Để có chuyến tham quan học tập kinh nghiệm đầy ý nghĩa này, trước hết phải nói đến tấm gương một em học sinh mẫu mực tại trường làng ở huyện Thăng Bình vào những năm 1993, 1994. Đó là em Phan Công Mẫn sinh năm 1988, nguyên là học sinh của Trường Mẫu Giáo Hà Lam. Bố của em là ông Phan Công Cường (Hưu trí) và mẹ em là Bà Lê Thị Dung nguyên là giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng thị trấn Hà Lam (nay đã về hưu). Sau khi kết thúc chương trình phổ thông, em tiếp tục học đại học và cao học tại trường đại học Saitama Nhật Bản với chuyên ngành Khoa học Công nghệ và Môi trường, Mẫn là sinh viên giỏi nên được Hội từ thiện Rotary Nhật Bản cấp học bổng. Sau khi ra trường em vào làm việc tại công ty của Nhật trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch-thân thiện với môi trường. Là một trong những thành viên rất năng nổ, chịu khó học tập và công tác, nên em đã được Hội từ thiện Rotary Kawaguchi Nishi đánh giá cao.

Em Phan Công Mẫn
Dù công tác ở xa quê nhưng em luôn mang nguyện vọng đóng góp cho sự phát triển của quê hương Việt Nam, nơi mà em đã được sinh ra và lớn lên. Vì vậy vào tháng 3 năm 2016 em đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng với Hội từ thiện Rotary Nhật Bản về chuyến giao lưu học hỏi kinh nghiệm công tác giáo dục tại Nhật Bản, đến đầu năm 2017 Hội đã thống nhất tài trợ 2 suất tại Việt Nam, vì nghĩ đến sự tận tâm chăm sóc giáo dục từ khi em mới chập chững bước vào trường học nên em có ý nguyện muốn mời tôi và cô Phan Thị Thu Nguyệt, 2 cô giáo hiện nay đang quản lý ở ngôi trường mà em đã từng gắn bó.
Thông qua lịch trình của chuyến tham quan học tập lần này, chúng tôi đã được thăm và chào hỏi thị trưởng thành phố Kawaguchi, trao đổi ý kiến với lãnh đạo Phòng Giáo dục thành phố Kawaguchi Nhật Bản, tham dự buổi hội nghị thường niên của hội Rotary và đặc biệt được tham quan trải nghiệm các hoạt động tại 4 trường Mầm non, 2 trường tiểu học.

Thăm quan trường tiểu học Nakacyou
Điều ấn tượng đầu tiên về Giáo dục mầm non ở Nhật Bản không phải là cơ sở vật chất khang trang mà chính là ở thái độ của giáo viên với học sinh, vừa gần gũi, vừa ứng xử khéo léo nhẹ nhàng. Nuôi dưỡng ở học sinh tính tự lập, trái tim biết suy nghĩ cho người khác. Mục tiêu và phương pháp dạy học rất độc đáo, khác biệt, phát huy năng lực riêng của trẻ, ngay trong các hoạt động hàng ngày đã được rèn luyện thực hành đạo đức như các quy tắc ứng xử, cách chào hỏi, cảm ơn cha mẹ, thầy cô, người trên tuổi và bạn bè. Mỗi buổi sáng, trẻ xếp hàng trong lớp, trân trọng chào giáo viên trước khi bắt đầu ngày mới. Cuối buổi học, các em chào thầy cô, bạn bè, tự đánh giá bản thân và nhặt rác xung quanh mình trước khi ra về. Trong quá trình học và chơi, trẻ được hướng dẫn và nhắc nhở sử dụng những lời “cám ơn” và “xin lỗi” trong các tình huống phù hợp. Ở đây các em không cần phải lo học chữ hay số mà được giáo dục về nhân cách và đạo đức là chủ yếu. Việc rèn luyện tính cách và quan tâm đến tính tự lập của trẻ là hết sức cần thiết. Vì vậy mà chương trình tập trung vào xây dựng môi trường học tốt nhất cho trẻ, nơi mà trẻ được tự do làm mọi thứ dưới sự hướng dẫn của giảng viên có kinh nghiệm để rèn luyện cho bản thân những thói quen tốt cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Đây thực sự là những điều mà giáo dục Việt Nam cần quan tâm và đặc biệt rất cần thiết trong giáo dục và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh ngay từ lúc các em chập chững vào đời.


Trãi nghiệm các hoạt động tại Trường Mầm non Minami aoki
Kết thúc chuyến tham quan thực tế các trường học tại Nhật bản, tôi đã có những trải nghiệm thực tiễn hết sức quý báu và học tập được rất nhiều điều từ môi trường giáo dục mầm non ở Nhật Bản. Trăn trở về thành công của phương pháp giáo dục trẻ em Nhật Bản và những gì mà Giáo dục nước nhà đang nỗ lực, bản thân tôi – một người đang làm công tác quản lý giáo dục ở bậc học mầm non mong muốn rằng trẻ em Việt Nam, những mầm non tương lai cũng phải được lớn lên trong một môi trường tốt nhất và chủ động nhất như Nhật Bản vậy. Chuyến đi thực sự đã cho chúng tôi bao suy ngẫm về vấn đề giáo dục học sinh tại Nhật bản để làm sao ứng dụng có hiệu quả vào nơi tôi công tác.