Chi tiết tin

A+ | A | A-

TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP TẠO ĐỘT PHÁ TRONG CÔNG TÁC CÁN BỘ NỮ

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 14:00 | 15/10/2015 Lượt xem: 1359

Xác định thực hiện bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ là thước đo sự phát triển của một xã hội tiến bộ và hiện đại. Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo nhằm tạo nguồn cán bộ nữ. Việc ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện các chỉ thị của Đảng về công tác cán bộ nữ trong tình hình mới, Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 30/6/2011 của Tỉnh ủy Quảng Nam về công tác cán bộ giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 là những định hướng quan trọng đối với công tác phụ nữ và công tác cán bộ nữ.

 Từ định hướng trên, cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Thăng Bình đã cụ thể hóa thông qua các chương trình, kế hoạch, chỉ thị nhằm nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng, đại biểu hội đồng nhân dân và đảm nhận những vị trí lãnh đạo chủ chốt ở các địa phương, đơn vị. Nhìn chung, qua triển khai thực hiện công tác phụ nữ và công tác cán bộ nữ đã có nhiều chuyển biến tích cực đáng được ghi nhận. Việc phát hiện nguồn và đưa vào quy hoạch đối với cán bộ nữ được chú trọng. Việc tạo điều kiện để cán bộ nữ được tham gia các lớp  đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác ngày càng được quan tâm. Trong quá trình thực hiện đã gắn việc quy hoạch, đào tạo với bố trí, sử dụng nguồn cán bộ nữ một cách hợp lý. Bên cạnh đó, vấn đề giới trong bố trí cán bộ đã được quan tâm hơn. Nhìn chung, tỷ lệ cán bộ nữ được quy hoạch và bố trí vào vị trí lãnh đạo chủ chốt của các phòng ban, cán bộ nữ tham gia cấp ủy, đại biểu hội đồng nhân dân nhiệm kỳ sau luôn cao hơn nhiệm kỳ trước. Theo thống kê, trong nhiệm kỳ 2015-2020 số lượng cán bộ nữ tham gia cấp ủy đối với cấp huyện đạt tỷ lệ 13,95%, cao hơn so với mặt bằng chung của tỉnh, đối với cấp ủy xã, thị trấn đạt tỷ lệ 18,2%. Có 8/22 xã, thị trấn có cán bộ nữ đảm nhận các chức vụ Bí thư, phó bí thư, ủy viên thường vụ đảng ủy, trong đó có 2 đồng chí là bí thư, 3 đồng chí là phó bí thư cấp ủy. Trong các cơ quan dân cử, tỷ lệ cán bộ nữ cũng tăng lên đáng kể, nữ đại biểu HĐND huyện nhiệm kỳ 2006-2011 đạt tỷ lệ 23,5%, đối với cấp xã đạt tỷ lệ 12,6%. Tỷ lệ cán bộ nữ so với tổng số cán bộ công chức, viên chức cấp huyện chiếm 28,57%, đối với xã thị trấn cán bộ nữ chiếm gần 20%. Trong tổng số trưởng, phó các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện thì nữ chiếm 16,28%. Về trình độ, 83,3% cấp ủy nữ của huyện có trình độ chuyên môn đại học và trên đại học, 16,7% đạt trình độ cao đẳng, 100% đạt trình độ cao cấp lý luận chính trị; đối với cấp ủy nữ xã, thị trấn có 78% đạt trình độ đại học và trên đại học, 22% có trình độ cao đẳng, trung cấp; 100% có trình độ trung cấp chính trị trở lên.

Những tỷ lệ cụ thể nêu trên là kết quả đáng ghi nhận của một quá trình chỉ đạo, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, so với mục tiêu chung của Đảng thì kết quả đạt được của huyện ở từng chỉ tiêu vẫn còn một khoảng cách khá xa. Đặc biệt, đối chiếu với mục tiêu phấn đấu tỷ lệ cấp ủy nữ phải đạt 25% trở lên, tỷ lệ đại biểu HĐND phải đạt 30% trở lên và tỷ lệ cán bộ nữ trong các cơ quan, đơn vị phải đạt 30% trở lên thì kết quả đạt được của huyện vẫn còn nhiều hạn chế và chưa mang tính bền vững.

Những hạn chế trên xuất phát từ các nguyên nhân sau: về khách quan, mặc dù đã có sự phát triển và tiến bộ nhất định nhưng đâu đó trong nhìn nhận của xã hội, của gia đình và của chính bản thân đa số phụ nữ vẫn còn sự ràng buộc và chi phối bởi quan niệm và định kiến về giới. Về chủ quan: Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nhận thức chưa đầy đủ các quan điểm của Đảng về công tác cán bộ nữ; chưa thực sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt trong công tác quy hoạch và bố trí cán bộ nữ. Có nơi việc quy hoạch cán bộ nữ còn hình thức, thiếu tính khả thi, vẫn còn tình trạng “quy hoạch treo”; trong quy hoạch và bố trí chưa gắn với các tiêu chuẩn cụ thể, lĩnh vực công tác, ngành nghề, độ tuổi; chưa quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, giao việc, tạo cơ hội cho cán bộ nữ phấn đấu, trưởng thành, nên chưa tạo động lực cho phụ nữ hăng hái phấn đấu. Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách đặc thù đối với cán bộ nữ có nơi chưa thực hiện tốt nên chưa tạo được sự chia sẻ của cộng đồng trong việc hỗ trợ để phụ nữ vừa thực hiện trọng trách xã hội giao, vừa thực hiện thiên chức của người phụ nữ trong gia đình.

Nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và tiếp tục đưa các chủ trương của Đảng về công tác cán bộ nữ thời kỳ CNH, HĐH đất nước đi vào cuộc sống, công tác cán bộ nữ trong thời gian đến cần phải có sự đột phá, để thực hiện được điều này các cấp ủy đảng cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, phải tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về các quan điểm của Đảng đối với công tác phụ nữ, đặc biệt là công tác cán bộ nữ. Đối với cấp ủy đảng, cần đề ra các giải pháp thật cụ thể, thiết thực nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng. Đối với xã hội, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền để hạn chế những lệch lạc trong quan niệm và định kiến về Giới, tạo môi trường tích cực để phụ nữ có điều kiện tham gia công tác xã hội. Đối với chính bản thân mỗi phụ nữ, thông qua tuyên truyền cần làm cho chị em phụ nữ vượt qua rào cản của sự tự ty, an phận, mặc cảm để chủ động sắp xếp công việc gia đình, tích cực tham gia công tác xã hội.

Thứ hai, phải chủ động trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, sắp xếp, bố trí cán bộ, bảo đảm tỷ lệ trong cơ cấu đối với cán bộ nữ, đặc biệt là tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng, đại biểu hội đồng nhân dân, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị. Việc thực hiện quy hoạch cần bảo đảm tính liên tục, kế thừa, phát triển và trẻ hóa đội ngũ cán bộ nữ. Quan tâm rà soát quy hoạch theo định kỳ, kịp thời bổ sung cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn vào nguồn quy hoạch; nếu cơ quan, đơn vị chưa có nguồn, cần mở rộng quy hoạch nguồn cán bộ nữ từ các cơ quan, đơn vị khác, không khép kín, cục bộ trong công tác quy hoạch cán bộ. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần ưu tiên cán bộ nữ được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn. Trong công tác đánh giá và bố trí cán bộ phải thực sự tạo cơ hội cho cán bộ nữ tham gia công tác, rèn luyện phấn đấu trưởng thành, cống hiến và thể hiện khả năng.

Thứ ba, cần tăng cường thực hiện chức năng đại diện phụ nữ của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ và tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ từ huyện đến cơ sở trong việc chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy đảng về công tác cán bộ nữ. Thường xuyên tổ chức các diễn đàn Tọa đàm về Giới, Diễn đàn “Phụ nữ tham chính”, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức hỗ trợ phụ nữ trong công tác. Tăng cường phối hợp đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu nhân sự nữ đủ tiêu chuẩn tham gia cấp ủy các cấp.

Thứ tư, cấp ủy đảng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu lớn của Đảng thông qua kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 30/6/2011 của Tỉnh ủy Quảng Nam về công tác cán bộ trong đó có cán bộ nữ. Chỉ đạo và tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ nữ, làm rõ những mặt yếu kém, bất cập, hạn chế và có biện pháp chỉ đạo khắc phục kịp thời. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, đặc biệt là Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp tham gia vào các khâu về công tác cán bộ, cũng như giám sát, phản biện xã hội về chính sách liên quan đến phụ nữ và công tác cán bộ nữ ở các cấp.

Công tác cán bộ nữ là một trong những nội dung quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, điều này cộng với những đóng góp không nhỏ của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đã, đang và sẽ đặt ra cho cấp ủy đảng, chính quyền những trăn trở trong việc tìm ra những giải pháp hữu hiệu, tích cực hơn nữa nhằm tạo điều kiện và nâng cao hiệu quả công tác cán bộ nữ trong thời gian đến. Thiết nghĩ, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ tạo điều kiện cho phụ nữ nói chung và cán bộ nữ huyện Thăng Bình nói riêng có nhiều cơ hội được tham gia công tác xã hội, được đóng góp trí tuệ và công sức góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thăng Bình lần thứ XX đã đề ra./.

Tác giả: Võ Thị Đoan Trang - UVTV, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031220948