Triển khai thực hiện Đề án, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện đã tổ chức 4 lớp tập huấn phân loại rác thải tại nguồn; cấp 3.200 sổ tay, 10.000 tờ rơi tuyên truyền hướng dẫn phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn.
Huyện Thăng Bình cũng đã phân bổ hơn 3,1 tỷ đồng cho các địa phương thí điểm và các ngành liên quan trong việc thực hiện. Qua gần 3 năm triển khai thực hiện, các địa phương thí điểm cũng đã cử cán bộ phụ trách đến từng thôn khu phố, tổ để tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn cho các hộ dân, có 5.879/8.645 hộ dân tham gia tập huấn, đạt tỷ lệ 68%.
Tính đến nay, các địa phương thí điểm đã vận động được 7.781/8.645 hộ dân đăng ký tham gia thực hiện Đề án, đạt tỷ lệ 90%. Đồng thời, các địa phương thí điểm đã rà soát được 2.606/8.645 hộ dân đủ điều kiện xây dựng hố rác gia đình, chiếm tỷ lệ 30,1%. Đến nay, đã có 6.124/7.781 hộ thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, đạt tỷ lệ 70,8%, có 514/1.458 hộ dân thực hiện hố rác gia đình, đạt tỷ lệ 35,3%.
Đối với xã Bình Phú, ngay khi được chọn triển khai thí điểm địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ thu gom, Tổ kiểm tra, giám sát và phân công nhiệm vụ phụ trách từng địa bàn dân cư. Tổ chức các cuộc họp chuyên đề về môi trường để bàn các giải pháp tổ chức thực hiện, trong đó chú trọng việc tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện tốt công tác phân loại. Địa phương đã xây dựng kế hoạch họp dân từng cụm dân cư để triển khai, tuyên truyền và hướng dẫn cách phân loại rác thải theo quy định, đặc biệt là phổ biến Nghị định 45/2022/NĐ-CPvề xử phạt đối với hành vi không phân loại rác thải. Qua 3 năm thực hiện, Bình Phú có 572/986 hộ dân thực hiện phân loại rác thải (tỷ lệ 58%).``
Ông Đoàn Ngọc Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phú nhấn mạnh, thời gian đến địa phương sẽ chỉ đạo tổ kiểm tra, giám sát tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, hướng dẫn cho người dân, đồng thời áp dụng các biện pháp chế tài phù hợp như: không thu gom đối với hộ chưa thực hiện phân loại, dần dần tiến đến xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không phân loại rác thải theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP. Mặt trận, các đoàn thể của xã tích cực đưa nội dung Đề án vào triển khai cho hội viên và làm căn cứ đánh giá, nhận xét gia đình văn hóa hằng năm. Bên cạnh đó, Bình Phú cũng sẽ nhân rộng các mô hình Khu dân cư nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã triển khai. Sau khi việc phân loại rác thải được thực hiện tốt, địa phương sẽ tính toán giảm mức thu phí môi trường đối với người dân cho phù hợp với lượng rác thải phát sinh để đảm bảo quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ của người dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Phan Thị Nhi, việc chọn địa phương thí điểm để xây dựng đã và đang mang lại những kết quả tích cực. Điều quan trọng, chính là nhận thức, thói quen đã thay đổi trong việc phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn, tăng tỷ lệ rác thải được tái chế góp phần làm tiền đề từng bước cải thiện, đổi mới, hoàn thiện hệ thống quản lý chất thải rắn, tiết kiệm được tài nguyên, ngân sách nhà nước.
Bà Phan Thị Nhi - Phó Chủ tịch UBND huyện cũng cho hay, trong năm 2024 này, huyện Thăng Bình tiếp tục thực hiện Đề án này thêm 5 xã khác. "Muốn duy trì thành công thì phải coi trọng công tác tuyên truyền, vận động để người dân chấp hành việc phân loại, giảm thiểu rác thải. Đối với các tổ thu gom, ngoài việc thu gom rác còn thực hiện việc nhắc nhở, tuyên truyền để hộ gia đình nâng cao việc phân loại rác. Ngoài ra, các địa phương phải rà soát lại hoặc dịch chuyển các điểm trung chuyển rác thải phù hợp với quy hoạch. Một khi chính quyền địa phương vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, thì phía đơn vị thu gom, xử lý rác cũng phải thay đổi quá trình thu gom, xử lý đối với từng loại rác đã được phân loại. Ngoài ra buộc phải có chế tài đối với hộ gia đình không chấp hành việc phân loại rác", bà Nhi nói thêm.