Chi tiết tin

A+ | A | A-

Sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện nhiệm kỳ 2020-2025 vào thực tiễn

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 14:53 | 28/01/2022 Lượt xem: 7017

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thăng Bình lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra 20 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị với những giải pháp thực hiện cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhằm phát triển kinh tế bền vững. Ngay sau thành công đại hội, Đảng bộ huyện đã có nhiều cách làm sáng tạo, quyết liệt, quyết tâm để sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống.

Cụ thể hóa nghị quyết và những kết quả bước đầu

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành huyện đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020- 2025. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết Đại hội và Chương trình hành động để cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân nhận thức sâu sắc, nắm vững mục tiêu, nội dung Nghị quyết Đại hội đã đề ra.

Để triển khai Chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng Kế hoạch cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp mà Chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đề ra; xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp để tham mưu đối với những vấn đề trọng tâm trên các lĩnh vực gắn với thời gian cụ thể hoàn thành mục tiêu, làm cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đề ra. Cùng với đó, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 là tập trung nghiên cứu, xây dựng và ban hành các nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch,... để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đến nay, Huyện ủy đã ban hành nghị quyết về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; nghị quyết chuyên đề về phát triển sự nghiệp văn hoá thể thao và đã ban hành 08 chương trình, 33 kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh uỷ. Cùng với đó, Huyện uỷ đã xây dựng Chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII gắn với Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm cụ thể hoá để triển khai thực hiện Nghị quyết.

Ban Thường vụ Huyện ủy cũng chỉ đạo các cơ quan tham mưu giúp việc Huyện ủy xây dựng các kế hoạch thực hiện nghị quyết, đề án, kết luận trình Ban Thường vụ lãnh đạo triển khai. UBND huyện cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trong chương trình hành động thành kế hoạch và tổ chức thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Các chi, đảng bộ cơ sở xây dựng chương trình hành động gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Ban Tuyên giáo Huyện ủy tham mưu tổ chức quán triệt, học tập Nghị quyết Đại hội các cấp. Mặt trận, các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, Nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội. Trên cơ sở đó, phân công cụ thể từng đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách ở từng lĩnh vực và phụ trách các chi, đảng bộ trực thuộc để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra đạt kết quả cao nhất.




Hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII


Năm 2021, là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, năm diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 nhưng trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, đã ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn huyện. Song các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đã tập trung nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế- xã hội, tổ chức thực hiện Nghị quyết năm 2021 đạt được những kết quả khả quan. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế đạt 10.066 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,57%; thu nhập bình quân đầu người trên 44 triệu đồng/người/năm. Nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục tăng trưởng khá. Việc thực hiện 03 nhiệm vụ đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; xây dựng và phát triển đô thị; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có nhiều chuyển biến tích cực.

Văn hóa - xã hội có tiến bộ, toàn huyện giảm 274 hộ nghèo so với năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 – 2020, đạt 196% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra và vượt 261% so với chỉ tiêu tỉnh giao. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng được nâng lên; đã chỉ đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực.




Năm 2021, Thăng Bình tập trung chỉ đạo hỗ trợ phát triển sản xuất, phục hồi phát triển kinh tế


Định hướng nhằm hiện thực hoá mục tiêu Nghị quyết

Kế thừa kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định 03 khâu đột phá về: Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xây dựng và phát triển đô thị; đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng. Để hiện thực hoá mục tiêu nghị quyết, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, thời gian đến, Huyện uỷ tập trung chỉ đạo quyết liệt, đề ra các giải pháp thiết thực, khả thi để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả để phục hồi phát triển kinh tế; chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai quán triệt và cụ thể hoá tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng cấp trên.

Có thể nói, thời gian đến, huyện Thăng Bình có nhiều thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong quy hoạch phát triển vùng Đông Nam của tỉnh, Thăng Bình được xác định nằm trong cụm động lực số 2, với vai trò là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hành lang khu vực Trung Quảng Nam. Đồng thời, là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, có 8 xã với diện tích gần 9.000 ha nằm trong Khu kinh tế mở Chu Lai được hưởng các cơ chế đặc thù trong kêu gọi thu hút đầu tư. Với lợi thế về quỹ đất còn lớn ở cả 3 vùng Đông, vùng Trung, vùng Tây, địa hình thuận lợi có biển, có sông, có các tuyến giao thông huyết mạch là điều kiện thuận lợi để phát triển.

Do đó, huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên là tiếp tục phối hợp với các sở, ngành của tỉnh, BQL các Khu kinh tế và Khu Công nghiệp tỉnh Quảng Nam hoàn chỉnh trình phê duyệt: quy hoạch vùng huyện Thăng Bình đến năm 2030; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Khu KTM Chu Lai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quy hoạch chung khu vực ven biển huyện Duy Xuyên, Thăng Bình; quy hoạch chung đô thị Bình Minh đến năm 2030 và đến năm 2045; điều chỉnh quy hoạch chung Hà Lam.

Xác định vùng Đông sẽ xây dựng và phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các khu vực đô thị năng động, các khu dân cư tập trung, các khu tái định cư gắn với đẩy nhanh quá trình đô thị hóa. Tích cực phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư vào vùng Đông, vào Khu KTM Chu Lai thuộc địa bàn huyện Thăng Bình theo các mục tiêu, định hướng của Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp với tỉnh xây dựng, phát triển các đô thị ven biển vùng Đông Nam như: khu đô thị Bình Minh, khu đô thị Bình Hải- Bình Sa.

Vùng Trung sẽ ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ và đô thị. Mở rộng và nâng cấp đô thị Hà Lam, hình thành các khu dân cư tập trung dọc Quốc lộ 1A kết nối với đô thị Hà Lam để phát triển thương mại, dịch vụ. Đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh tích tụ tập trung ruộng đất; xây dựng các cánh đồng tập trung, cánh đồng mẫu lớn, hình thành các vùng chuyên sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao…

Để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Tây, huyện sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển kinh tế vùng Tây. Đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, vườn đồi, trang trại theo mô hình nông, lâm kết hợp; phát triển trồng rừng sản xuất, đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, trồng cây nguyên liệu, dược liệu, cây ăn quả. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại công nghệ cao...

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, phấn đấu đến cuối năm 2022 có 100% xã đạt chuẩn NTM. Huy động mọi nguồn lực đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống. Tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ kết nối với hệ thống tiêu thụ sản phẩm, chuỗi giá trị. Phát triển mô hình Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Sa, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, hướng vào cung cấp nguyên liệu, rau quả, thực phẩm chất lượng cao cung ứng cho thị trường.

Đối với nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thời gian đến huyện sẽ tiếp tục ưu tiên các nguồn lực để đầu tư các công trình, dự án cấp thiết, trọng điểm của huyện, không đầu tư dàn trãi, hiệu quả kém. Trong đó tập trung phát triển, khớp nối hạ tầng giao thông thông suốt, kết nối các tuyến giao thông chính của huyện với Quốc lộ 1A, 14E và tỉnh lộ. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác GPMB, hỗ trợ TĐC để tỉnh đầu tư nâng cấp, hoàn thiện các công trình giao thông trọng điểm: hoàn thành tuyến đường từ đường Võ Chí Công đi Quốc lộ 1A tại ngã ba Cây Cốc; nâng cấp, mở rộng tuyến đường Võ Chí Công; xây dựng mới đường nối từ đường Võ Chí Công (Bình Sa) đi Khu CN Đông Quế Sơn nối với Quốc lộ 14H; dự án đường liên kết vùng miền Trung Tây Nguyên tỉnh Quảng Nam; đường Bình Tú đi Bình Sa; xây dựng, nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 14E trên địa bàn huyện; đường nối Cầu Bình Đào đến đường Võ Chí Công; nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT 612 từ Hà Châu - Bình Phú (Thăng Bình) đi ĐT 614 Tiên Sơn (Tiên Phước); tập trung đầu tư hạ tầng khung cho các đô thị Hà Lam và đô thị Bình Minh, nhất là các tuyến giao thông trọng điểm: tuyến đường Đông Sơn từ đường Lý Tự Trọng đi Quốc lộ 14E, các tuyến giao thông Lý Tự Trọng, Thái Phiên, tuyến Nguyễn Thuật từ kênh N20-Quốc lộ 14E, tuyến 3/2 đoạn từ Nguyễn Thuật đi Tiểu La, tuyến Tiểu La (cống Tư Thiết- Bình Quý); các tuyến giao thông trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của xã Bình Minh. Tiếp tục đề nghị tỉnh đầu tư các tuyến giao thông: đường Bình Quý đi vùng Đông, tuyến đường gom phía Tây Cao Tốc, đường Bình Lãnh đi Tiên Sơn (Tiên Phước). Tập trung quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh công tác GPMB để triển khai đầu tư. Chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 27/8/2021 của Tỉnh ủy và Chỉ thị số 11-CT/HU, ngày 09/9/2021 của Huyện ủy về chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn huyện. UBND huyện chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định trong đầu tư xây dựng cơ bản, chống thất thoát, tiêu cực và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm.

Đối với định hướng phát triển đô thị, giai đoạn 2020-2025 đề ra mục tiêu xây dựng thị trấn Hà Lam đạt các tiêu chuẩn đô thị loại IV, xã Bình Minh đạt chuẩn đô thị loại V vào năm 2022 và theo Quyết định 241, ngày 24/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 – 2030; định hướng Hà Lam đạt chuẩn đô thị loại III vào năm 2030. Xây dựng đô thị Bình Minh theo chuẩn đô thị hiện đại, hướng đến liên kết để hình thành 03 đô thị mới (Duy Hải - Duy Nghĩa của huyện Duy Xuyên với Bình Minh, Bình Hải của Thăng Bình) và từng bước kết nối hình thành chuỗi đô thị Nam Hội An đạt các tiêu chí đô thị loại IV theo hướng đô thị du lịch, dịch vụ cấp vùng.  

Cùng với đó, Ban Thường vụ chỉ đạo tích cực chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh chương trình giảm nghèo bền vững, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm và đẩy mạnh giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Thực hiện nghiêm chiến lược “5K + vắc xin + điều trị + công nghệ + ý thức của người dân”; đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.

Tập trung xây dựng bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tập trung là cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, khắc phục tình trạnh né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, phối hợp thiếu chặt chẽ, nhũng nhiễu, tiêu cực. Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCS đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ.

Để việc đưa nghị quyết đi vào cuộc sống một cách hiệu quả cần sự phấn đấu và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết thống nhất, đồng thuận cả về ý chí và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân toàn huyện. Với tinh thần đổi mới, sáng tạo cùng với niềm tin và khí thế mới sẽ là động lực để toàn hệ thống chính trị và mỗi cán bộ, đảng viên trong huyện có những hành động thiết thực, tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả, sớm đưa tinh thần, ý chí của Nghị quyết Đại hội đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng Thăng Bình thành vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Tác giả: Phan Công Vỹ - TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031192286