Dù lịch sử có thăng trầm, song dòng chảy thời gian không xóa nhòa được trong ký ức của các thế hệ thầy và trò trường phổ thông cấp III Thăng Bình 2 những kỷ niệm, những ấn tượng đẹp đẽ và cảm động. Học sinh của trường là hình ảnh thu nhỏ của truyền thống hiếu học và truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Thầy giáo của trường là hình ảnh thu nhỏ của đạo làm người, làm thầy, của nghề dạy học suốt đời tận tụy vì học sinh thân yêu.
Vinh dự và tự hào biết bao, từ mái trường phổ thông cấp III Thăng Bình 2 năm xưa nhiều người đã trưởng thành trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có những người hiện nay đang giữ những cương vị, trọng trách trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước. Nhiều người trở thành những nhà hoạt động xã hội, khoa học, văn học - nghệ thuật, báo chí, doanh nghiệp… Tất cả đã và đang khơi nguồn cho dòng chảy vô cùng, vô tận của một quê hương giàu truyền thống cách mạng và nhân văn đang cùng cả nước làm nên bản anh hùng ca hoành tráng trong công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Cách đây 36 năm (vào năm 1980), thực hiện chủ trương phát triển giáo dục ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, theo đề nghị của UBND huyện Thăng Bình, Sở Giáo dục & Đào tạo Quảng Nam – Đà Nẵng ra Quyết định thành lập trường phổ thông cấp III Thăng Bình 2. Năm học đầu tiên chỉ có 4 lớp 10 và 2 lớp 11 với trên 200 em học sinh. Đến năm học 1989 – 1990 số lớp tăng lên 12 lớp với hơn 600 em học sinh. Làm sao có thể kể hết được những khó khăn, vất vả của những năm đầu khi mới thành lập trường. Lúc bấy giờ, nhân dân cả nước nói chung và đặc biệt là nhân dân những vùng mới giải phóng như vùng Đông Thăng Bình nói riêng, đời sống rất khó khăn. Nhưng dù cực khổ đến đâu, khó khăn đến đâu bà con mình vẫn cố cho con đi học. Các em đến trường chăm chỉ siêng năng học tập, học một cách say mê, đoàn kết thương yêu bạn bè, kính trọng lễ phép với thầy cô giáo. Đối với đội ngũ các thầy cô giáo lúc bấy giờ thì đa số phải sống xa gia đình. Nhiều thầy cô được điều động từ Nghệ An và Hà Tĩnh vào giảng dạy. Nhìn chung, đời sống giáo viên ngày ấy có thể nói rằng còn dưới cả mức nghèo. Thế nhưng các thầy cô giáo vẫn bám trường, bám lớp, dạy học sinh không chỉ đơn thuần là kiến thức của sách giáo khoa mà bằng cả tấm lòng của người thầy giáo hết mình vì học sinh thân yêu.
Đến tháng 7 năm 1990, do nhiều nguyên nhân khách quan, Sở Giáo dục & Đào tạo Quảng Nam – Đà Nẵng sát nhập trường phổ thông cấp III Thăng Bình 2 và trường phổ thông cấp III Thăng Bình 1 thành trường phổ thông cấp III Thăng Bình (Trường THPT Tiểu La bây giờ). Bà con vùng Đông Thăng Bình và học sinh trường phổ thông cấp III Thăng Bình 2 ngày ấy lưu luyến tiễn đưa các thầy cô giáo về lại quê hương miền Bắc…
Sau 5 năm giải thể Trường phổ thông cấp III Thăng Bình 2, tháng 8 năm 1995 Sở Giáo dục & Đào tạo Quảng Nam – Đà Nẵng quyết định thành lập Trường phổ thông cấp 2, 3 Bình Đào và đến tháng 8 năm 1999 Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Quảng Nam thành lập Trường THPT Nguyễn Thái Bình theo đề nghị của UBND huyện Thăng Bình để đáp ứng sự phát triển giáo dục tại địa phương. Từ đây, quê hương vùng Đông Thăng Bình lại có một trường THPT bề thế với số lượng trên 1.500 học sinh của 3 khối lớp: 10, 11, 12. Từ đây, trên khắp các ngã đường quê hương vùng Đông Thăng Bình nơi đâu cũng có những tà áo trắng học trò tung bay trong nắng mới – điều đó đã báo hiệu một sự chuyển giao thế hệ trong xu hướng hội nhập và phát triển tất yếu của quê hương Thăng Bình nói riêng, của đất nước nói chung.