Chi tiết tin

A+ | A | A-

Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Thăng Bình

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 13:56 | 31/10/2019 Lượt xem: 9142

Trong những năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Thăng Bình đã được tổ chức triển khai khá toàn diện, thường xuyên và đạt được nhiều kết quả tích cực. Có thể khẳng định đây là một chủ trương đúng, một phong trào thiết thực, hiệu quả, được đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực hưởng ứng. Trong thời gian tới, huyện Thăng Bình sẽ đẩy mạnh triển khai thực hiện phong trào “Dân vận khéo” ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và toàn diện hơn.

Hiệu quả thực hiện phong trào

10 năm qua (2009 - 2019), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của Mặt trận, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đến nay, toàn huyện đã triển khai thực hiện 362 mô hình “Dân vận khéo” đạt hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị.  Phong trào “Dân vận khéo” đã tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, huy động được các nguồn lực, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, đã xây dựng được 125 mô hình “Dân vận khéo”. Đó là các mô hình “Dân vận khéo” trong sản xuất, kinh doanh như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ... nhằm phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, khuyến khích sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng. Đặc biệt, phong trào đã bắt đầu đi vào các lĩnh vực mới, đòi hỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật, có hiệu quả kinh tế và phạm vi tác động rộng, liên kết, trao đổi, giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, kinh nghiệm. Tùy tình hình thực tiễn, từng địa phương đã chủ động khảo sát, xây dựng kế hoạch, chọn địa bàn để triển khai thực hiện. Tiêu biểu như các mô hình “Góp vốn quay vòng”, “Tổ phụ nữ tiểu thương”, “Nuôi gà trên đẹm lót sinh học”, “Nuôi heo bằng trùn quế”, “Trồng nấm rơm”, “Nuôi cá lóc trải bạc trên cát”, “Nuôi cá lồng, cá bè”… Đặc biệt, đã có những mô hình “Dân vận khéo” vừa giúp nhân dân phát triển kinh tế vừa đảm bảo quốc phòng - an ninh như mô hình “Tổ đoàn kết đánh bắt trên biển”, “chân biển, chân bờ”…Các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới có bước chuyển biến tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện cuộc sống người dân. Tiêu biểu như các mô hình vận động nhân dân thực hiện “Dồn điền đổi thửa”, làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, di dời chuồng trại…

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội đã xây dựng được 155 mô hình “Dân vận khéo”; trong đó tiêu biểu như các mô hình, “Thắp sáng đường quê”, “Đường hoa”, “Đoạn đường tự quản”, “Khu dân cư không rãi vàng mã”, “Tổ phụ nữ đoàn kết xây dựng gia đình 05 không, 03 sạch”, “Nông dân với xây dựng giao thông nông thôn”, “Tuyến phố văn minh”, “Giỏ rác nhà ta, con đường tự quản”, “Thu gom rác thải”, “Nàng dâu hiếu thảo”, “Nhận đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”, “Thắp sáng ước mơ cho em”, “Lớp học tình thương”, “Ve chai tình thương”... Trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, bên cạnh những chính sách hỗ trợ phát triển, việc phát huy vai trò các mô hình “Dân vận khéo” cũng được chú trọng, tiêu biểu như mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Hũ gạo vì người nghèo” “Hũ gạo tiết kiệm”, “Tặng sổ tiết kiệm”... Qua đó đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, xóa bỏ tập tục lạc hậu, giải quyết được nhiều việc khó để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


(
Ảnh: Đoạn đường tự quản của Chi hội phụ nữ thôn Kế Xuyên 1, xã Bình Trung triển khai xây dựng hiệu quả )

Trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng, đã xây dựng được 75 mô hình “Dân vận khéo”. Các mô hình tập trung vào vấn đề tuyên truyền pháp luật, nắm chắc tình hình nhân dân, kịp thời đề xuất, xử lý có hiệu quả các vụ, việc phức tạp ở cơ sở, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiêu biểu như các mô hình “Tiếng loa an ninh”, “Tiếng mỏ an ninh” “,  “Camera an ninh”, “Đội xe ôm tự quản về an ninh trật tự”, “Cựu chiến binh tự quản về an ninh trật tự”, “Tổ tự quản”, “Tái hòa nhập cộng đồng”, “Gia đình không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, “Tộc họ 3 không”,Giữ vững an ninh trật tự và bảo vệ môi trường vùng giáp ranh... Với nhiều cách làm sáng tạo, các mô hình “Dân vận khéo” đã phát huy tinh thần trách nhiệm, quyền làm chủ của nhân dân, tích cực tham gia bảo vệ an ninh trật tự, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, từng bước đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và cuộc sống bình yên của nhân dân.

Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, đã xây dựng được 07 mô hình “Dân vận khéo” gắn với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; cơ quan hành chính nhà nước xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; xây dựng đạo đức công vụ, tăng cường tiếp dân, đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp trong nhân dân. Từ đó, đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, tích cực đóng góp ý kiến xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tiêu biểu là các mô hình “Cải cách thủ tục hành chính”, “Xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh

Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” luôn được cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể quan tâm chỉ đạo. Năm 2009, mô hình phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại thôn Liễu Thạnh, xã Bình Nguyên là mô hình “Dân vận khéo” đầu tiên được xây dựng. Đến năm 2019, toàn huyện đã có 362 mô hình trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều mô hình có hiệu quả cao đã được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện: “Thắp sáng đường quê” (22/22 xã, thị trấn), “Thu gom rác thải” (22/22 xã thị trấn), “Tiếng mỏ an ninh” (13/22 xã, thị trấn)… Bên cạnh các mô hình “Dân vận khéo” được hình thành, duy trì, phát triển từ những năm trước, đã có thêm nhiều mô hình mới được xây dựng. Các mô hình “Dân vận khéo” đã có hiệu ứng xã hội tích cực, tạo sức lan toả trong cộng đồng, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ vững quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn huyện.

Đẩy mạnh thực hiện phong trào

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác “Dân vận khéo” trong thời gian tới, đòi hỏi từng cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở cần tiếp tục quán triệt các mục tiêu, quan điểm, các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác dân vận. Đồng thời, cần tiếp tục phát huy những ưu điểm, kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tiếp tục có những biện pháp tháo gỡ khó khăn, hạn chế. Để thực hiện tốt hơn phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong thời gian tới, huyện Thăng Bình sẽ chú trọng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá hơn.

Các cấp ủy Đảng cần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác dân vận. Phát huy vai trò đồng hành của các tổ chức trong hệ thống chính trị để tiến hành công tác dân vận; Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể phải tích cực, chủ động trong công tác tham mưu cho các cấp ủy, mặt khác phải xây dựng kế hoạch cụ thể, nội dung phải sát thực tế, phù hợp với tình hình của địa phương mình, triển khai thực hiện phải linh hoạt, sáng tạo, đạt hiệu quả.

Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận và phương pháp “Dân vận khéo” một cách nghiêm túc, bài bản, cụ thể và phù hợp với thực tiễn từng địa phương, gắn với chương trình học tập, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, tập huấn nghiệp vụ, sinh hoạt chuyên đề, sơ kết, tổng kết về công tác dân vận; đồng thời, gắn với quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có ý thức trách nhiệm, có năng lực công tác để hoàn thanh nhiệm vụ, có ý thức tôn trọng và tinh thần phục vụ nhân dân; đã là cán bộ, đảng viên phải có tư cách của người cán bộ, đảng viên; cán bộ, đảng viên phải là người “trọng dân, hiểu dân, gần dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”. Đồng thời, phải vận dụng thành thạo các bước dân vận trong tình hình mới: Điều tra, nghiên cứu, khảo sát nắm chắc tình hình nhân dân thông qua các kênh thông tin khác nhau và các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các mô hình “Dân vận khéo” góp phần giữ gìn sự bình yên và hạnh phúc cho nhân dân.

Ban Dân vận chủ động phối hợp với chính quyền, các ngành, tập trung chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nội dung của phong trào thi đua, xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, trọng tâm là hướng vào các nhiệm vụ như: đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội; nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính; thực hiện công tác giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ, hội... tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Tăng cường công tác kiểm tra, sơ kết, nghiên cứu, xây dựng, nhân rộng điển hình “Dân vận khéo”, định kỳ bình xét, đánh giá, công nhận và khen thưởng các điển hình Dân vận khéo” với các phong trào thi đua, các hoạt động lập thành tích kỷ niệm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng hằng năm một cách thiết thực. Bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình nhân dân, đề xuất, tham mưu kịp thời với cấp ủy trước, trong và sau Đại hội Đảng các cấp, góp phần cùng toàn Đảng bộ tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Kỳ vọng rằng, với tinh thần sáng tạo, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân sẽ góp phần nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “dân vận khéo” trong thời gian đến; khẳng định tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới, tạo tiền đề và động lực để nhân rộng những tấm gương, những điển hình “Dân vận khéo” trong giai đoạn tiếp theo./.

Tác giả: Minh Quốc

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000030787855