Công tác phát triển đảng viên được quan tâm cả về số lượng và chất lượng. Năm 2010 có 3.491 đảng viên, đến nay có 5.279 đảng viên tăng 1.788 đảng viên so với năm 2010. Chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng được nâng lên rõ rệt. Các khuyết điểm, hạn chế trong các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên đã được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, việc đánh giá phân loại TCCS đảng, đảng viên được chú trọng, thực hiện nghiêm túc. Việc tự phê bình và phê bình gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị đã giúp cán bộ, đảng viên nhận diện rõ hơn các biểu hiện phai nhạt về lý tưởng cách mạng; suy thoái đạo đức, lối sống để có biện pháp khắc phục, sửa chữa; chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Công tác cán bộ đã được Ban Thường vụ Huyện uỷ quan tâm, coi đây là một trong những giải pháp cơ bản, là khâu đột phá trong công tác xây dựng Đảng nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCS đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy đã chú trọng làm tốt công tác đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm để bố trí vào các chức danh chủ chốt ở cơ sở. Trong 10 năm qua, đội ngũ cán bộ đã được chuẩn hoá ở tất cả các lĩnh vực, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hiện nay, đội ngũ cấp uỷ xã, thị trấn có 323 đ/c, cán bộ nữ chiếm 21,67%; có trình độ đại học trở lên chiếm tỷ lệ 96,28% (vượt 16,28% chỉ tiêu Nghị quyết); trong đó có 32 đồng chí có trình độ thạc sĩ, tỷ lệ 9,91%; 100% có trình độ trung cấp chính trị trở lên (đạt chỉ tiêu Nghị quyết); trong đó có 22 đồng chí có trình độ cao cấp, tỷ lệ 6,81%. Tổng số cấp uỷ huyện là 43 đồng chí, trong đó có 7 đồng chí là nữ (chiếm 16,3%), 100% có trình độ đại học trở lên và cao cấp, cử nhân chính trị.
Đặc biệt, Huyện ủy Thăng Bình xây dựng Đề án số 03-ĐA/HU và ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU về điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo xã, thị trấn giai đoạn 2019 - 2020 và đến năm 2025. Trong 2 năm 2019 - 2020, Ban Thường vụ Huyện ủy Thăng Bình đã điều động, luân chuyển 3 cán bộ lãnh đạo cấp xã theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/HU. Khi về đơn vị mới, cán bộ điều động luân chuyển đã phát huy được năng lực và có sự đổi mới, đột phá trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở đơn vị mới, tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong công tác cán bộ và sự phát triển của địa phương. Ngoài ra, việc kết hợp giữa điều động và luân chuyển cán bộ đã khắc phục tình trạng bị động, hụt hẫng, khép kín trong công tác cán bộ ở các xã, thị trấn; từng bước điều chỉnh hợp lý việc bố trí cán bộ, tăng cường cán bộ cho những nơi có nhu cầu cấp bách, nhất là các xã có khó khăn về cán bộ.
Những bài học kinh nghiệm
Thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW đã góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực, kinh tế - xã hội của huyện có bước phát triển, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt được những kết quả quan trọng. Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW, Ban Thường vụ Huyện uỷ Thăng Bình đã rút ra một số bài học kinh nghiệm quý báu, đó là:
Các cấp uỷ, tổ chức đảng cần nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc xây dựng và nâng cao chất lượng TCCS đảng và đảng viên, từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, bố trí và sử dụng cán bộ; từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có trình độ, có tâm huyến, có ý thức phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp, kiện toàn tổ chức đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội ở cơ sở, nhất là ở những địa bàn, lĩnh vực trọng yếu, có nhiều khó khăn. Lấy hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở làm thước đo kết quả tổng hợp của công tác xây dựng Đảng.
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ phải gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Kiện toàn, sắp xếp tổ chức của hệ thống chính trị xã, thị trấn đồng bộ, thống nhất, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở. Tập trung củng cố, xây dựng tổ chức đảng và kết nạp đảng viên ở địa bàn thôn, khu phố có ít đảng viên.
Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế làm việc của cấp uỷ; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng; kiểm điểm, đánh giá, phân loại chất lượng TCCS đảng và đảng viên gắn với xây dựng TCCS đảng trong sạch, vững mạnh.
Giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian đến
Một là, tiếp tục quán triệt các nghị quyết, quy định, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác TCCS đảng và đội ngũ đảng viên nhằm tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên cả về nhận thức và hành động; trong đó, tập trung quán triệt Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thi hành Điều lệ Đảng; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các loại hình TCCS đảng.
Hai là, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới phương thức hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, giữ vững vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng theo hướng vừa mở rộng dân chủ, vừa tăng cường kỷ cương, kỷ luật. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của các tổ chức cơ sở đảng, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Ba là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên; phát huy tính tự giác, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, vai trò gương mẫu, tiên phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên. Tăng cường công tác tư tưởng, định hướng dư luận xã hội trong các hoạt động của Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhất là sinh hoạt chi bộ.
Bốn là, Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý, giáo dục cán bộ. Xây dựng được đội ngũ cán bộ có chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển, đáp ứng yêu cầu của Ðảng bộ và của các địa phương trong giai đoạn mới. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 06 của Huyện ủy về điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo xã, thị trấn giai đoạn 2019 - 2020 và đến năm 2025, coi luân chuyển là phương thức đào tạo, rèn luyện cán bộ; phấn đấu đến năm 2025 thực hiện được 70% Bí thư Đảng uỷ các xã, thị trấn không phải là người địa phương.
Năm là, tích cực, chủ động làm tốt công tác tạo nguồn và bồi dưỡng phát triển đảng viên mới, đặc biệt là ở chi bộ thôn, khu phố. Tiếp tục lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 16/4/2013 của Tỉnh ủy về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Phấn đấu bình quân hằng năm kết nạp 80 - 100 đảng viên. Thưc hiện tốt quy trình rà soát, phát hiện, giáo dục, giúp đỡ, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng theo Chỉ thị 28-CT/TW của Ban Bí thư.
Sáu là, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính chủ động trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; phát hiện sớm và tiến hành kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Chú trọng kiểm tra đột xuất, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và kiểm tra các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực như quản lý hoạt động đầu tư công, quản lý tài chính ngân sách, quản lý đất đai, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng…; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.