Xác định phát triển hạ tầng là nhiệm vụ đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, có ý nghĩa rất lớn đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển huyện Thăng Bình trong chủ trương phát triển vùng động lực Đông Nam của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025. Đầu nhiệm kỳ, Huyện uỷ đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 19/7/2021 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng huyện Thăng Bình giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Sau khi Nghị quyết ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện, các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên, chỉ đạo các cấp ủy đảng trực thuộc, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, tổ chức xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết số 02-NQ/HU phù hợp với tình hình thực tế với từng tổ chức đảng, địa phương, đơn vị, đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả. HĐND huyện đã cụ thể hóa các mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch đầu tư công hằng năm để triển khai thực hiện. Trên cơ sở các nghị quyết của HĐND huyện, hằng năm UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các công trình, dự án đầu tư công theo danh mục đã được HĐND huyện thông qua; chỉ đạo các cơ quan, địa phương tập trung triển khai thực hiện, nâng cao hiệu quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU.
Trong 03 năm, huyện đã huy động trên 1.857 tỷ đồng để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện, đạt 44,21% chỉ tiêu theo Nghị quyết đề ra (4.200 tỷ đồng). Hạ tầng giao thông được tập trung quan tâm đầu tư, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã đầu tư một số công trình hạ tầng giao thông quan trọng kết nối, thông suốt giữa huyện Thăng Bình với các địa phương lân cận; nhiều dự án, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng như: Tuyến đường ĐH 21 từ Hà Lam đi Tam Thành huyện Phú Ninh, ĐH19 nối từ Quốc lộ 14E đi ĐT612, ĐH18 nối từ Bình Định Bắc đi Quế Sơn, tuyến đường nối từ ĐH4 Bình An đi huyện Phú Ninh, các tuyến đường hạ tầng đô thị Bình Minh, Hà Lam,... đã góp phần tăng cường giao thương, lưu thông hàng hóa và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trong 03 năm từ nguồn ngân sách huyện đạt trên 149 tỷ đồng, đạt 20,14% chỉ tiêu theo Nghị quyết đề ra (739 tỷ đồng). Đồng thời, đã đầu tư hoàn thành 9,21 km đường ĐH, xây mới 06 cống hộp và 07 cầu với tổng mức đầu tư trên 80 tỷ đồng và kiên cố hóa giao thông nông thôn 33,83 km, xây mới 09 cống hộp và 07 cầu, với tổng mức đầu tư gần 54 tỷ đồng; đảm bảo kỹ thuật theo quy hoạch đạt tiêu chuẩn tiêu chí giao thông của huyện nông thôn mới.
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn ngân sách của Trung ương, của tỉnh; huyện đã phối hợp triển khai các dự án đầu tư, nâng cấp các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn huyện như: Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E trên địa bàn huyện; mở rộng tuyến đường Võ Chí Công; dự án thành phần 2 đường nối từ đường Võ Chí Công đi Khu công nghiệp Đông Quế Sơn nối với Quốc lộ 14H và Quốc lộ 1A, dự án Cầu Bình Sa đi Bình Hải (Cầu Tây Giang),… Đến nay, đã cơ bản hoàn thành Dự án đường nối từ đường cứu nạn, cứu hộ (Võ Chí Công) đến Quốc lộ 1A nối Cao tốc.
Nút giao thông Cây cốc được thông suốt
Hạ tầng giáo dục được quan tâm đầu tư
Hạ tầng thủy lợi phục vụ nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng nước sạch cũng phát triển đáng kể nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phục vụ sản xuất của người dân. Từ nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ, huyện đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình khắc phục thiên tai như: Đập Phô Thị - Bình Tú, Đập Dâng Bình Khương - xã Bình Giang, Đập Cẩm Nga - xã Bình Lãnh, Khe Ông Tiến - xã Bình, Cầu Suối Dốc - thị trấn Hà Lam, Cầu Rộc Trên, Cầu Rộc Dưới - xã Bình Định Bắc. Trong 03 năm, tổng số vốn đã đầu tư hạ tầng thủy lợi là 103,758 tỷ đồng đạt 58,77% so với Nghị quyết đề ra (176,558 tỷ đồng). Bên cạnh đó, một số công trình trọng điểm Nghị quyết đề ra đã triển khai thực hiện như: Dự án Hồ chứa nước Hố Do, đầu tư phát triển và nâng cấp các công trình thuỷ lợi, công trình phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, từng bước hiện đại và kiên cố, đảm bảo nước tưới (Đê ngăn mặn sông Trường Giang, đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển các trại giống nuôi trồng thuỷ sản...). Trong 3 năm qua, huyện đã phối hợp, đối ứng với ngân sách tỉnh để đầu tư mở rộng Nhà Máy nước Hà Lam từ 2.500m3/ngày đêm lên 7.500m3/ngày đêm. Đến nay, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đã đạt 100% và tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch đạt trên 75%.
Lĩnh vực y tế, giáo dục được quan tâm quan tâm đầu tư. Huyện đã đầu tư nâng cấp mở rộng khoa Truyền nhiễm để điều trị Covid -19 thể vừa (tầng 2) tại Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình; phối hợp với tỉnh đang triển khai thực hiện nâng cấp, cải tạo Trung tâm Y tế huyện. Đồng thời, bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách, các nguồn lực xã hội vào lĩnh vực y tế được đẩy mạnh; năm 2023, Bệnh viện Đa khoa Thăng Hoa đã đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động Khu điều trị mới với công suất 110 phòng bệnh... phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Chương trình kiên cố hóa trường học được tập trung triển khai, hạ tầng giáo dục được đầu tư, nâng cấp. Từ năm 2021 - 2023, huyện đã đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo trường học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, đã có 69/70 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Tổng nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giáo dục giai đoạn 2021 - 2023 trên 373,67 tỷ đồng, đạt 92,18% so với Nghị quyết đề ra (405,36 tỷ đồng).
Hạ tầng văn hóa - thể thao, các thiết chế văn hóa tiếp tục được đầu tư phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 22/22 Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, thị trấn đủ chuẩn, đảm bảo các điều kiện sinh hoạt; có 106/106 Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, khu phố. Các thiết chế thể thao ở cơ sở cũng được các địa phương quan tâm xây dựng, toàn huyện có 22 sân bóng đá đủ tiêu chuẩn, 15 sân bóng đá mi ni cỏ nhân tạo, 112 sân bóng chuyền, 31 sân cầu lông phục vụ nhu cầu luyện tập, tổ chức các hoạt động thể thao trên địa bàn huyện. Hiện nay, đang xúc tiến đầu tư xây dựng Quảng trường, Trung tâm Văn hóa huyện với nhiều công năng như hội trường, nhà tập luyện và thi đấu, sân thể thao, thư viện, nhà truyền thống, hồ bơi,… và đang triển khai nâng cấp sân vận động huyện (Cây Cốc).
Công tác quản lý, tu bổ, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa được chú trọng; huyện đã triển khai tu bổ phục hồi di tích lịch sử - văn hóa như: Di tích Căn cứ lõm Bàu Bính (xã Bình Dương), di tích Chiến thắng Đồng Dương (xã Bình Định Bắc), Lăng Bà Phô Thị, xã Bình Tú,... Tiếp tục phối hợp với sở, ngành liên quan phục hồi di tích cấp Quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương. Bên cạnh đó, việc đầu tư, nâng cấp, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ tiếp tục được quan tâm; giai đoạn 2021 - 2023 đã sửa chữa, nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ các xã: Bình Phú, Bình Chánh, Bình Trị, Bình Quý, Bình An, Bình Triều, Bình Giang, Bình Đào, Bình Minh, Bình Quế với tổng số vốn đã đầu tư 36,7 tỷ đồng.
Có thể nói, thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng; nhiều công trình trọng điểm đã được đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng, góp phần tạo động lực để Thăng Bình phát triển.