Suy cho cùng, nhiều vấn đề nêu trên liên quan trực tiếp đến sự tự giác, tính kỷ luật và tính đảng của đảng viên. Các quy định của Đảng dù chặt chẽ, toàn diện đến đâu nếu không được đảng viên tích cực thực hiện mà tìm cách đối phó thì giá trị của quy định cũng khó phát huy đầy đủ. Do đó, mỗi đảng viên cần nhận thức được rằng, sự khẳng định vai trò của mình, khả năng phát huy vai trò của tổ chức đảng có sự đóng góp của mình, điều đó có nghĩa rằng bản thân đang tham gia vào việc xây dựng Đảng. Cùng với đó, cấp ủy, chi bộ cần tạo điều kiện, định hướng, dẫn dắt, giáo dục để mỗi đảng viên đi đến nhận thức đó. Việc làm này cần kiên trì, thường xuyên, liên tục và không bao giờ dừng lại.
Cuối cùng, việc “tự soi, tự sửa” phải gắn với kỷ cương, kỷ luật. Mỗi cá nhân phải thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, chấp hành đầy đủ các quy tắc, điều lệ, các quy định của pháp luật… Việc thực hiện nghiêm kỷ luật sẽ tự bộc lộ ai có khuyết điểm, ai cần phải sửa; còn nếu xuê xoa, thỏa hiệp nhau, kiểu “nhẹ người nhẹ ta” thì sẽ không ai thấy có lỗi để mà sửa chữa. Đồng thời, các hình thức xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch, nghiêm minh, tránh “giơ cao đánh khẽ”, “nhẹ trên nặng dưới” hoặc để vụ việc dai dẳng, kéo dài khiến tính giáo dục, thuyết phục, răn đe bị hạn chế.
Thực hiện Kế hoạch số 65-KH/HU, ngày 16/3/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy, đến nay, hầu hết các chi bộ đã hoàn thành việc tổ chức hội nghị kiểm điểm “tự soi, tự sửa” đối với tập thể và cá nhân trong sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng, đảm bảo đến ngày 25/10/2022 hoàn thành việc kiểm điểm “tự soi, tự sửa” đối với cá nhân.
Bác Hồ đã dạy, việc tự gột rửa, tự sửa chữa của mỗi cán bộ, đảng viên phải là việc làm thường xuyên, liên tục, như rửa mặt hàng ngày. Phải chú ý khắc phục từ khuyết điểm nhỏ, không để nó lớn thành lỗi, thành sai phạm. Có như vậy mới tránh được những sai lầm nghiêm trọng...