Chi bộ Phòng LĐTB&XH huyện Thăng Bình có 10 đảng viên, thời gian qua Chi bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan tham mưu UBND huyện thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với 8 lĩnh vực: Lao động việc làm, giáo dục nghề nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động, người có công, bảo trợ xã hội, giảm nghèo, trẻ em, bình đẳng giới và phòng, chống tệ nạn xã hội. Riêng lĩnh vực người có công và bảo trợ xã hội, Thăng Bình là một huyện có đối tượng người có công và bảo trợ xã hội nhiều thứ nhì toàn tỉnh, chỉ sau thị xã Điện Bàn. Tổng cộng đối tượng người có công và bảo trợ xã hội toàn huyện gần 20.000 người. Tổng số tiền từ ngân sách Nhà nước chi trả trong một năm khoảng hơn 300 tỷ đồng.
Năm 2024, Chi bộ đã lãnh đạo cơ quan tham mưu thực hiện hoàn thành đạt và vượt 100% các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Đáng chú ý, trong năm Phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành gần 5.000 văn bản. Đối với lĩnh vực người có công, trong năm 2024 Phòng đã kiểm tra chuyển Sở giải quyết hơn 900 hồ sơ. Trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, đã tham mưu UBND huyện ban hành quyết định tăng mới hơn 1000 trường hợp. Đặc biệt, trong năm Phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các UBND xã, thị trấn kiểm tra, rà soát, xác định lại dạng tật và mức độ khuyết tật đối với người khuyết tật theo đúng quy định.
Công tác lao động việc làm luôn được quan tâm. Thăng Bình là địa phương có số lượng người lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài cao nhất toàn tỉnh từ năm 2022 đến nay. Năm 2024, đã phối hợp tổ chức 22 sàn giao dịch việc làm tại 22 xã, thị trấn. Chính nhờ làm tốt công tác tư vấn giới thiệu việc làm nên trong năm toàn huyện có 313 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trong đó lao động đi làm việc ở nước ngoài phần lớn là lao động phổ thông, thị trường chủ yếu ở các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là những thị trường tuyển dụng lao động phù hợp với sức khỏe và thể trạng của người Việt và có mức thu nhập tương đối cao. Hằng năm lượng kiều hối của lực lượng xuất khẩu lao động gửi về cho gia đình khá lớn, đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững của địa phương.
Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã từng bước gắn với nhu cầu và nâng cao hiệu quả sản xuất của người dân, các dự án đầu tư hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Trong năm, Phòng LĐTB&XH đã phối hợp với Phòng NN&PTNT mở được 16 lớp đào tạo nghề cho 512 lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện tăng từ 74,08% năm 2023 lên 78,81% năm 2024, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 37,85%, cao hơn mức bình quân chung của toàn tỉnh.
Giảm nghèo là mục tiêu ưu tiên trong chương trình phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Năm 2024, Phòng LĐTB&XH huyện tiếp tục tham mưu thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững. Kết quả, giảm 161 hộ nghèo, đạt 393% chỉ tiêu UBND tỉnh giao và Nghị quyết Huyện uỷ, HĐND đề ra. Đến nay, toàn huyện còn 1.108 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,98%, nhất là toàn huyện đã xóa hết hộ nghèo có khả năng lao động, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI trước 01 năm. Đặc biệt, trong 2 năm qua, Phòng LĐTB&XH đã phối hợp với 16 xã triển khai được 19 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc Dự án 2 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với mô hình dự án chăn nuôi bò sinh sản và lợn sinh sản. Qua đó, đã hỗ trợ được 330 con bò giống và 68 con lợn giống cho 253 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với tổng nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và ngân sách huyện gần 5,2 tỷ đồng để giúp người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, để xây dựng chi bộ vững mạnh toàn diện, chi bộ tập trung xây dựng chi bộ 4 tốt: hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; chất lượng sinh hoạt tốt; đoàn kết, kỷ luật tốt; cán bộ, đảng viên tốt công tác xây dựng Đảng. Thường xuyên đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng chi bộ 4 tốt trong toàn thể đảng viên, lấy "kết quả của cá nhân là thành quả của tổ chức"; với phương châm: “thiết thực, hiệu quả, vững chắc”; bảo đảm dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát. Ngoài ra Chi bộ đã làm tốt công tác kiểm tra giám sát và công tác phát triển đảng viên mới.
Với những nỗ lực cố gắng của tập thể chi bộ, cơ quan, năm 2024, Phòng LĐTB&XH huyện Thăng Bình năm thứ 5 liên tục dẫn đầu trong phong trào thi đua ngành Lao động – Thương binh & Xã hội các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng toàn tỉnh; Chi bộ 5 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (2020 - 2024).
Thăng Bình phối hợp với Sở LĐTB&XH tổ chức đối thoại về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng
Nói về kinh nghiệm thực tiễn trong tổ chức và triển khai thực hiện phong trào thi đua trong những năm qua, đồng chí Võ Thị Ngọc Ánh- HUV, Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện, Bí thư Chi bộ chia sẻ: Trước hết, phải xây dựng tập thể chi bộ, cơ quan đoàn kết thống nhất trên cơ sở các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng; đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Chi bộ, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. Có thể nói đây là bài học kinh nghiệm quan trọng đầu tiên để xây dựng chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thứ hai, Phòng đã thực hiện tốt phương châm 3 chủ động, đó là: chủ động phát động phong trào thi đua, đề ra những mục tiêu phù hợp, trong đó tập trung vào những khâu còn yếu để thực hiện; chủ động trong công tác kế hoạch, coi công tác kế hoạch là cơ sở quan trọng nhất để hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan và chủ động hằng tuần, hằng tháng kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng đảng viên, công chức. Thứ ba là phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo của tập thể, cá nhân và vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu. Thứ tư, khi giao nhiệm vụ phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ sản phẩm để khi đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ sẽ dễ dàng, chính xác, khách quan. Và cuối cùng, với đặc thù là cơ quan tham mưu triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội nên Chi bộ đã phát động đảng viên triển khai thực hiện mô hình “3 đúng, 3 sát, 4 phải”. 3 đúng” là: đúng giờ, đúng chức trách, nhiệm vụ và đúng chủ trương, chính sách, pháp luật. “3 sát” là sát dân, sát việc và sát cơ sở. “4 phải” là phải minh bạch, phải tận tình, phải chính xác và phải đúng hẹn”. Qua đó, đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc của từng cán bộ, đảng viên trong chi bộ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.