Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đầu tháng 11 năm 1945, Đảng bộ huyện Thăng Bình được thành lập. Sự ra đời của Đảng bộ huyện Thăng Bình là mốc lịch sử quan trọng, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng ở địa phương vượt qua khó khăn, thử thách để phát triển, hòa cùng phong trào cách mạng chung của toàn tỉnh và của cả nước, thực hiện cuộc cách mạng đấu tranh dân tộc dân chủ dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Trong sự ác liệt của chiến tranh, cơ quan Huyện ủy Thăng Bình đã phải nhiều lần thay đổi địa điểm đứng chân để lãnh đạo phong trào. Từ rừng Ông Lược (Hà Lam), Cây Cốc - Hưng Bình (Bình Qúy), đến Rừng Bồng, An Bình, An Hiệp (Bình Chánh), An Tráng (Bình Lãnh), bất cứ nơi đâu, Huyện ủy đều được nhân dân hết lòng che chỡ, bảo vệ và đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.
Đến năm 1963, khi chính quyền Ngô Đình Diệm tăng cường càn quét hòng tìm diệt các cơ quan đầu não của ta; Đảng chủ trương xây dựng căn cứ vững chắc, tạo thực lực chống lại các cuộc hành quân càn quét của kẻ thù, bảo vệ lực lượng cách mạng.
Là địa bàn quan trọng nối liền giữa chiến trường phía đông Bắc và tây Nam của tỉnh với con đường xuyên qua vùng Đồng Linh - Phước Cang đến Tiên Phước trở thành huyết mạch quan trọng nối liền phía Bắc Thăng Bình với phía Nam Tiên Phước góp phần rất lớn trong việc chuyển quân, liên lạc, tiếp tế cho chiến trường. Thôn Linh Cang, xã Bình Phú được Huyện ủy Thăng Bình chọn là nơi đứng chân lãnh đạo phong trào cách mạng vùng tây nói riêng và cả huyện Thăng Bình nói chung.
Trước khi Huyện ủy về đứng chân tại Linh Cang, Bình Phú, cuối năm 1963, tại đây, Đảng bộ huyện đã tiến hành Đại hội lần thứ VII. Đây là đại hội đầu tiên của Đảng bộ từ khi có hiệp định Giơ-ne-vơ. Đại hội quyết định phương hướng, nhiệm vụ phát động quần chúng nổi dậy, kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, củng cố, mở rộng vùng giải phóng.
Sau Đại hội, tháng 02 năm 1964, cơ quan Huyện ủy và cán bộ Tỉnh ủy về đóng chân ở Linh Cang để hoạt động. Đây là điều kiện thuận lợi cơ bản của phong trào cách mạng Bình Phú trong việc tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Đảng trong việc xây dựng phong trào và phát động quần chúng nổi dậy đấu tranh. Nơi đây được coi là Căn cứ an toàn của Huyện ủy Thăng Bình, các cơ quan đóng tại đây gồm: Văn phòng Huyện ủy, Huyện đội, Cơ quan Cơ yếu Quân khu 5, Công binh, Thông tin, Bệnh viện huyện và Bệnh xá 42…
Trong thời gian đầu, các cơ quan của Huyện ủy đóng tại các gia đình cơ sở cách mạng như: Nhà ông Ba Lũy, ông Hoan, bà Giày thôn Đức An; nhà bà Mai, ông cả Khuê, ông Đông thôn Phước Hà... nhất là khi ác liệt, nơi làm việc của cơ quan huyện có lúc dời lên thôn Cao Ngạn. Cơ quan cơ yếu của Quân khu 5 đóng tại khu căn cứ (nhà ông Võ Hỷ còn gọi là ông Hiệu), Công binh, Thông tin... sau đó chuyển đến Hố Dâu; cơ quan Huyện đội đóng tại nhà các ông Trương Tự, bà Ban, ông Hiền; Tỉnh đội đóng tại đồng Bàn Cờ. Mặc dù, cơ quan Huyện ủy có sự di chuyển nơi làm việc tại nhiều nơi, nhưng tại địa điểm thôn Linh Cang, xã Bình Phú là nơi dừng chân lâu nhất của cơ quan Huyện ủy Thăng Bình và cũng tại đây Huyện ủy Thăng Bình đưa ra nhiều quyết định, chỉ thị quan trọng để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến của quân và dân toàn huyện Thăng Bình đi đến ngày toàn thắng ngày 26 tháng 03 năm 1975.
Việc xây dựng căn cứ địa cách mạng có ý nghĩa to lớn, tạo chỗ đứng chân cho lực lượng cách mạng, đảm bảo cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng. Huyện ủy Thăng Bình chọn các địa điểm làm nơi đứng chân của các cơ quan Huyện ủy dựa trên các yếu tố như: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Và, Linh Cang, Bình Phú đã chứng minh tính đúng đắn trong việc lựa chọn làm nơi đứng chân lâu nhất của cơ quan Huyện ủy Thăng Bình. Bởi đây là địa bàn có vị trí quan trọng về kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng của huyện Thăng Bình, là cầu nối giữa các xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà của huyện Tiên Phước với các xã vùng Trung, vùng Đông của huyện Thăng Bình và là con đường huyết mạnh để mở rộng vùng giải phóng ra các huyện, thị, thành. Ngoài ra, nơi đây còn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, vai trò và sự đóng góp của nhân dân địa phương vô cùng to lớn. Mặc dù địch thường xuyên tổ chức bắn phá bằng pháo binh, mở các cuộc hành quân càn quét dữ dội vùng căn cứ cách mạng, lùng ráp vây bắt nhiều chiến sĩ cách mạng nhưng Đảng bộ và nhân dân xã Bình Phú luôn quyết tâm thực hiện phương châm "một tấc không đi, một ly không rời", quyết "bám đất, bám làng" tận dụng mọi thời cơ đánh địch. Trải qua các thời kỳ cách mạng, người dân luôn luôn hướng về Đảng, một lòng một dạ bảo vệ Đảng. Họ sớm giác ngộ cách mạng, đồng lòng ủng hộ, nuôi dưỡng các chiến sĩ, sẵn sàng góp công góp sức bảo vệ, tiếp tế cho du kích và bộ đội, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan Tỉnh ủy, các ban ngành của tỉnh và Huyện ủy Thăng Bình dừng chân để chỉ đạo phong trào cách mạng.
Trong thời gian đóng chân tại Linh Cang, Bình Phú, Ban Thường vụ Huyện ủy Thăng Bình đã tổ chức 2 kỳ đại hội Đảng bộ huyện để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cách mạng đó là: Thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ huyện ngang tầm với yêu cầu và nhiệm vụ trong từng giai đoạn kháng chiến; phát triển và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên kiên trung để làm nòng cốt thúc đẩy phong trào cách mạng của quần chúng; Phát động quần chúng nổi dậy, kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, củng cố, mở rộng vùng giải phóng. Xây dựng và sử dụng sức mạnh tổng hợp mà tiêu biểu là phương thức kết hợp chặt chẽ đấu tranh cách mạng bằng hai chân ba mũi giáp công để chiến thắng kẻ thù; Giáo dục ý chí quyết tâm cách mạng cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân; Xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ tác chiến trong từng thời kỳ và đủ sức làm lực lượng nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, quân và dân huyện Thăng Bình luôn phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, vượt qua bao gian khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Cơ quan Huyện ủy Thăng Bình trong thời gian đứng chân tại Linh Cang đã dựa vào điều kiện thiên nhiên hiểm trở của núi rừng, dựa vào lòng dân, phương châm lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh, từng bước xây dựng lực lượng cách mạng, đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ, tấn công tiêu diệt được nhiều sinh lực địch và phương tiện chiến tranh, góp phần giải phóng quê hương Thăng Bình.
Có thể nói, trong chiến tranh, Linh Cang, Bình Phú là một trong những địa điểm địch đánh phá vô cùng ác liệt nhưng quân và dân trong toàn huyện đã cùng nhau đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, tự do của quê hương. Có được những thành quả đó là một phần nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng suốt của Đảng bộ Huyện Thăng Bình. Ngày nay, Căn cứ Huyện ủy Thăng Bình tại Linh Cang, Bình Phú đã trở thành minh chứng cho một thời kỳ kháng chiến vượt qua mọi gian khổ, hy sinh của các thế hệ đi trước, là nơi nhắc nhở thế hệ hôm nay mãi ghi nhớ công ơn của cha ông ngày xưa, nhớ về căn cứ cách mạng từng là nơi hoạt động của Huyện ủy Thăng Bình trong những năm tháng đánh giặc giữ nước./.