Sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, đặc biệt là sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của BCH Trung ương về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Ban Thường vụ Huyện uỷ Thăng Bình đã ban hành Kế hoạch số 135-KH/HU, ngày 04/6/2019 về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, trên cơ sở đó các cấp, các ngành và địa phương đã tổ chức quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện.
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và Kế hoạch 135-KH/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy, tình hình kinh tế- xã hội địa bàn các xã ven biển đã có nhiều chuyển biến rõ nét, nhận thức của cán bộ và nhân dân về vị trí, vai trò của biển được nâng lên. Đối với mục tiêu phát triển công nghiệp ven biển gắn với phát triển các khu đô thị - dịch vụ ven biển, thời gian qua, huyện đã tiếp tục đầu tư từng bước hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện; trong đó, cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được đã thu hút được 16 dự án đầu tư, tạo việc làm ổn định cho 4.350 lao động, cải thiện thu nhập và đời sống nhiều hộ dân trên địa bàn huyện. Hiện nay, Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng (giai đoạn 1) để đầu tư hạ tầng trên địa bàn xã Bình Nam sẽ góp phần hình thành và phát triển công nghiệp tại vùng ven biển của huyện; đồng thời giải quyết nhiều việc làm cho lao động của khu vực.
Bên cạnh đó, các dự án khu Khu dân cư Trung tâm xã Bình Dương (giai đoạn 2) và dự án Khu dân cư ven biển Bình Dương (giai đoạn 1), Khu dân cư thôn Nghĩa Hòa Bình Nam, Khu dân cư Trà Đóa 1,… đang được đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng để đưa vào khai thác, phục vụ nhu cầu của người dân, từng bước hình thành các khu dân cư đô thị hai bên sông Trường Giang theo định hướng phát triển đô thị Chương trình số 16-CTr/TU, ngày 12/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong thời gian đến, huyện sẽ tiếp tục huy động nguồn lực thực hiện chủ trương phát triển các khu đô thị tại các xã ven biển và hai bên sông Trường Giang để sớm hình thành các đô thị mới; trong đó, tiếp tục tập trung triển khai các khu đô thị mới để phát triển hạ tầng đô thị Bình Minh phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, chỉ đạo triển khai sắp xếp lại các khu dân cư ven biển gắn phát triển du lịch cộng đồng, phát triển mạnh du lịch homestay, phát triển du lịch trải nghiệm như làng nghề nước mắm cửa khe Bình Dương.
Xác định phát triển dịch vụ du lịch biển là nhiệm vụ quan trọng, có sức lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội toàn huyện. Do vậy, Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương triển khai các dự án trọng điểm vùng Đông Nam của tỉnh. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng, tái định cư tạo quỹ đất sạch để thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch. Trong đó, dự án Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Quảng Nam, Bliss Hội An Beach Resort & Wellness… đã đi vào hoạt động, góp phần tích cực trong thu ngân sách huyện và giải quyết việc làm của địa phương. Ngoài ra, một số dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, đang trong giai đoạn triển khai các thủ tục giải phóng mặt bằng. Huyện đã chú trọng phát triển, bảo tồn các lễ hội văn hóa biển như: Lễ hội cầu ngư, hát Bả Trạo, các làng nghề truyền thống gắn với phát triển các dự án du lịch sinh thái. Trong năm 2023, huyện tổ chức thành công lễ hội Văn hóa, Thể thao miền biển, đã thu hút được đông đảo người dân, du khách trong và ngoài huyện.
Các chính sách phát triển nông, lâm, thủy sản được tập trung triển khai, trong đó, tập trung phát huy tiềm năng về nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Sở NN & PTNT tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung 20ha tại thôn Phương Tân, xã Bình Nam. Dự án đã được 03 nhà đầu tư vào sản xuất giống tôm thẻ, tôm sú, cá nước lợ với công suất từ 5-7 tỷ con giống/năm. Đến nay, trên địa bàn huyện có 260 ha nuôi tôm ven sông, 52 ha nuôi tôm trên cát và một số mô hình nuôi hải sản có giá trị kinh tế cao: ốc hương, cá dìa trên địa bàn xã Bình Hải. Hằng năm UBND huyện bố trí kinh phí hỗ trợ cho các tàu cải hoán, nâng cấp máy tàu, đóng mới tàu với kinh phí hỗ trợ từ 800-900 triệu đồng/năm; hỗ trợ khai thác, dịch vụ khai thác trên vùng biển xa theo Quyết định 48/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí trên 72 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn các xã ven biển có 659 tàu cá, trong đó dưới 20cv: 399 chiếc; từ 20-90cv: 111 chiếc; từ 90cv trở lên: 149 chiếc (trong đó có 10 chiếc từ 800cv trở lên); củng cố 02 nghiệp đoàn nghề cá tại 02 xã Bình Minh và Bình Dương, thành lập được 42 tổ đội đoàn kết đánh bắt trên biển. Sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản bình quân hàng năm khoảng trên 17.000 tấn.
Cùng với phát triển của ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản, các dịch vụ hậu cần nghề cá từng bước được hình thành và phát triển. Thành lập mới Hợp tác xã Nông lâm - Thủy hải sản Bình Minh và 06 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá. Một số cơ sở chế biến hải sản đã được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; hỗ trợ chuỗi liên kết sản xuất nước mắm Cửa Khe tại Làng nghề nước mắm Cửa Khe: phát triển 03 sản phẩm của Làng nghề thành sản phẩm OCOP: Nước mắm Cửa Khe của HTX Nước mắm Cửa Khe - Hai Hiền (4 sao), Nước mắm của Công ty TNHH TMDV Tám Tươi (3 sao); đang xây dựng và quản lý, phát triển nhãn hiệu chứng nhận mực cơm Bình Minh Thăng Bình.
Đặc biệt, huyện đã chú trọng đẩy mạnh công tác quy hoạch, tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển. Trên cơ sở các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh cùng với ngân sách huyện và các địa phương để đầu tư hệ thống giao thông khớp nối với các vùng của huyện và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đã xúc tiến đầu tư các tuyến đường từ đường Quốc lộ 1A (Cây Cốc) - Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Quốc lộ 1A (Cây Cốc), Cầu Bình Đào trên tuyến Quốc lộ 14E, nâng cấp đường Võ Chí Công, nâng cấp đường ĐT.613 tại xã Bình Dương, nâng cấp đường ĐT.613B tại xã Bình Minh; đầu tư xây dựng cầu Tây Giang (Bình Sa-Bình Hải), dự án Nghĩa trang nhân dân Nam Thăng Bình và đường dẫn (giai đoạn 1) phục vụ cho việc di dời, cải táng mồ mả giải phóng mặt bằng cho các dự án trọng điểm. Phối hợp với BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình Giao thông tỉnh Quảng Nam giải phóng mặt bằng triển khai xây dựng: Dự án Đường liên kết vùng miền Trung, Dự án Đường nối từ đường Võ Chí Công (Bình Sa) đi Khu Công nghiệp Đông Quế Sơn nối với Quốc lộ 14H. Việc đầu tư các tuyến đường giao thông này đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông của huyện, kết nối với các vùng của huyện và các huyện, thành phố trong tỉnh.
Lễ hội văn hoá thể thao miền biển huyện Thăng Bình năm 2023 đã thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài huyện
Có thể nói, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội từ huyện đến cơ sở đã quán triệt, chỉ đạo cán bộ, đảng viên tập trung thực hiện và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Kinh tế - xã hội các xã ven biển có nhiều chuyển biến, hạ tầng giao thông được đầu tư. Một số dự án thu hút đầu tư trọng điểm đã đi vào hoạt động, từng bước hình thành điểm du lịch trọng điểm của huyện và của tỉnh. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo, công tác bảo vệ môi trường tiếp tục được chú trọng. Những chuyển biến qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của huyện, tỉnh mà còn góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.