Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng: “Quy hoạch là nguồn lực của mọi nguồn lực”
Huyện Thăng Bình là địa phương cấp huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh công bố quy hoạch vùng huyện đến năm 2030 theo Quyết định số số 339/QĐ-UBND ngày 07/02/2024 của UBND tỉnh Quảng Nam.
Theo định hướng phát triển không gian vùng, huyện Thăng Bình đã phân định rõ từng mục tiêu, chiến lược phát triển từng vùng. Đối với tiểu vùng Đông gồm 8 xã định hướng phát triển du lịch, đô thị, công nghiệp, nông nghiệp. Đầu tư phát triển theo định hướng đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai; trong đó về không gian phát triển đô thị, định hướng đô thị Bình Minh, một số xã của tiểu vùng Đông cùng với một số xã tiểu vùng Trung trở thành khu vực nội thi của đô thị loại IV Thăng Bình.
Tiểu vùng Trung có 6 xã định hướng phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề, nông lâm nghiệp; trong đó về không gian phát triển đô thị, định hướng đô thị Hà Lam, một số xã của tiểu vùng Trung, tiểu vùng Đông trở thành khu vực nội thị của đô thị loại IV Thăng Bình.
7 xã thuộc tiểu vùng tây định hướng phát triển nông lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; trung tâm vùng là Hà Châu (Bình Phú), Bình Trị.
Ông Lê Văn Dũng cho rằng, công tác quy hoạch nói chung và quy hoạch vùng, quy hoạch các chuyên ngành nói riêng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc hoạch định các nguồn lực cho sự phát triển của địa phương, các ngành, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và bảo vệ môi trường.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định “Quy hoạch là nguồn lực của mọi nguồn lực”, nó còn được ví von rằng “làm tốt công tác quy hoạch - như đứa trẻ con đứng trên vai người khổng lồ”. Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thăng Bình được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-UBND, ngày 07/02/2024 chỉ là bước khởi đầu, việc triển khai thực hiện đến từng địa phương, từng lĩnh vực, từng dự án cụ thể còn nhiều bước công việc cần được thực hiện đầy đủ, chặt chẽ theo quy định pháp luật; trong quá trình thực hiện đó, có cả những cơ hội, thuận lợi và những khó khăn nhất định.
Quy hoạch vùng huyện Thăng Bình
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu để triển khai thực hiện tốt Quy hoạch này, huyện Thăng Bình phải chủ động, tranh thủ nhiều sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan quản lý nhà nước ở tỉnh, Trung ương; sự đồng hành, quyết tâm trong nhận thức của các cấp ủy đảng và hệ thống chính trị của huyện, sự quan tâm nghiên cứu đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để huyện Thăng Bình có đủ động lực, nguồn lực hiện thực hóa các nội dung của quy hoạch.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nhận diện, vùng huyện Thăng Bình là khu vực trung tâm của tỉnh, có chức năng kết nối, điều phối phát triển các ngành, lĩnh vực; phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại và du lịch ven biển; hình thành không gian phát triển du lịch ven biển Duy Xuyên - Thăng Bình kết nối không gian du lịch Hội An trên cơ sở phát huy các giá trị tự nhiên sông - biển; xây dựng các trung tâm hội thảo, hội nghị, trung tâm thương mại, các khu vui chơi giải trí và các khu nghỉ dưỡng, sân gôn cao cấp; từng bước giảm áp lực cho đô thị cổ Hội An trên cơ sở phát triển không gian đô thị vùng Đông thị xã Điện Bàn và các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình; đến năm 2030 phấn đấu đô thị Hà Lam mở rộng kết nối với đô thị Bình Minh và các xã lân cận, nâng cấp lên thành cấp hành chính là thị xã Thăng Bình
Bên cạnh đó, huyện Thăng Bình phải tập trung lãnh đạo công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực gắn liền với việc thực thi quy hoạch; huy động các nguồn lực và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công từ các chương trình dự án của Trung ương, của tỉnh đang triển khai trên địa bàn huyện. Tạo hạ tầng khung thuận lợi để thu hút đầu tư; ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước có công nghệ tiên tiến, nguồn vốn lớn, nhất là thu hút đầu tư mạnh mẽ vào Khu công nghiệp Nam Thăng Bình vừa qua đã được UBND tỉnh thống nhất cho phép nghiên cứu đầu tư; tập trung quan tâm, tháo gỡ các khó khăn của các doanh nghiệp đang đầu tư trên địa bàn huyện.
Một trong những vấn đề quan trọng trong sự phát triển của huyện Thăng Bình theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng là phải chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động, kết hợp chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động; tạo đội ngũ lao động lành nghề, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng phục vụ nhu cầu, nhất là trong lĩnh vực thương mại, du lịch, công nghiệp công nghệ cao; tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân gắn với các thiết chế văn hóa để đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút người lao động đến làm việc, sinh sống lâu dài tại huyện nhà.
Đặc biệt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng yêu cầu việc thực thi quy hoạch phải gắn liền với các giải pháp về bảo vệ môi trường, bản sắc văn hóa và phát triển bền vững,tuyệt đối không vì lợi ích kinh tế mà ảnh hưởng đến môi trường; phát triển, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên. Thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động môi trường của các dự án; ưu tiên thu hút các dự án có giải pháp tốt về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, dự án có giải pháp về liên kết phát triển theo chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, huyện Thăng Bình cần tiếp tục có giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý hành chính; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, duy trì thứ hạng cao về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện; chỉ số cải cách hành chính; chỉ số chuyển đổi số. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, đổi mới phương thức phục vụ người dân, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức huyện đáp ứng các yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Song song với đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng yêu cầu địa phương phải tập trung lãnh đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong triển khai thực hiện. Xây dựng kế hoạch thực hiện, thường xuyên cập nhật, cụ thể hoá các nội dung quy hoạch thành các kế hoạch 05 năm, hằng năm. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, kế hoạch phát triển bảo đảm phù hợp với quy hoạch được duyệt. Tiếp tục rà soát các dự án chậm tiến độ, dự án treo, quy hoạch treo, đề xuất cấp có thẩm quyền thu hồi, điều chỉnh, hủy bỏ theo quy định; rà soát thực hiện tốt công tác cấp giấy CNQSD đất cho nhân dân theo đúng quy định để người yên tâm sản xuất, nhất là các hộ dân nuôi trồng thủy sản, kinh tế trang trại … và đặc biệt quan trọng là huyện Thăng Bình phải cam kết trách nhiệm, quyết tâm đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp trong suốt quá trình triển khai dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa phương.