Chi tiết tin

A+ | A | A-

Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 15:22 | 07/11/2023 Lượt xem: 2491

Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc ta và của nhân loại, đã để lại cho chúng ta một di sản tinh thần vô giá, một hệ thống tư tưởng về nhiều mặt. Trong đó tư tưởng về đại đoàn kết là tư tưởng nổi bật, có giá trị trường tồn đối với quá trình phát triển của dân tộc ta và của toàn nhân loại. Đấy là tư tưởng xuyên suốt và nhất quán trong tư duy lý luận và trong hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh và đã trở thành chiến lược cách mạng của Đảng ta, gắn liền với những thắng lợi vẻ vang của dân tộc.

Tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc được Người xây dựng trên nền tảng đúc rút trí tuệ nhân loại cổ, kim, Đông, Tây về tập hợp và tổ chức lực lượng cách mạng; trên cơ sở tổng kết lịch sử dân tộc Việt Nam, lịch sử cách mạng Việt Nam và nhiều cuộc cách mạng trên thế giới; và nhất là dựa trên những suy tư rất sâu sắc của Người, ở tầm triết học, về bản chất con người, về vị trí và vai trò của con người trong thế giới, phương thức sống và hoạt động của con người..., nói cách khác trên nền tảng nhân sinh quan cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc cùng với khối đại đoàn kết dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công xây dựng là một di sản vô cùng quý báu cho Đảng ta và dân tộc ta. Trong bối cảnh hiện nay, khi mục tiêu được Đảng ta đưa ra trong Đại hội XIII của Đảng là: “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại” đang đặt ra mạnh mẽ, thì việc tiếp tục đi sâu nghiên cứu, khai thác, vận dụng một cách sáng tạo những giá trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng.

Nhìn vào các phong trào yêu nước của các tầng lớp nhân dân Việt Nam suốt nửa cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX và phong trào đấu tranh của nhân dân nhiều nước thuộc địa chống lại chủ nghĩa thực dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ, nguyên nhân khiến cho hầu hết các phong trào đó, dù nổ ra với tinh thần anh dũng, sẵn sàng hy sinh của nhân dân, nhưng đều thất bại, là do bị chia rẽ và cô lập, các lực lượng yêu nước không được tập hợp và tổ chức lại thành một khối đoàn kết vững chắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành thời gian nghiên cứu kinh nghiệm các cuộc cách mạng lớn nổ ra trên thế giới như cách mạng Pháp, cách mạng Mỹ và cách mạng Nga, từ đó đúc rút ra những chỉ dẫn quan trọng về đại đoàn kết dân tộc. Người còn đi sâu nghiên cứu nhiều tư tưởng, học thuyết của các nhà lãnh đạo chính trị tầm cỡ, như M. Gan-di, Tôn Trung Sơn..., và đặc biệt, đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nhờ vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có được cơ sở lý luận khoa học để luận giải sâu sắc về tầm quan trọng của đại đoàn kết dân tộc, nhận thức đúng đối tượng đại đoàn kết và cách thức tiến hành đại đoàn kết dân tộc.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được tổ chức và hoạt động “theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên” cần và có điều kiện vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc.

93 năm thực hiện xuyên suốt và nhất quán chiến lược đại đoàn kết dân tộc, nhất là trong hơn 35 năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc phù hợp với tình hình, yêu cầu và nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng, kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong tiến trình ấy, trên tinh thần “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, nguyên tắc hiệp thương dân chủ được coi là “chìa khóa vạn năng” để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh toàn dân tộc làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng “đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thực tế, các cuộc vận động xã hội, các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động và triển khai thực hiện ngày càng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Trong đó, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, lá lành đùm lá rách, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ chăm sóc sức khỏe của nhân dân, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác cùng với cuộc vận động xã hội, các phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”… không chỉ có tác dụng thiết thực, tạo nên sự gắn kết cộng đồng mà còn góp phần làm cho tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại đoàn kết là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, gồm Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; trong đó, động lực chủ yếu để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hoà các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội. Để khối đại đoàn kết dân tộc được bền chặt, đạt được sự đồng thuận xã hội, đòi hỏi mọi thành viên trong đó phải tôn trọng và hành động theo những nguyên tắc và ý chí chung và mỗi quyết định được thông qua phải là “mẫu số chung”, phản ánh, thể hiện nguyện vọng, lợi ích của toàn xã hội.



Bác Hồ với quần chúng Nhân dân

Vì thế, để “phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, cần tập trung thực hiện một số giải pháp căn cốt sau:

Một là, các cấp ủy cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với thực hiện Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hai là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân gắn với thực hiện tốt trách nhiệm của công dân, phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương, chống quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2-2-2018 của Ban Bí thư về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”, góp phần xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Ba là, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong tham gia xây dựng và hoàn thiện một số chính sách để củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, Mặt trận phải đoàn kết rộng rãi, chân thành mọi thành viên trong xã hội, không phân biệt quá khứ, thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, ở trong nước hay ở nước ngoài trên cơ sở mục tiêu chung là giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Mặt trận phải đa dạng hóa các hình thức tập hợp, động viên các tầng lớp nhân dân để tạo sự đồng thuận, hiệp lực trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bốn là, đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, tổ chức động viên nhân dân tham gia các phong trào thi đua làm kinh tế giỏi, phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hoá - xã hội; trong đó, mỗi người, mỗi gia đình cố gắng phấn đấu làm giàu cho mình, cho cộng đồng.

Năm là, nắm bắt kịp thời để phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và nỗ lực chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân. Tôn trọng và phát huy vai trò gương mẫu, dẫn dắt của những người tiêu biểu, có uy tín trong cộng đồng dân cư, tôn giáo; bảo đảm công bằng và bình đẳng xã hội; kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích của tập thể và toàn xã hội. Cùng với việc giải quyết đúng đắn và hợp lý các quan hệ lợi ích, cần đẩy mạnh và không ngừng bồi dưỡng, nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc, coi đó là những yếu tố quan trọng để không chỉ phòng và chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch mà còn góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Tác giả: Đông Anh

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000030787170