Search
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng cầu vượt đường sắt | Mặt trận huyện Thăng Bình tổng kết năm 2024 | Thăng Bình có 332 người lao động làm việc ở nước ngoài | Sở GD-ĐT Quảng Nam kiểm tra phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại Thăng Bình | Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng lực lượng vũ trang huyện vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới | Ngọn cờ đầu trong phong trào thi đua ngành Lao động Thương binh Xã hội | Hướng dẫn sản xuất đầu vụ đông xuân 2024 - 2025 | Bình Nguyên: Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2024; triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 | Bình Minh tổ chức giải bóng đá thanh niên huy động quà và học bổng tặng học sinh khó khăn | Hội nghị tuyên truyền, phổ biến và tập huấn triển khai Luật Đất đai 2024 | Thăng Bình kiến nghị UBND tỉnh bổ sung thêm 44,2 tỷ đồng cho khu vực cầu vượt đường sắt | Bình Quý khuyến khích phát triển kinh tế vườn | Thăng Bình nỗ lực giữ rừng | Thầy giáo Nguyễn Văn Hay - Người thổi hồn bóng đá trẻ Thăng Bình | Kỳ họp HĐND huyện lần thứ 20 thông qua 22 nghị quyết | Thăng Bình tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế 12.366 tỷ đồng | Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo, tổ chức, dân vận, kiểm tra, giám sát, văn phòng cấp ủy và công tác lý luận chính trị năm 2024 | Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo trong tình hình mới | 12 hộ dân khu vực cầu vượt đường sắt Bình Quý bốc thăm nhận đất tái định cư | Thăng Bình nỗ lực giảm nghèo | Huyện ủy Thăng Bình tổ chức hội nghị lần thứ 20 | Tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2025 | Thêm mới 6 địa chỉ nhân đạo tại xã Bình Nam | Khảo sát xây dựng Trường Trung cấp Phật học Quảng Nam tại Thăng Bình | Thăng Bình gỡ vướng giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm | Phân bổ 5,16 tỷ đồng để bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương | Hội thảo về di tích Nam Thịnh Sơn Trang | Phó Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Đức Hải khảo sát Phật viện Đồng Dương | Mặt trận Thăng Bình chăm lo nhà ở cho người nghèo | Hội LHPN huyện Thăng Bình đoạt giải Nhất Hội thi cán bộ hội cơ sở giỏi năm 2024
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin

Nguyễn Hữu Khiêm - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất

Tác giả: Phan Minh Quốc Ngày đăng: 9:55 | 05/01 Lượt xem: 5660

Nguyễn Hữu Khiêm (1915 - 1983), sinh ra và lớn lên trong một gia đình yêu nước và giàu truyền thống cách mạng tại làng Hà Lam, tổng Phú Mỹ, phủ Thăng Bình, nay thuộc thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

    Từ một thầy giáo cách mạng…

Năm 1923, ông theo học tại trường phủ Thăng Bình từ lớp đồng ấu đến lớp sơ đẳng. Với truyền thống gia đình nho giáo, cụ thân sinh của ông đã cho thầy Hiệu trưởng Tào Nhữ Tùng (người Thanh Hóa) ở trọ; chính thầy Tùng - một người có tư tưởng tiến bộ, thường cổ động, tuyên truyền cho việc học chữ quốc ngữ, bài trừ các hủ tục, phê phán các hiện tượng áp bức, bất công đã truyền cảm hứng, giúp Nguyễn Hữu Khiêm bước đầu hình thành quan điểm tiến bộ, biết điều phải trái.

Học xong bậc sơ học, Nguyễn Hữu Khiêm chuyển đến Hội An để tiếp tục học bậc tiểu học; năm 1933, sau khi tốt nghiệp tiểu học Pháp - Việt tại trường tiểu học Hội An, ông được bổ nhiệm dạy học tại trường làng Hà Lam, trường làng Ngọc Chánh, tổng Việt An (1934 - 1940) và trở thành thầy giáo Nguyễn Hữu Khiêm.

Là giáo chức, Nguyễn Hữu Khiêm có điều kiện quan hệ với các thanh niên tiến bộ trong vùng. Năm 1938, ông được các đồng chí Phạm Xuân Tiêu, Trịnh Văn Dục ở Hội ái hữu đạc điền Hội An tuyên truyền, kết nạp vào Đoàn Thanh niên Dân chủ và được giao nhiệm vụ tuyên truyền, vận động phong trào đọc sách báo tiến bộ ở Thăng Bình; vận động quyên góp tiền mua sách báo, tổ chức nên tủ sách Nam Bình ở Hà Lam, lập các tổ đọc sách báo ở các xã Hà Lam, Chợ Bà (Hiền Lương), Ngọc Phô, Ngọc Chánh, Việt An, Định Sơn.

(Ảnh: Đồng chí Nguyễn Hữu Khiêm (1915 - 1983)

Hưởng ứng cuộc đấu tranh của Viện dân biểu Trung kỳ, ông đã vận động nhân dân lấy hơn một nghìn chữ ký đòi Toàn quyền Đông Dương toàn xá tù chính trị, đòi hủy bỏ dự án thuế lũy tiến. Cuối năm 1938, khi đứt liên lạc với trên, ông đã tự tổ chức vận động phong trào cải lương hương tục, chống phù thu lạm bổ của lý hương, vận động quân cấp lại công điền, nông dân nhận ruộng trước, hào lý nhận ruộng sau; đạt kết quả cao nhất là hai xã Hà Lam và Ngọc Phô; ông còn vận động thành lập Hội Tỵ đổ (hội chống cờ bạc) ở Ngọc Phô với hơn 50 hội viên tham gia.

Với những hoạt động tích cực, mùa hè năm 1939, ông được mời tham dự Đại hội thành lập Hội Ái hữu giáo giới tổ chức tại Hội An. Đại hội đã thông qua dự thảo điều lệ và bầu Ban trị sự lâm thời. Sau sự kiện này, Nguyễn Hữu Khiêm càng tích cực hoạt động trong hàng ngũ giáo chức, vận động thanh niên, học sinh hưởng ứng các phong trào dân sinh, dân chủ trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939).

Một cán bộ cách mạng trung kiên, bất khuất.

Sang năm 1940, sau đợt khủng bố vào cuối năm 1939, phong trào cách mạng ở tỉnh Quảng Nam nói chung, phủ Thăng Bình nói riêng từng bước được phục hồi. Theo chủ trương của Tỉnh ủy Quảng Nam, xúc tiến thành lập Ban Phủ ủy lâm thời Thăng Bình, tháng 9 năm 1940, đồng chí Nguyễn Đức Thưởng, cán bộ Xứ ủy Trung kỳ đang công tác tại Quảng Nam, được phái về Ngọc Phô triệu tập các đồng chí chi bộ Ngọc Phô và các đồng chí Nguyễn Hữu Khiêm, Nguyễn Công Hương ở Hà Lam để thành lập Ban Phủ ủy lâm thời Thăng Bình. Công việc bị bại lộ, ông bị bắt cùng với các đồng chí của mình và bị cầm tù tại nhà lao Hội An.

Thời gian ở tù, ông sống chung với các đồng chí Nguyễn Đức Thưởng, Khưu Thúc Cự, Hoàng Hữu Chấp, Ngô Huy Diễn, Ngô Quang Tám… Được các đồng chí ấy truyền đạt, giáo dục những quan điểm, tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin, phẩm chất đạo đức cách mạng, kinh nghiệm công tác cách mạng và tích cực tham gia các cuộc đấu tranh trong nhà tù. Nhờ có chí ham học, cầu tiến bộ nên trình độ nhận thức, giác ngộ cách mạng của ông được nâng lên.

Tháng 9 năm 1941, mãn hạn tù, nhờ tiếp thu những tư tưởng “cách mạng không ngừng” nên về đến địa phương, ông đã tìm cách liên lạc ngay với đồng chí Nguyễn Sắc Kim - Tỉnh ủy viên lúc bấy giờ, thành lập nên chi bộ đảng ở Hà Lam, với mật danh là chi bộ Vân Nam (10.1941) và tiếp tục tuyên truyền, vận động xây dựng các đoàn thể cứu quốc.

Trở thành đảng viên của Đảng, ông càng hăng say trong hoạt động, nhất là bắt nối cơ sở và phát triển đảng viên. Theo đó, ông đã nối lại các cơ sở đã được xây dựng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Đặc biệt, vào tháng 11 năm 1941, ông đã liên lạc với các cơ sở ở Việt An và Hội Tường, lập nên chi bộ ghép Việt An - Hội Tường, với mật danh chi bộ Phúc Kiến. Ông còn giới thiệu số quần chúng đã tham gia hoạt động cách mạng thời kỳ Mặt trận Dân chủ ở Hiền Lương, Lạc Câu; để trên cơ sở đó đồng chí Nguyễn Sắc Kim đã thành lập chi bộ ghép Hiền Lương - Lạc Câu, với mật danh chi bộ Tứ Xuyên. Không dừng lại ở địa bàn Thăng Bình, ông còn mở rộng địa bàn phát triển Đảng lên đến tận Tiên Phước. Ngày 5 tháng 12 năm 1941, thông qua Nguyễn Huyên (Giáo Huyên) và được đồng chí Nguyễn Sắc Kim đồng ý, ông lên Tài Đa (Tiên Phước) thành lập tại đây một chi bộ Đảng, bí danh Triều Tiên, với 3 đảng viên.

Tuy Thăng Bình chưa có tổ chức Phủ ủy, nhưng với tinh thần năng động, tích cực cách mạng, ông đã chủ động tiến hành phát triển lực lượng ra nhiều địa phương trong huyện. Có thể nói, ông là một cán bộ của huyện Thăng Bình chứ không của riêng chi bộ Hà Lam.

Đầu năm 1942, phong trào cách mạng ở các phủ, huyện trong tỉnh Quảng Nam đang phát triển mạnh thì bị địch phát hiện và đánh phá. Ngày 05 tháng 3 năm 1942, trong lúc chưa kịp thoát ly để hoạt động, ông bị mật thám đến tận nhà bắt đưa về giam ở Hội An và bị chúng tra tấn bằng đủ các ngón đòn roi, hình phạt, dùi cui, điện kẹp kể cả đánh ngã từ gác xuống nền. Bọn địch biết ông là một cán bộ nguy hiểm nên cố moi cho ra số cán bộ cấp trên, vì vậy mà chúng tra tấn ông suốt 9 ngày ròng rã. Không chịu khuất phục đòn roi của kẻ thù, ông kiên quyết không hề để lộ cán bộ cấp trên mà chỉ nhận lời của một số quần chúng bị bắt đã khai trước đó; suốt thời gian 8 tháng ròng (từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1942), ông bị nhốt xà lim, dù vậy ông vẫn giữ vững tinh thần lạc quan cách mạng và tham gia mọi cuộc đấu tranh. Cuối cùng, bọn địch đưa ông cùng nhiều đồng chí khác ra tòa xử án; địch kết án ông 6 năm tù. Trong thời gian bị giam giữ ở nhà lao tỉnh, ông đã cùng những người bạn tù tổ chức 2 cuộc đấu tranh của tù chính trị. Sau các cuộc đấu tranh ấy, bọn địch lọc ra 24 người mà chúng cho là chủ mưu, cầm đầu các cuộc đấu tranh, nhốt riêng ở lao xếp, suốt ngày đêm không cho ra ngoài; ông là một trong số đó.

Tháng 6 năm 1943, địch đưa 24 tù nhân giam ở lao xếp xuống nhà lao Hội An. Bị giam ở đây chưa đầy một tháng, thì tại đây đã nổ ra các cuộc đấu tranh của các bót 1, 2, 3 và bót phụ nữ. Ông đã cùng toàn thể tù chính trị các bót tham gia đấu tranh bằng hình thức như tuyệt thực, đòi cải thiện chế độ lao tù. Sau cuộc đấu tranh này, địch sàng lọc và chọn ra khoảng 100 người mà chúng cho là hăng hái, cứng đầu, giam cấm cố ở bót 3; đến tháng 8 năm 1943, bọn chúng đưa những người có án từ 5 năm trở lên - trong đó có Nguyễn Hữu Khiêm đi đày ở nhà tù Buôn Mê Thuột.

Ở nhà đày Buôn Mê Thuột, sống chung với các đồng chí đàn anh như Trần Tống, Võ Toàn, Trần Hữu Dực… ông đã được các đồng chí ấy truyền đạt, bồi dưỡng lý luận và phương pháp cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin; ông luôn được rèn luyện, thử thách trong mọi cuộc đấu tranh, trong tình tương thân tương ái, trong ý chí chiến đấu bất khuất. Thời gian ở nhà đày Buôn Mê Thuột, nhiều lần anh em tín nhiệm cử ông vào ban thương lượng của nhà tù, có nhiệm vụ liên hệ với ban cai quản nhà lao, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của anh em tù. Nhờ được tôi luyện trong nhà tù đế quốc, đã chuẩn bị hành trang vững vàng để ông vững bước trên con đường cách mạng đầy gian nan, thử thách phía trước.

Sau Nhật đảo chính Pháp (09.3.1945), các nhà tù lần lượt được giải phóng, tù nhân được lần lượt ra tù. Về lại Thăng Bình, ông bắt nối cơ sở, góp phần phục hồi và phát triển phong trào; đặc biệt đã liên hệ với các đồng chí Nguyễn Tiến Chế, Hồ Thuật thành lập Mặt trận Việt Minh phủ Thăng Bình (mật danh Việt Minh Kiệt sơn) và được cử làm ủy viên, phụ trách tổng Hưng Mỹ.

Khoảng trung tuần tháng Tám năm 1945, Ủy ban khởi nghĩa phủ Thăng Bình được thành lập, ông là Ủy viên Thường trực của Ủy ban Khởi nghĩa cùng tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ngày 18 tháng 8 năm 1945 của Thăng Bình thắng lợi. Thăng Bình là một trong những huyện khởi nghĩa thành công sớm nhất cả nước.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời, rồi Ủy ban nhân dân cách mạng huyện Thăng Bình. Từ tháng 6 năm 1946, ông được bầu vào Ban Thường vụ Huyện ủy, giữ chức Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện; đến tháng 7 năm 1947, ông được bầu làm Phó Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện; rồi sau hợp xã lần 2, Ủy ban Hành chính hợp nhất với Ủy ban Kháng chiến thành Ủy ban Kháng chiến - Hành chính huyện, ông tiếp tục được cử làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến – Hành chính huyện Thăng Bình. Sang năm 1949, do yêu cầu công việc, ông chuyển về công tác ở tỉnh và Liên khu 5; đến năm 1952, ông lại được điều về công tác tại huyện Thăng Bình, được bổ sung vào Ban Thường vụ Huyện ủy, làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính huyện.

Có thể nói, gần như suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông đều làm Chủ tịch huyện Thăng Bình. Với lòng nhiệt huyết cách mạng, sự nhạy bén, ông đã góp phần giải quyết nhiều tình huống phức tạp của công cuộc kháng chiến ở địa phương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân pháp của nhân dân huyện Thăng Bình đi đến thắng lợi. Ông luôn được cán bộ và nhân dân Thăng Bình, kể cả thân hào, nhân sĩ kính trọng và tin cậy.

Nhận thức vai trò cũng như tầm ảnh hưởng trong xã hội của các thân hào, nhân sĩ, ông đã tập hợp hầu hết những người có học, các chánh tổng, phó tổng, lý hương, phú hào vào guồng máy kháng chiến, tạo được khối đoàn kết thống nhất và huy động được một lượng nhân tài, vật lực phục vụ kháng chiến. Có được điều này, ông luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết, sẵn sàng hi sinh cả quyền lợi cá nhân. Sẵn sàng hi sinh ruộng đất của cha ông để lại phục vụ kháng chiến; dùng tư gia của mình làm trạm giao liên, trạm dừng chân nghỉ ngơi, cơm nước, nhường cơm sẻ áo, đùm bọc cán bộ cách mạng, góp phần tạo điều kiện cho đồng chí, đồng đội hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, của dân giao phó.

Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (1954), ông cùng gia đình tập kết ra miền Bắc và công tác trong ngành dược liệu ở Hải Phòng và Hà Đông. Sau ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng (1975), ông trở về quê hương. Lúc này, tuy tuổi cao nhưng ông vẫn tích cực tham gia công tác, được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thăng Bình cho đến lúc nghỉ hưu. Tháng 10 năm 1983, do tuổi cao, bệnh nặng, ông đã trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà, để lại trong lòng đồng bào, đồng chí và người thân niềm tiếc thương vô hạn.

Có thể nói, cuộc đời đồng chí Nguyễn Hữu Khiêm là một cuộc đời tận hiến, tận trung, tận hiếu, một bản lĩnh cách mạng vững vàng; một cuộc đời hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ, một lòng vì Đảng, vì dân; ông là tấm gương sáng để con cháu muôn đời noi theo và phấn đấu./.

Ý kiến bạn đọc: (0)

Thông tin (*) là bắt buộc:
Họ và tên: (*)
Địa chỉ:
Email:
Nội dung: (*)
Mã xác nhận (*)

[Trở về]

Tin mới nhất

Tin cùng chuyên mục:





Đăng nhập






Liên Kết Web

Bản quyền Huyện ủy Thăng Bình
Cơ quan quản lý: Văn phòng Huyện ủy Thăng Bình
Địa chỉ: 49, Nguyễn Thuật, Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam
Điện thoại: 0235.3.874369
Email: thangbinh.dcs@gmail.com
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Lượt trong năm
Lượt trong tháng