Trên cơ sở Hướng dẫn số 80-HD/BDVTW, ngày 28/02/2012 của Ban Dân vận Trung ương về việc thành lập và hoạt động của tổ dân vận thôn, bản, khóm, ấp, tổ dân phố, khu dân cư, Hướng dẫn số 05-HD/DVTU, ngày 01/4/2013 của Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam về nội dung hoạt động của tổ dân vận thôn, khối phố và Hướng dẫn số 09-HD/DV, ngày 09/4/2013 của Ban Dân vận Huyện ủy Thăng Bình về việc thành lập và hoạt động của tổ dân vận thôn, tổ dân phố, Khối Dân vận Đảng ủy các xã, thị trấn đã nghiên cứu, đề xuất với Đảng ủy chỉ đạo thành lập, phát triển mô hình Tổ dân vận thôn, tổ dân phố.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn huyện, Khối vận Đảng ủy xã, thị trấn đã xây dựng quy chế hoạt động, bám sát vào chương trình công tác của cấp ủy, Ban Dân vận Huyện ủy và ngành dọc cấp trên. Đồng thời, hằng năm Khối Dân vận Đảng ủy đều tham mưu Đảng ủy củng cố, kiện toàn Tổ dân vận thôn, tổ dân phố. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Tổ dân vận ở cơ sở, ngoài các lớp tập huấn do địa phương tổ chức, hằng năm Ban Ban Dân vận Huyện ủy đều tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận đối với cán bộ làm công tác dân vận ở cơ sở. Qua 04 năm triển khai xây dựng, mô hình Tổ dân vận bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác vận động quần chúng.
Từ khi thành lập đến nay, dưới sự chỉ đạo của Khối dân vận Đảng ủy các xã, thị trấn, công tác dân vận ở các Tổ dân vận thôn, tổ dân phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của địa phương. Các Tổ dân vận đã tích cực tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân nhằm nâng cao sự hiểu biết của người dân; tạo sự đồng thuận về thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương; các chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch, vững mạnh.
Các Tổ dân vận thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tình hình thắc mắc, đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để kịp thời báo cáo Chi ủy, đề xuất giải pháp, trực tiếp đối thoại với nhân dân để làm tốt công tác vận động, hòa giải ở cơ sở; tích cực vận động nhân dân tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; quy ước, hương ước thôn; đấu tranh bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; vận động nhân dân ý thức tự lực, tự cường, tích cực đóng góp nhiều nguồn lực để xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới, khu dân cư kiểu mẫu... Hoạt động của Tổ dân vận đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần trách nhiệm của quần chúng nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề bức xúc của nhân dân, củng cố mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Trong những năm qua, các Tổ dân vận đã xây dựng được nhiều mô hình “Dân vận khéo” hoạt động hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực đời sống như: mô hình “Thắp sáng đường quê”, “thu gom rác thải” (hầu hết các tổ dân vận đều xây dựng), “tiếng loa an ninh” (Bình Dương, Bình Đào); “tiếng mõ an ninh tổ dân phòng tự quản” (Bình An, Bình Nguyên); các mô hình của tổ dân vận thôn Hiền Lương, xã Bình Giang như: mô hình “5 không 3 sạch” (tổ 2), “nuôi heo đất” (tổ 6), “đồng tiền tiết kiệm” (tổ1, 2, 5), “vườn sạch nhà đẹp” (tổ 5, 6); hay tại thôn Bình Túy, xã Bình Giang có mô hình “không có con vi phạm pháp luật” (tổ 15), mô hình “Hũ gạo tình thương” (tổ 16, 18, 19); mô hình “thắp sánh ước mơ cho em” (Bình Dương); mô hình “tộc họ không rãi vàng mã trên đường đưa tang”(Bình Minh, TT Hà Lam, Bình Hải,…); Câu lạc bộ “Gia đình no ấm hạnh phúc” ở tổ dân vận thôn Phước Châu (Bình Triều); mô hình “Hội cựu chiến binh tự quản” ở tổ 5/1, 5/2 của Tổ dân vân thôn Hưng Mỹ (Bình Triều); mô hình “Tổ đoàn kết đánh bắt trên biển” (Bình Minh); mô hình “con đường tự quản” tại các thôn Xuân An, Đồng Dương, Bình An, Xuân Thái Đông, Xuân Thái Tây của xã Bình Định Bắc; mô hình trồng tiêu, trồng nấm rơm ở xã Bình Định Bắc;…Tổ chức phát động các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; phụ nữ với công tác phòng chống tội phạm ở khu dân cư, người cao tuổi với phong trào dưỡng sinh kinh lạc (tổ dân vận thôn Ngọc Sơn Đông, xã Bình Phục). Nhiều Tổ dân vận tích cực tuyên truyền vận động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình như tổ dân vận thôn Đồng Xuân vân động nhân dân đóng góp trên 300 triệu đồng để làm cầu qua suối, Tổ dân vận thôn Tứ Sơn, Trà Long, Kế Xuyên 1 vận động nhân dân hiến trên 3600 m2 đất để mở rộng tuyến đường Kế Xuyên - Tây Giang, Tổ dân vận thôn Trà Long, Vinh Phú vận động nhân dân hiến 1450 m2 đất để mở rộng tuyến đường ĐH25,….
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Tổ dân vận trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Công tác kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và hướng dẫn trong quá trình hoạt động của Tổ dân vận chưa thường xuyên; một số thành viên chưa nhận thức rõ và chưa nắm vững chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động còn lúng túng, còn lẫn lộn vai trò nhiệm vụ với Ban công tác Mặt trận. Việc duy trì chế độ sinh hoạt theo quy chế chưa thường xuyên; chưa chủ động xây dựng chương trình công tác. Hầu hết các thành viên hoạt động theo kinh nghiệm bản thân là chính, sự vụ. Việc thông tin, báo cáo, đề xuất với thường trực Khối dân vận Đảng ủy xã chưa kịp thời. Công tác phối hợp của Ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể và các thành viên của tổ trong việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh vẫn còn có những hạn chế nhất định.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình Tổ dân vận trên địa bàn huyện trong thời gian tới các cấp ủy đảng cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn việc thành lập và hoạt động, quy chế hoạt động, chương trình công tác của Tổ dân vận, chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng việc thành lập và hoạt động của Tổ dân vận thôn, tổ dân phố. Tăng cường công tác phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sông văn hóa”, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, khu dân cư kiểu mẫu, công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chính sách xã hội, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Các địa phương cần quan tâm đến công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ; đồng thời bố trí ngân sách, hoặc lồng ghép với các chương trình, đề án, kinh phí của việc triển khai các nhiệm vụ, bố trí kinh phí hoạt động và một phần thù lao cho cán bộ làm công tác dân vận ở thôn, tổ dân phố. Ban Dân vận Huyên ủy, Khối Dân vận Đảng ủy các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, khuyến khích, động viên, khen thưởng những nơi làm tốt, kịp thời báo cáo, tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo để mô hình Tổ dân vận ngày càng hoạt động mang lại kết quả cao hơn góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của huyện nhà.