Với những tiềm năng, lợi thế để phát triển thương mại, du lịch của huyện có bờ biển dài 25 km, sông Trường Giang trải dài 6 xã vùng Đông của huyện với nhiều di tích văn hóa, lịch sử như Di tích cấp Quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương, Lễ rước Cộ Bà Chợ Được, Hát Bả Trạo, Lễ hội Cầu ngư,…; đồng thời, Thăng Bình là huyện có hầu hết các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, của khu vực đi ngang qua. Với những thuận lợi đó, thời gian qua huyện Thăng Bình đã xác định cùng với phát triển công nghiệp, phát triển thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển phát triển thương mại, du lịch trên địa bàn huyện. Sau 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về phát triển thương mại, du lịch Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển mạnh, năm 2023, tổng giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ, du lịch đạt tỷ trọng 30,76% trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Hạ tầng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch được chú trọng, tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; các sản phẩm thương mại, dịch vụ, du lịch ngày càng đa dạng, phuong phú; đẩy mạnh liên kết cung ứng sản phẩm; song song với thương mại truyền thống, thương mại điện tử có những bước phát triển rất tích cực. Huyện đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, sữa chữa các chợ và triển khai công tác chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp, sữa chữa và sử dụng các chợ hiện có như: Chợ Đo Đo, Chợ Bình Trị, Chợ trung tâm xã Bình Lãnh, chợ Bình Nam; xúc tiến đầu tư chợ đầu mối nông súc sản miền Trung – Tây Nguyên tại vùng Tây huyện Thăng Bình. Song song với phát triển hạ tầng chợ thương mại, trên địa bàn huyện đã phát triển nhiều cửa hàng tiện ích, siêu thị theo hướng văn minh, hiện đại, tạo điều kiện thuận tiện và đáp ưng cơ bản nhu cầu mua bán, tiêu dùng của người dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, huyện đã tập trung huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nhất là các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để triển khai các dự án giao thông trọng điểm, chiến lược. Nhiều dự án giao thông quan trọng như: Dự án mở rộng đường biển Võ Chí Công, Cầu Bình Đào trên tuyến Quốc lộ 14E, Cầu Bình Nam 1, Bình Nam 2,… đã được đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác sự dụng. Trong 03 năm từ 2021 đến nay, đã đầu tư hoàn thành 14 km đường ĐH; nâng cấp, mở rộng các tuyến ĐH đảm bảo kỹ thuật theo quy hoạch đạt tiêu chuẩn tiêu chí giao thông của huyện nông thôn mới. Hiện nay huyện đang tập trung triển khai quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án trọng điểm: Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E; Thành phần 2 Đường nối từ đường Võ Chí Công đi Khu công nghiệp Đông Quế Sơn nối với Quốc lộ 14H và Quốc lộ 1A; dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam; Dự án Cầu Bình Sa đi Bình Hải (Cầu Tây Giang);…
Cùng với đó, huyện tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng môi trường thuận lợi cho phát triển thương mại, dịch vụ. Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo UBND huyện tập trung xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn huyện theo tinh thần Chỉ thị số 19, ngày 20/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thông tri số 04-TT/HU, ngày 21/12/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy; tổ chức thành công Đại hội Hội khởi nghiệp sáng tạo huyện Thăng Bình, lần thứ I, nhiệm kỳ 2021 - 2026; tổ chức và tham gia các hoạt động hưởng ứng “Năm quốc gia khởi nghiệp”.
Hội chợ Thương mại và sản phẩm Ocop, sản phẩm Công nghiệp nông thôn huyện Thăng Bình năm 2024 với hơn 140 gian hàng
Du khách tham quan trải nghiệm làng nghề nước mắm Cửa Khe
Các hoạt động xúc tiến thương mại tập trung triển khai, nhất là tăng cường quảng bá, liên kết mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn huyện. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 27 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và 04 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao (riêng từ năm 2021 - 2023 có 14 sản phẩm OCOP); 10 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện; 08 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; huyện cũng đã triển khai hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến cho 04 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với tổng kinh phí trên 400 triệu đồng.
Đồng thời, triển khai hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, tham gia thương mại điện tử để tăng cường kết nối, mở rộng thị trường. UBND huyện đã triển khai hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng website giới thiệu sản phẩm, thiết kế phần mềm trong quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc cho 05 cơ sở với tổng kinh phí là 161 triệu đồng. Các cơ sở sản xuất, phân phối sản phẩm cũng đã tích cực tham gia quảng bá, phân phối các sản phẩm địa phương thông qua các phương thức thương mại điện tử, giao dịch trực tuyến để cung ứng và đa dạng thị trường. Cùng với đó, việc sử dụng các hình thức thương mại điện tử được đa số các hộ dân từ khu vực đô thị đến nông thôn tham gia sử dụng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn huyện.
Công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng và các sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện được quan tâm và tiến hành bằng nhiều hình thức như: xây dựng các tin, bài, phóng sự, chuyên mục về du lịch, truyên truyền, quảng bá trên Trang Du lịch Quảng Nam, Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, huyện; Cổng thông tin điện tử huyện và mạng xã hội; tuyên truyền qua các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ; giới thiệu, quảng bá thông qua các hoạt động Lễ hội, hội thảo, đăng cai tổ chức các hoạt động du lịch tại địa phương như: Hội thảo khởi nghiệp “Du lịch từ làng nghề truyền thống” tại huyện Thăng Bình; tổ chức Ngày hội văn hoá, du lịch biển Cửa Khe năm 2022, Lễ hội Văn hoá - Thể thao miền biển huyện Thăng Bình năm 2023…
Phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch quảng bá, giới thiệu Làng nghề truyền thống nước mắm Cửa Khe đến với du khách trong và ngoài nước trong chương trình truyền hình thực tế mang tính văn hóa, du lịch, giải trí hấp dẫn “VTV Travel - Du lịch cùng VTV” được phát sóng trên kênh VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam. Đón tiếp, hướng dẫn đoàn công tác của thành phố Hà Nội đến thăm và trao đổi kinh nghiệm về xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn tại điểm du lịch cộng đồng Làng Cửa Khe. Xây dựng và lắp đặt các biển địa giới hành chính, biển quảng cáo, biển chỉ đường có nội dung quảng bá du lịch.
Công tác quảng bá, xúc tiến thu hút các dự án du lịch được huyện tập trung chỉ đạo; đến nay trên địa bàn huyện đã thu hút được một số dự án có nguồn vốn đầu tư lớn như: Dự án Vinpearl Nam Hội An, Khu nghỉ dưỡng Bliss Hội An Beach Resort & Wellness đã đầu tư và đang triển khai hoạt động hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông của huyện, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện. Hiện nay đang phối hợp giải phóng mặt bằng dự án Nam Hội An để triển khai giai đoạn tiếp theo và tạo điều kiện, thúc đẩy Công ty du lịch Thăng Bình xúc tiến các bước để đầu tư Khu du lịch trải nghiệm Đồng Dương tại xã Bình Định Bắc để kết nối phát triển du lịch tại vùng Tây của huyện.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích và di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện phát triển du lịch văn hoá, du lịch tâm linh. Đến nay, trên địa bàn huyện có 40 di tích được xếp hạng, trong đó, có 01 di tích Quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương, 01 di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm diễn ra Cuộc Đấu tranh Hà Lam - Chợ Được, 02 di tích văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ rước Cộ Bà Chợ Được và Hát Bả Trạo. Hằng năm, UBND huyện và các địa phương đã tổ chức Lễ rước Cộ Bà Chợ Được (xã Bình Triều), Lễ Cầu Ngư (tại các xã ven biển) kết hợp với biểu diễn nghệ thuật hát Bả Trạo nhằm bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng của địa phương; nhất là chú trọng tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh, Đoàn chuyên gia của Viện Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) để khảo sát bảo tồn đối với di tích Quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương và kiến nghị tỉnh phân bổ nguồn vốn để triển khai Dự án gia cố, Tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị tháp Sáng thuộc di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương và giải phóng mặt bằng, khoanh vùng đối với vùng lõi của di tích.
Việc phát triển các sản phẩm du lịch, văn hóa đặc trưng của huyện được các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đặc biệt chú trọng. Mặc dù trong thời gian qua dịch bệnh Covid - 19 đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển du lịch và các hoạt động lễ hội lớn trên địa bàn huyện, tuy nhiên với nỗ lực, quyết tâm của huyện và các địa phương, ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, ổn định, huyện đã chỉ đạo tập trung bảo tồn và tổ chức nhiều hoạt động lễ hội mang bản sắc văn hóa đặc trưng của huyện như: Lễ hội Rước Cộ Bà Chợ Được, Lễ hội Văn hoá - Thể thao miền biển huyện Thăng Bình năm 2023, Lễ hội Cầu Ngư, Ngày hội văn hoá, du lịch biển Cửa Khe năm 2022… đã tạo được sự lan tỏa, thu hút đông đảo du khác trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, trên địa bàn huyện hiện nay đang khai thác một số sản phẩm du lịch như Du lịch cộng đồng Làng nghề truyền thống nước mắm Cửa Khe, Du lịch sinh thái Khoai lang Trà Đóa Bình Đào, Du lịch sinh thái Hố Thác,...
Bằng những giải pháp cụ thể cùng tiềm năng lợi thế sẵn có, huyện Thăng Bình đang đẩy mạnh bứt phá về thương mại, dịch vụ, du lịch; nhất là phát triển du lịch biển gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững.