theo hướng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Cơ sở vật chất kỷ thuật từng bước được củng cố, quốc phòng - an ninh được giữ vững, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được mở rộng và phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước được nhân rộng, mang lại những hiệu quả thiết thực, tạo ra tiền đề vững chắc để tiếp tục đi lên.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện, nền kinh tế huyện nhà không ngừng phát triển, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Các tiềm năng, thế mạnh của địa phương bước đầu được đánh thức. Quy mô nền kinh tế tăng đáng kể; tổng giá trị sản xuất nền kinh tế năm 2018 đạt 10.362 tỷ đồng. Kinh tế tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,99%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, giá trị nông, lâm, ngư nghiệp - công nghiệp, xây dựng - thương mại dịch vụ phụ hợp với định hướng phát triển của huyện. Việc thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư và phát triển nguồn nhân lực có hiệu quả; các hình thức huy động và tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển được đa dạng hóa. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư xây dựng, 100% các xã kéo được mạng lưới điện quốc gia, thông tin liên lạc thông suốt đến các địa bàn. Nhiều dự án quan trọng đã được triển khai thực hiện và đưa vào sử dụng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ dân sinh trên địa bàn huyện.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể. Quy mô và chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao ở tất cả các cấp học. Mạng lưới trường lớp ngày càng được mở rộng, toàn huyện có 82 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông. Huyện đã hoàn thành việc phổ cập trung học cơ sở vào năm 2005. Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục và đào tạo ngày càng tăng. Mạng lưới y tế được tập trung đầu tư, nâng cấp, phát triển. Đến nay, toàn huyện có 01 trung tâm y tế huyện, 01 phòng khám đa khoa khu vực, 01 bệnh viên tư nhân và 22 Trạm y tế ở 22 xã, thị trấn với hơn 500 giường bệnh. Đội ngũ y, bác sĩ ngày càng tăng về số lượng và nâng cao chất lượng, thường xuyên chăm lo phục vụ khám điều trị, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Các thiết chế văn hóa - xã hội được tăng cường, hoạt động văn hóa thông tin, thể dục, thể thao có nhiều tiến bộ, phục đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Các phương tiện thông tin địa chúng phát triển rộng khắp với nhiều hình thức, nội dung khá đa dạng, phong phú. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng sống văn hóa” đạt những kết quả tích cực. Bên cạnh đó, huyện cũng đã tích cực thực hiện công tác xã hội hóa để xây dựng kết cấu hạ tầng, các thiết chế văn hóa, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trên lĩnh vực chính trị, Đảng bộ huyện luôn xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, chú trọng củng cố và xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Thực hiện tốt quy chế dân chủ gắn liền với phương châm: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, qua đó tạo sự đồng thuận, phát huy được sức mạnh tổng hợp toàn dân. Trong từng nhiệm kỳ, Huyện ủy đã có nhiều chủ trương, giải pháp kịp thời để xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đảng viên. Đến cuối năm 2018, trên toàn huyện có 77 tổ chức cơ sở đảng với 5.150 đảng viên.
Trải qua 20 kỳ đại hội, Đảng bộ huyện Thăng Bình đã vượt qua những chặng đường cách mạng khó khăn, thử thách, đã tỏ rõ bản chất là đội tiên phong của giai cấp công nhân, là lực lượng lãnh đạo, nhân tố quyết định thắng lợi các phong trào cách mạng của huyện. Dũng cảm, hiên ngang, kiên cường, bất khuất trong chiến đấu chống ngoại xâm, là tiền đề vững chắc cho Đảng bộ và quân dân huyện Thăng Bình vững vàng vượt qua mọi nguy cơ, thách thức của thời đại để xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày thêm tươi đẹp vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.