Quan tâm chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học ở địa phương. Ngành giáo dục và đào tạo thường xuyên củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác quản lý giáo dục, đổi mới dạy học. Đến nay, toàn huyện có 1.993 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn được chú trọng; toàn ngành có 09 Thạc sỹ, tỷ lệ 0,45%; Đại học có 1563 người, tỷ lệ 78.42%; Cao đẳng có 337 người, tỷ lệ 16.90%; Trung cấp có 84 người, tỷ lệ 4.21%. Hàng năm, Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để xây dựng kế hoạch bố trí, sắp xếp hợp lý. Xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ quản lý và giáo viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Công tác tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm được thực hiện kịp thời, chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định, đúng quy trình; tạo điều kiện, khuyến khích cán bộ quản lý, giáo viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, quản lý giáo dục. Tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi, ở các cấp học nhằm tạo điều kiện để giáo viên thể hiện năng lực, trao đổi, học tập kinh nghiệm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học. Mạng lưới trường, lớp tiểu học đã phủ kín địa bàn các xã, thị trấn, đảm bảo cho các em trong độ tuổi đi học được đến lớp. Tính đến năm học 2022 - 2023, toàn huyện có 26 trường tiểu học, với 516 lớp và 14.604 học sinh; trong đó, có 24 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, 100% trường tổ chức dạy học 2buổi/ngày. 100% trường tổ chức dạy học ngoại ngữ, tin học cho học sinh. Đối với các trường trung học cơ sở, có 239 phòng học kiên cố và 19 phòng học bán kiên cố. Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh khá tốt; các tổ chức, cá nhân đã có nhiều đóng góp trong đầu tư xây dựng nhiều phòng học, phòng phục vụ học tập, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp; mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học; trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; giúp đỡ học sinh dụng cụ và phương tiện học tập... với số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Tiếp tục tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Đổi mới chương trình, nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề; đa dạng hoá nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo bảo đảm trung thực, khách quan; tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người bằng các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp.
Tăng cường sự lãnh đạo và quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và đồng bộ giữa các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW và Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 25/4/2017 của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị, cần quyết liệt, kiên trì thực hiện.
Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 14/12/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030; Thông tri số 06-TT/TU ngày 21/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện giáo dục, lịch sử, địa phương trong trường phổ thông; chăm lo xây dựng con người Quảng Nam phát triển toàn diện; Chỉ thị số 04-CT/HU, ngày 06/1/2015 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2016 - 2030. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa học đường ngày càng tốt đẹp, gắn với tăng cường giáo dục đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Thường xuyên thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong việc giáo dục, rèn luyện học sinh.
Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phân luồng học sinh trung học cơ sở; tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, xây dựng xã hội học tập. Tuyên truyền, vận động và tổ chức tốt việc học tập suốt đời cho người lớn, phấn đấu mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và gia đình cán bộ, đảng viên trở thành đơn vị học tập, công dân học tập và gia đình học tập. Chú trọng bồi dưỡng kiến thức tin học, ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phù hợp với từng lĩnh vực, ngành, nghề.
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, bảo đảm đủ giáo viên cho từng cấp học, môn học; bảo đảm các điều kiện cơ bản để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Ưu tiên nguồn tài chính cho giáo dục, bảo đảm đủ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ tốt việc triển khai chương trình và sách giáo khoa mới. Tăng cường rà soát, quy hoạch, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm nguyên tắc tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông. Tăng cường đầu tư tài chính và quỹ đất để bảo đảm đủ trường, lớp cho học sinh học hai buổi/ngày, trước hết tập trung cho giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học; bảo đảm đủ các phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch.
Tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động, sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo.Kịp thời truyền thông kết quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để tạo niềm tin vào đổi mới; những yêu cầu mới đặt ra đối với đổi mới giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới, làm rõ những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện; đồng thời có các biện pháp kiểm soát kịp thời các thông tin sai lệch, có tác động tiêu cực đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Cùng với xu thế chung của nhân loại, Việt Nam sẽ hội nhập, hợp tác ngày càng sâu rộng với các nước trong khu vực và thế giới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục… Cùng với sự phát triển và tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0 tạo ra nhiều cơ hội để phát triển nhưng cũng có những khó khăn, thách thức đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo; sự gia tăng dân số cơ học nhanh sẽ dẫn tới sức ép không nhỏ đối với địa phương. Điều đó đòi hỏi ngành giáo dục huyện Thăng Bình phải linh hoạt, sáng tạo, khai thác hiệu quả những thời cơ, trên cơ sở kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt được của ngành trong thời gian qua. Đồng thời đề xuất, triển khai những giải pháp đột phá, hiệu quả hơn để vượt qua những khó khăn, thách thức, từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục của địa phương./.