Chủ tịch Hồ Chí Minh (Lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học tên Nguyễn Tất Thành, Hoạt động cách mạng lấy tên Nguyễn Ái Quốc…) sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Sự thống trị tàn bạo của thực dân Pháp đã làm cho mâu thuẫn dân tộc diễn ra hết sức gay gắt, hàng loạt phong trào yêu nước theo các khuynh hướng khác nhau liên tiếp nổ ra nhằm giải quyết mâu thuẫn chủ yếu đó. Các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tuy diễn ra quyết liệt, song cuối cùng đều bị thất bại, vì thiếu một đường lối cứu Nước đúng đắn, thiếu một tổ chức lãnh đạo có khả năng tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc.
Trong bối cảnh đó tháng 6-1911 người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm con đường cứu Nước giải phóng dân tộc. Năm 1920 Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin. Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin đã soi rọi cho Nguyễn Ái Quốc. Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc thì trước hết phải có “Đảng cách mệnh” để “trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Từ nhận thức đó Nguyễn Ái Quốc ra sức chuẩn bị mọi mặt cho việc thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam, Người từng bước truyền bá có hệ thống chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước, đưa phong trào công nhân chuyển dần từ trình độ tự phát lên tự giác; đưa phong trào yêu nước chuyển dần sang lập trường cộng sản.
Ngày 28/01/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước, cùng với Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941), quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình quốc tế và trong nước, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và cấp bách, tổ chức vận động, tập hợp lực lượng toàn dân tộc; thành lập Mặt trận Việt Minh; tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa, tạo nên các cao trào cách mạng sôi nổi, mạnh mẽ trên phạm vi cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, cách mạng nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Nhà nước do dân làm chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, xây dựng hậu phương lớn cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Đó là thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là thắng lợi bước đầu với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế mà hiện nay nhân dân ta đang tiến hành. Công lao to lớn mà Người dành cho dân tộc Việt Nam như trời bể. Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình ảnh của một người Việt Nam đẹp nhất trong những người Việt Nam đẹp nhất, một ngôi sao sáng nhất trong những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời. Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không choáng ngợp, gặp lần đầu mà như đã gặp từ lâu. Từ Hồ Chí Minh tỏa ra một sự ấm áp, giản dị đến lạ kỳ mà bất kỳ ai dù chỉ mới gặp một lần, hay những ai chưa từng vinh dự được gặp, chỉ nghe và biết về Người qua những trang sách, những lời kể nhưng đều có chung một cảm giác: Người vô cùng ấm áp, giản dị và bao dung. Cuộc đời của vị Chủ tịch nước thanh cao, mộc mạc toát ra từ phong cách ứng xử, phong cách làm việc, phong cách sinh hoạt… hằng ngày của Người. Ở Hồ Chí Minh chúng ta cảm nhận được sự trọn vẹn giữa truyền thống và hiện đại, giữa tinh hoa văn hóa Việt Nam hòa quyện cùng tinh hoa văn hóa nhân loại. Một con người với trái tim bao dung rộng lớn, ôm trọn và dành tình thương yêu cho tất cả, suốt đời phấn đấu không ngừng nghỉ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người và mưu cầu hạnh phúc, ấm no cho dân tộc.
Nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Người, muôn triệu trái tim Việt Nam xin kính dâng lên Người bó hoa đẹp nhất cùng sự biết ơn, cảm phục với những công lao to lớn mà Người mang lại cho dân tộc. Người là ánh sáng, là niềm tin, là tương lai trong trái tim mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Dù thời gian có trôi qua, Người vẫn luôn sống mãi cùng với non sông, đất nước, vẫn dõi theo sự phát triển của dân tộc. Với tất cả lòng thành kính dành tới Người, cùng sự quyết tâm, đoàn kết một lòng, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nguyện đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu xây dựng đất nước vững mạnh, quyết tâm kiên trì con đường Người đã lựa chọn; quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng tinh thần đoàn kết quốc tế bền chặt, hợp tác cùng phát triển; nguyện suốt đời học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách, tác phong của Người, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cám dỗ luôn rèn luyện và giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân.
Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ đã trở thành di sản lớn lao của dân tộc Việt Nam. Do vậy, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vô cùng thiết thực và quan trọng và cấp thiết với cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt là học và làm theo về tấm gương sáng ngời, mẫu mực của Người. Bác còn là tấm gương sáng ngời, biểu hiện mẫu mực về sự thống nhất giữa lời nói, hành động với việc làm. Ở Người thể hiện tinh thần trách nhiệm trong công việc là hài hòa và đúng đắn nhất mực giữa lời nói và việc làm; nói đi đôi với làm, nói được làm được sẽ mang lại hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo. Theo Bác, không được nói nhiều mà làm ít hoặc nói mà không làm, không được “nói một đằng làm một nẻo”, “nói thì phải làm”, mà nói ít làm nhiều, thậm chí không cần nói, diễn thuyết nhiều mà chủ yếu bằng hành động, những việc làm cụ thể, bằng chính phong cách nêu gương để giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Người nhấn mạnh “nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành”. Người thường nói “Không cần nói nhiều, mà làm cho thật nhiều. Những người tốt, những cán bộ tốt muốn làm việc to chứ không phải muốn làm quan lớn”. Đức tính cao đẹp nhất, tốt nhất của Người là nêu gương, gương mẫu. Cả cuộc đời hoạt động của Bác là tấm gương sống về sự liêm khiết, không tham quyền cố vị, không mong được thăng quan phát tài. Người không mưu lợi một chút gì cho riêng mình, Người sống giản dị, hòa đồng với mọi người.
Những ngày tháng 5 năm nay, chúng ta đang tưởng nhớ và kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Người (19/5/1890 – 19/5/2024). Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm, chăm lo, động viên sức mạnh toàn dân tộc, lôi cuốn toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hăng hái tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước. Tuy Bác đã đi xa, nhưng mỗi người dân Việt Nam, bạn bè của nhân dân Việt Nam đều cùng chung một tình cảm: Bác Hồ không mất. Bác Hồ vẫn đời đời sống cùng non sông, đất nước và bạn bè khắp nơi. Kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, chúng ta cùng ôn lại những bài học quý giá, những việc làm trong sáng của Người, là dịp chúng ta soi chung tấm gương lớn, gương mẫu; học và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác...