Lan tỏa mạnh mẽ phong trào...
Hiện nay, huyện Thăng Bình có 252 mô hình "Dân vận khéo", trong đó, có nhiều mô hình, điển hình đi vào cuộc sống, đóng góp tích cực, hiệu quả trên khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các mô hình “Dân vận khéo” vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi; phát triển gia trại, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao ở các xã, thị trấn trong huyện được triển khai và nhân rộng như mô hình “chăn nuôi trâu, bò nhốt bán thâm canh” (ở Bình Chánh, Bình Phục, Bình Giang) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; “xây dựng cánh đồng mẫu” (Bình Tú, Bình Giang, Bình Chánh, Bình Nguyên) với năng suất trung bình 60-65 tạ/ha; “nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGap” ở xã Bình Hải cho năng suất cao 10 tấn/ha; “sản xuất nấm rơm” (Bình Tú, Bình Trung, Bình Chánh, Bình Trị, Thị trấn Hà Lam) cho thu nhập bình quân trên 90 triệu đồng/hộ/năm; mô hình “3 giảm 3 tăng” (Bình Tú, Bình Nguyên) được áp dụng rất thành công trong sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao…Với hiệu quả từ những mô hình này đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã huy động được sức mạnh và quyết tâm cao của hệ thống chính trị và toàn dân cùng tham gia, từng bước xã hội hóa và nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn nét đẹp văn hóa, xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu, bảo vệ môi trường. Tiêu biểu là các mô hình thực hành tiết kiệm, hỗ trợ người nghèo, giúp nhau khi khó khăn, hoạn nạn, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc như: Mô hình “CLB xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” (Bình Quế, Bình An, Bình Triều); “Tổ phụ nữ không sinh con 3+”; “Hoa xương rồng trên cát”, “Hũ gạo tình thương”,…(Bình Minh, Bình Giang, Bình Phục, Bình Quế); “Phụng dưỡng, đỡ đầu mẹ liệt sỹ neo đơn”, “Nuôi heo đất” (Bình Minh), “Xóa hộ nghèo bền vững”, “Xóa nghèo cho hội viên, chung tay xóa nghèo” (Bình Đào, Bình Dương, Bình Lãnh).
Để góp phần bảo vệ bình yên cuộc sống cho người dân, nhiều mô hình trên lĩnh vực an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng được huyện Thăng Bình quan tâm xây dựng và mang lại hiệu quả rõ nét như: “tổ tự quản về an ninh trật tự” (thị trấn Hà Lam, Bình Lãnh, Bình Quế,…); Câu lạc bộ không có người vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội” ở xã Bình Nguyên; “Câu lạc bộ phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy ” (Bình Trị, Bình Phục, Thị trấn Hà Lam); “tiếng mõ an ninh” (Bình Nguyên, Bình Chánh, Bình Tú, Bình Dương, Bình Sa,...); “thắp sáng đường quê” ở (Bình Minh, Bình Đào, Bình Nam, Bình Triều, Bình Hải, Bình An, Bình Định Bắc, Bình Tú,..); “vận động nhân dân tham gia làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng” ở (Bình Chánh, Bình Trung, Bình Quý,...)…Chính nhờ những mô hình này được triển khai thực hiện sâu rộng và mang lại hiệu quả từng bước đi vào đời sống của người dân trên địa bàn của huyện, nên giờ đây nhiều địa phương từ trên từng con đường làng, ngõ xóm đến những con đường ra cánh đồng đã được trải bê tông thẳng tắp, rất thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất, không còn tình trạng bụi mờ mịt vào những ngày nắng nóng hay chứng kiến cảnh lầy lội, trơn trợt vào mùa mưa lũ; đáng phấn khởi nhất là vào ban đêm các con đường từ trong thôn xóm đều được chiếu sáng bởi ánh đèn điện từ “thắp sáng đường quê”, tình trạng gây gổ đánh nhau, tệ nạn ma túy, trộm cắp, tai nạn giao thông cũng được giảm một cách đáng kể…
Dân vận khéo để “khơi dậy” sức dân
Bình An là xã được tỉnh kiểm tra, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2015. Đến nay, địa phương tiếp tục nâng chuẩn chất lượng các tiêu chí, hướng đến xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu và xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Khu dân cư An Phước được xã chọn làm thôn xây dựng khu dân cư kiểu mẫu đầu tiên. Tuy nhiên, quá trình vận động nhân dân tham gia xây dựng mô hình “khu dân cư kiểu mẫu” gặp nhiều khó khăn vì đây là thôn có đời sống nhân dân hết sức khó khăn, đất đai không cằn cỗi, giao thông đi lại không thuận lợi vì thuộc vùng núi đồi. Nhưng Tổ dân vận thôn và Khối dân vận xã đã khéo léo vào cuộc, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận với chủ trương đúng của địa phương. Với mục đích thay đổi quê hương, nơi còn nhiều khó khăn thành nơi có cảnh quan xanh, sạch, đẹp, đời sống nhân dân phát triển. Tổ dân vận thôn đã thực hiện hiệu quả, lồng ghép các cuộc vận động với phương châm xã hội hóa nhà nước và nhân dân cùng làm. Bà con nhân dân trong thôn tự nguyện hiến đất, cây cối làm đường, chung tay xây dựng cơ sở hạ tầng, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Giờ đây đến với An Phước có thể nhận thấy rõ sự đổi thay với những rừng keo xanh mát kéo dài trên những triền núi, những khu vườn mẫu với những màu sắc của các loài hoa và cây ăn quả phong phú. Đặc biệt ấn tượng trước khu vườn cây ăn quả của một số hộ dân như Anh Võ Lan ở tại tổ 4 An Sơn. Khu vườn với diện tích 4 ha, được vợ chồng anh cải tạo trồng các loại cây ăn quả như: Thanh long, chanh, ổi, mít,…các loại cây công nghiệp như: Hồ tiêu, chè xanh…và hơn 200 con gà thả vườn vừa bán gà thịt và lấy trứng, hơn 20 bọng ong lấy mật tự nhiên, mỗi vụ vợ chồng anh thu hoạch từ trái cây, gà và mật ong khoảng trên 300 triệu đồng. Quá trình tu bổ khu vườn mẫu gần giống như một khu sinh thái mang nét đặc trưng của quê hương An Phước.

Vườn cây khu dân cư NTM kiểu mẫu tại thôn An Phước

Các hội viên, đoàn viên đang phát quang cây cỏ tại một đoạn đường tự quản
Dù khi triển khai còn gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động nhưng Khối dân vận xã, tổ dân vận thôn đã kiên trì vận động, thuyết phục để nhân dân hiểu và đồng thuận, ủng hộ để triển khai. Thấy được ý nghĩa thiết thực của mô hình, người dân đã hưởng ứng tích cực. Thành công của mô hình đã thể hiện nỗ lực của chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân khi “gặp” nhau ở chủ trương đúng, hợp lòng dân. Ông Trần Trọng Sanh- Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy cho biết: Thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần khơi dậy sức dân trong thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Đặc biệt, mô hình phát triển kinh tế vườn và xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp theo tiêu chí nông thôn mới do địa phương phát động trong thời gian qua đã được người dân tham gia tích cực. Khối dân vận xã, thị trấn, Tổ dân vận ở khu dân cư đã tích cực tham mưu, cụ thể hóa công tác vận động quần chúng phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Điển hình là việc tuyên truyền, động viên nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới; phối hợp giải quyết có hiệu quả khó khăn, vướng mắc, những vấn đề bức xúc ở cơ sở như công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm vùng Đông, đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi; các dự án giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; công tác xử lý môi trường; các vấn đề liên quan đến an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội...
Từ thực tiễn hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” ở huyện Thăng Bình cho thấy, việc thực hiện tốt công tác vận động nhân dân thực hiện mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, ngăn chặn các tệ nạn xã hội và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Kết quả đạt được trong phong trào thi đua “Dân vận khéo" thời gian qua đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, góp phần chung tay cùng với chính quyền thực hiện thành công các phong trào thi đua yêu nước ở các địa bàn nơi cư trú, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận để triển khai và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, để từ đó phấn đấu xây dựng huyện Thăng Bình ngày càng phát triển giàu mạnh, văn minh./.