Quá trình xây dựng NTM trên địa bàn Thăng Bình đã thu được nhiều thành quả. Tính đến nay, tổng huy động nguồn lực để thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn huyện là hơn 2.118 tỷ đồng từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước, lồng ghép các dự án, tín dụng và tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân đóng góp. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng mới theo hướng đồng bộ tạo điều kiện cho các tiêu chí đạt chuẩn NTM tăng nhanh.
Năm 2010 trung bình toàn huyện đạt 1,47 tiêu chí/xã thì đến năm 2020 đã đạt bình quân 17,5 tiêu chí. Toàn huyện có 16/21 xã đạt chuẩn NTM, dự kiến đến cuối năm 2020 có 20 khu dân cư NTM kiểu mẫu. Qua xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn được đổi mới, văn minh hơn; cơ cấu lao động tiếp tục được chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm lao động nông nghiệp, tăng dần lao động lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng được củng cố vững mạnh, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững, ổn định, dân chủ cơ sở được phát huy.
Từ những kết quả đạt được, Thăng Bình chủ trương triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2023. Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, trong thời gian đến sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, cách làm hay trong xây dựng NTM. Theo đó, đa dạng hóa về hình thức, nội dung tuyên truyền gắn với kết quả đạt được, nhân rộng, biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong xây dựng NTM...
“Huyện tập trung chỉ đạo, triển khai xây dựng chuẩn NTM cho 4 xã còn lại vào các năm 2021, 2022. Đồng thời làm tốt khâu duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí NTM ở các xã đã đạt chuẩn và quan tâm 9 xã đã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và xây dựng 23 khu dân cư NTM kiểu mẫu” - ông Nguyễn Văn Hương nói.
Theo ông Đoàn Thanh Khiết - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, Thăng Bình chú trọng phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế để nâng cao thu nhập người dân. Giải pháp là thực hiện tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm chủ lực gắn với liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, thực hiện đạt kết quả chủ trương tích tụ tập trung ruộng đất với diện tích khoảng 900ha, tiếp tục chuyển đổi đất lúa sang cây trồng cạn và cây dược liệu ổn định khoảng 800ha, trồng rừng gỗ lớn với diện tích khoảng 500ha, phát triển đàn gia cầm ổn định khoảng 700 nghìn con, gia súc khoảng 70 nghìn con trong các trang trại.
“Huyện tích cực phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số làng nghề truyền thống, ngành nghề truyền thống và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp có thế mạnh. Bên cạnh đó quan tâm phát triển dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có giá trị gia tăng cao và phát triển mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm với 50 sản phẩm chủ lực” - ông Đoàn Thanh Khiết nói.