Trong thời gian qua việc khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn huyện phát sinh nhiều và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Nội dung đơn chủ yếu liên quan đến lĩnh vực tranh chấp, kiến nghị, phản ảnh về đất đai, chế độ chính sách, môi trường và nhất là trên lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án trọng điểm như: Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl tại xã Bình Minh và Bình Dương; Dự án tuyến giao thông từ đường Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đến đường ven biển 129; Tuyến đường từ cầu Bình Dương đến đường 129 và một số dự án liên quan tại vùng Đông của huyện...
Trước tình hình đó, Huyện ủy, UBND huyện đã tích cực chỉ đạo hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã tập trung vào cuộc giải thích, vận động nhân dân. Đáng chú ý, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã chuyển biến tích cực, kịp thời giải quyết vụ việc mới phát sinh. Thủ trưởng các địa phương, đơn vị đã tăng cường tiếp dân, đối thoại để giải quyết khiếu nại đúng luật, hạn chế tối đa khiếu kiện đông người, vượt cấp. Tuy nhiên, vẫn còn của một số hộ dân chưa chấp hành việc bàn giao mặt bằng và có hành vi gây cản trở trong quá trình thi công, đồng thời gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị giải quyết. Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn huyện tiếp 1060 lượt, tăng 577 lượt so với cùng kỳ năm trước, trong đó cấp huyện tiếp 193 lượt, cấp xã tiếp 867 lượt, tăng 658 lượt so với cùng kỳ năm trước; tiếp nhận 416 đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, phản ánh kiến nghịtrong đó cấp huyện 201 đơn, giảm 90 đơn so với cùng kỳ; cấp xã 215 đơn, tăng 01 đơn so với cùng kỳ. Để tập trung giải quyết các đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân, Thường trực Huyện ủy đã thực hiện nghiêm túc thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên, định kỳ, đột xuất theo quy định; công khai lịch, địa điểm tiếp công dân định kỳ trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách thường xuyên để người dân biết và thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Chỉ đạo phân loại và chủ động giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân theo chức năng, thẩm quyền đảm bảo đúng nội dung, thời gian, trình tự, thủ tục…
Dù đã đạt kết quả nhất định nhưng công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn huyện vẫn còn những hạn chế, bất cập, đó là:
- Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác giải quyết và tổng hợp báo cáo đơn khiếu nại, tố cáo với cơ quan thanh tra và Ban tiếp công dân của huyện chưa chặt chẽ, dẫn đến việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng của công dân và xử lý đơn thư chưa kịp thời hoặc trùng lắp nhiều.
- Một số địa phương, đơn vị chưa thực sự nỗ lực, quyết tâm trong việc phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; thiếu chủ động kiểm tra, rà soát; chưa xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật trong công tác tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Việc tham mưu phối hợp thực hiện chế độ thông tin, báo cáo ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa nghiêm túc, chất lượng hạn chế, không đảm bảo thời gian quy định.
- Công tác phối hợp cử cán bộ có năng lực công tác của các phòng ban huyện, am hiểu các chính sách, pháp luật có liên quan để tham gia xử lý, giải quyết các công việc chưa được quan tâm, đôi lúc cử cán bộ hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc khi tham gia thì không tích cực và thiếu tinh thần trách nhiệm. Công tác phối hợp trong việc giải quyết đơn tranh chấp giữa các ban ngành ở xã đôi lúc chưa đảm bảo quy trình thủ tục khi giải quyết.
- Việc phối hợp tiếp nhận phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, kiến nghị, phản ánh ở một số địa phương chưa đúng quy định; có vụ việc giải quyết chưa kịp thời, chưa đúng trình tự, thủ tục nên công dân khiếu kiện nhiều lần; chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm về tiếp công dân theo quy định của pháp luật.
Để nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay, cần triển khai thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Tiếp tục chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các xã, thị trấn và Ban tiếp công dân của huyện tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền một cách kịp thời, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật, đề cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân theo Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ chính trị.
Chỉ đạo các địa phương, đơn vị có kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo, phân công trách nhiệm một cách rõ ràng, cụ thể để giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài. Đồng thời, thường xuyên tham mưu kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Trong quá trình giải quyết, các cơ quan nhà nước phải thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ khách quan, làm rõ nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo, kết luận rõ đúng, sai, đề ra phương án giải quyết phù hợp, có lý, có tình.
Những vụ việc phức tạp Thủ trưởng các địa phương, đơn vị phải đích thân tiếp dân, đối thoại với công dân và trực tiếp chỉ đạo giải quyết. Khi xảy ra khiếu kiện nhiều người thì phải tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành liên quan để tiếp dân và vận động công dân trở về địa phương, đồng thời phải ghi nhận các ý kiến để xem xét giải quyết, trả lời đảm bảo theo quy định của pháp luật không để kéo dài, tái khiếu kiện.
Xây dựng kế hoạch tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với thủ trưởng và cán bộ, công chức có trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn (hằng năm trên 10 cơ quan, đơn vị); tập trung vào những đơn vị có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, nhiều người, phức tạp; chất lượng, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo thấp...Qua đó, kiến nghị làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, kiến nghị chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém, xử lý công khai, nghiêm minh những cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhằm thiết lập lại trật tự, kỷ cương, tăng cường hiệu quả trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, nhân dân; tăng cường vận động, thuyết phục công dân chấp hành pháp luật và các quyết định giải quyết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đối với các trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối thì phải tiến hành xác minh làm rõ hành vi sai phạm để xử lý theo pháp luật.
Theo dõi, tổng hợp các bất cập trong công tác thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo để đề nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo sự đồng bộ, nâng cao tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật; chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trên các lĩnh vực đất đai, chính sách người có công cách mạng và công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để công dân tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước và thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân nhằm tạo ra môi trường pháp lý lành mạnh, hài hòa, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội và hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.