Với tầm quan trọng như vậy, trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã như: Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn đã đặt ra nhiệm vụ phải “chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết hợp lý và đồng bộ chính sách đối với cán bộ cơ sở”. Hiến pháp năm 2013, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 cùng với các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý để từng bước xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Xuất phát từ vị trí, vai trò cũng như thực trạng của đội ngũ cán bộ ở địa phương, trong những năm qua Đảng bộ xã Bình Tú luôn coi công tác xây dựng đội ngũ cán bộ là yếu tố quyết định đến việc phát triển của địa phương nên Đảng bộ luôn đặt vấn đề quan tâm, chú trọng và đã có những đổi mới tích cực theo hướng trẻ hóa, chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, chính trị. Từ đó mà việc đánh giá, nhận xét hằng năm đến việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sắp xếp cán bộ luôn thực hiện đảm bảo nguyên tắc. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ nên việc bổ sung, quy hoạch cán bộ hằng năm được đảm bảo cả về điều kiện, tiêu chuẩn và độ tuổi. Việc bố trí, sắp xếp các chức danh chủ chốt, trưởng các ngành, đoàn thể thông qua Đại hội hay bầu bổ sung đều đảm bảo quy hoạch. Có thể nói, đến nay cán bộ lãnh đạo, quản lý của địa phương đã cơ bản đáp ứng tình thần Nghị quyết số 42- NQ/TW của Bộ chính trị (Khóa IX) về . Hiện nay địa phương có 100% cán bộ đủ chuẩn, 100% cán bộ chủ chốt có trình độ chuyên môn đại học. Có được kết quả đó là nhờ địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tập trung chuẩn hóa các chức danh cán bộ để đáp ứng yêu cầu, trong đó tập trung chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, chính trị đối với những cán bộ chưa đủ chuẩn. Trước hết về văn hóa phải đảm bảo 100% cán bộ tốt nghiệp phổ thông trung học, phấn đấu 100% có trình độ đại học, 100% có trình độ chính trị từ trung cấp trở lên. Bởi thực tế đa số cán bộ xã được hình thành từ nhiều nguồn là những người trưởng thành từ phong trào và thực tiễn công việc là chủ yếu, số cán bộ được đào tạo bài bản còn chiếm tỷ lệ thấp.
Đồng chí Nguyễn Đình Hồng- Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Trước khi có Nghị quyết số 13 và Nghị quyết số 04 (khóa XX) của Tỉnh ủy, đại đa số cán bộ xã mới đạt ở ngưỡng 3 trung (THPT, Trung cấp chuyên môn, Trung cấp chính trị) theo Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII là chủ yếu, trình độ chuyên môn đại học chiếm tỷ lệ còn thấp (chỉ có 52%), thậm chí có nhiều đồng chí chưa được đào tạo chuyên môn và trung cấp lý luận chính trị. Từ thực trạng cán bộ của địa phương như vậy, chưa đáp ứng yêu cầu cũng như mục tiêu mà nghị quyết đề ra, nhất là các đồng chí được quy hoạch vào các chức danh chủ chốt, chưa đạt về trình độ chuyên môn đại học. Do đó, việc tập trung chuẩn hóa là yêu cầu cần thiết để đảm bảo đủ chuẩn theo yêu cầu của Nghị quyết. Đối với cá nhân từng đồng chí cán bộ phải được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao về trình độ đáp ứng với yêu cầu mới, chính yêu cầu đó mà tự học đã trở thành phong trào, có thời điểm nhiều cán bộ cơ quan đi học, nên công việc chuyên môn phải thực hiện ngoài giờ hành chính hoặc ngày nghỉ để hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ sự quan tâm tạo điều kiện của Đảng ủy và sự cố gắng nỗ lực của từng đồng chí cán bộ mà trong những năm qua, xã đã có 42 đồng chí được đào tạo về lý luận chính trị, trong đó trung cấp là 40 đ/c, 02 đ/c cao cấp; chuyên môn nghiệp vụ có 41 đ/c, trong đó: đại học 26 đ/c; cao đẳng 07 đ/c; trung cấp 08 đ/c, tiếp nhận 2 cán bộ đề án 500 bố trí vào các chức danh công chức. Đến nay 100% cán bộ, công chức đều đạt 3 chuẩn, trong đó trình độ đại học chuyên môn đạt trên 90%.
Thứ hai, tập trung làm tốt công tác đánh giá cán bộ hằng năm. Đánh giá cán bộ công chức là khâu khó, tế nhị và phức tạp nhất trong công tác cán bộ, là khâu mở đầu, quyết định để bố trí, sử dụng cán bộ và đây cũng là khâu dễ gây mất đoàn kết nội bộ. Vì vậy đánh giá phải thực chất, tránh hình thức, trong đó lấy hiệu quả công tác và sự đóng góp thực tế làm thướt đo phẩm chất năng lực của cán bộ công chức. Đánh giá đúng sẽ giúp cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, sát đúng cho từng loại cán bộ công chức, thông qua kết quả đánh giá sẽ xác định được mức độ hợp lý đồng bộ của cơ cấu cán bộ công chức hiện tại, xác định được chất lượng cán bộ công chức để có giải pháp phù hợp.
Thứ ba, làm tốt công tác quy hoạch. Quán triệt và lãnh đạo thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, việc quy hoạch, bổ sung quy hoạch hằng năm được đảm bảo cả về điều kiện, tiêu chuẩn và độ tuổi (mỗi chức danh quy hoạch từ 2 đến 4 người, một người không quy hoạch quá 3 chức danh). Từ đó mà việc bố trí, sắp xếp các chức danh chủ chốt, trưởng các ngành, đoàn thể thông qua Đại hội hay bầu bổ sung đều đảm bảo quy hoạch. Không có tình trạng vì người bố trí việc, những đồng chí được bố trí sắp xếp vào công việc cao hơn đều phát huy được năng lực và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kinh nghiệm cho thấy khi có được đội ngũ cán bộ đủ chuẩn, trình độ năng lực đảm bảo, đã trải qua kinh nghiệm thực tiễn thì vệc bố trí, sử dụng hợp lý và hiệu quả không còn tình trạng hẫng hụt như trước đây.

Đảng bộ xã Bình Tú sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết ĐH Đảng bộ xã,
nhiệm kỳ 2015-2020 với nhiều chỉ tiêu đạt cao về công tác cán bộ
Việc chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã vững vàng về chính trị, có đạo đức lối sống trong sạch, có trí tuệ, kiến thức và trình độ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới... có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở.
Có thể thấy rõ việc xây dựng đội ngũ của Đảng bộ xã Bình Tú thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên, nhờ vậy mà đã góp phần rất lớn vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị hằng năm ở địa phương, điều đó đã chứng minh “cán bộ nào phong trào ấy”.