Chi tiết tin

A+ | A | A-

Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 16:31 | 22/09/2016 Lượt xem: 985

Trong bài “Dân vận” đăng trên báo Sự thật ngày 15-10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thấm nhuần sâu sắc quan điểm và các chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh và các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác dân vận, trong những năm qua, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị của huyện Thăng Bình luôn được tăng cường, có những đổi mới và đã đạt được những kết quả tích cực.

Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm chỉ đạo công tác dân vận. Sự phối hợp giữa Ban Dân vận các cấp với chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân gắn bó, chặt chẽ, đem lại những kết quả thiết thực. Công tác dân vận tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức vận động quần chúng, bám cơ sở, bám địa bàn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, kịp thời phản ánh những vấn đề liên quan tới lợi ích chính đáng của nhân dân; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tổ dân vận ở khu dân cư đã tích cực tham mưu, cụ thể hóa công tác vận động quần chúng phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Điển hình là việc tuyên truyền, động viên nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của BCH Trung ương (khóa XI); phối hợp giải quyết có hiệu quả khó khăn, vướng mắc, những vấn đề bức xúc ở cơ sở như giải phóng mặt bằng các dự án: mở rộng Quốc lộ 1A, đường dẫn cầu Cửa Đại, đường cứu hộ-cứu nạn, Trường Trung cấp CSGT, đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi; công tác xử lý môi trường; các vấn đề liên quan đến an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội. Thường xuyên vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, xây dựng đời sống văn hóa, tương thân, tương ái, hỗ trợ giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào vùng bị thiên tai... Phát huy truyền thống đại đoàn kết, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở huyện Thăng Bình đã trở thành phong trào chung của cả hệ thống chính trị với 171 mô hình trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có 26 mô hình về phát triển kinh tế; 78 mô hình về thực hiện chính sách xã hội, nhân đạo, từ thiện; 67 mô hình về đảm bảo an ninh - quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như mô hình “Phát triển kinh tế theo nhóm hộ gia đình” của Khối Dân vận Bình Chánh; “Tổ hợp tác đan mây tre Thanh Phong” của Khối Dân vận Bình Trung; “Tổ đoàn kết đánh bắt trên biển” của Khối Dân vận các xã ven biển; “Tổ hợp tác đan mây tre Hồng Anh” của Khối Dân vận Bình An; “Tổ hợp tác rau sạch Mỹ Hưng” của Khối Dân vận Bình Triều, “Tổ hợp tác sản xuất nấm rơm” của Khối Dân vận Bình Tú; mô hình “Xây dựng cánh đồng mẫu” của Khối Dân vận Bình Đào,…Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã huy động được sức mạnh và quyết tâm cao của hệ thống chính trị và toàn dân cùng tham gia, từng bước xã hội hóa và nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn nét đẹp văn hóa, xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu, bảo vệ môi trường. Tiêu biểu là các mô hình thực hành tiết kiệm, hỗ trợ người nghèo, giúp nhau khi khó khăn, hoạn nạn, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc như: Mô hình “CLB xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” của Khối Dân vận Bình Quế, Bình An, Bình Triều; “Tổ phụ nữ không sinh con 3+”;  Hoa xương rồng trên cát”, “Hũ gạo tình thương”,…của Khối Dân vận Bình Minh, Bình Giang, Bình Phục, Bình Quế; “Phụng dưỡng, đỡ đầu mẹ liệt sỹ neo đơn”, “Nuôi heo đất” của Khối Dân vận Bình Minh, “Xóa hộ nghèo bền vững”, “Xóa nghèo cho hội viên, chung tay xóa nghèo” của Khối Dân vận Bình Đào, Bình Dương, Bình Lãnh; “Đội xe ôm cấp cứu” của Khối Dân vận Hà Lam. Trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng, các phong trào thi đua đã góp phần nâng cao ý thức tự quản trong cộng đồng dân cư, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân như: Mô hình “Tiếng mõ an ninh” của Khối Dân vận Bình Nguyên, Bình Chánh, Bình Tú, Bình An, Bình Trung, Bình Dương, Bình Sa, “Tổ tự quản về an ninh trật tự” của Khối Dân vận Bình Nguyên, Bình Đào, Bình Trị, Bình Lãnh, Bình Tú, Bình Giang, Bình Dương, “Tổ phụ nữ không có con hư hỏng, không có người thân mắc tệ nạn xã hội” của Khối Dân vận Bình Quế, “phòng chống tệ nạn xã hội” của Khối Dân vận Bình Trị; “CCB tự quản” của Khối Dân vận Bình Minh, Bình Định Bắc; “CLB phòng chống tội phạm” của Khối Dân vận Bình Phục; mô hình phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” của Khối Dân vận Bình Nguyên, Bình Tú, Bình Phú, Bình Chánh, Bình Minh; mô hình “Quản lý, giáo dục trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật” của Khối Dân vận Bình Quý. Các mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, tạo chuyển biến tích cực trong tư tưởng, hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… Nhiều cơ quan, ban ngành, địa phương đã kết hợp giữa việc nâng cao chất lượng công tác dân vận chính quyền với xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong cải cách thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân…

Thông qua mô hình dân vận khéo, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành được nâng lên rõ rệt, đội ngũ cán bộ có trách nhiệm nhiệt tình tâm huyết, gương mẫu, năng động, sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 5 năm qua (2011-2015) đã có 47, tập thể và 51 cá nhân được tuyên dương khen thưởng. Phong trào đã lan tỏa sâu rộng trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của huyện, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Năm nay, Ban Dân vận Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thi “Dân vận khéo” lần thứ nhất năm 2016, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, công tác tôn giáo, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu tăng cường và đổi mới công tác vận động quần chúng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời chào mừng kỷ niệm 86 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 – 15/10/2016). Qua các hội thi ở vòng sơ khảo vừa qua đã cho thấy khối dân vận các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã có nhiều cố gắng trong xây dựng các tiểu phẩm giới thiệu điển hình “Dân vận khéo” ở địa phương mình, luyện tập và chuẩn bị chu đáo các nội dung, tiết mục tham dự Hội thi, đây là diễn đàn để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức cho cán bô, đảng viên và nhân dân về công tác dân vận; đồng thời cổ vũ, động viên và nhân rộng điển hình “Dân vận khéo”, áp dụng điều đó vào thực tiễn cuộc sống để tiếp tục thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ, người cán bộ dân vận phải “thật thà nhúng tay vào việc”, phấn đấu rèn luyện nâng cao nhận thức và kỹ năng dân vận, để ngày càng được dân mến, dân tin.

Tiểu phẩm về chủ đề bảo vệ môi trường của xã Bình Phục ở Hội thi “Dân vận khéo” cụm cánh Trung

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong hệ thống chính trị, tổ chức thực hiện tốt phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện trong thời gian đến thì một số giải pháp trọng tâm đặt ra là:

Một là, Cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cấp, các ngành tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn nữa về công tác dân vận. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25 của BCH Trung ương (khoá XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, và các văn bản chỉ đạo của Đảng về công tác dân vận,… cùng với Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và về tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Hai là, Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với phong trào thi đua "Dân vận khéo". Cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp cần thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhằm phát huy dân chủ, sáng tạo, vai trò làm chủ của nhân dân. Ngành dân vận từ huyện đến cơ sở tiếp tục triển khai có hiệu quả các hình thức dân vận, hướng về cơ sở, tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân, nắm chắc tư tưởng các tầng lớp nhân dân, nhất là những vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp phải thực sự tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát với cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời phải nhạy bén, sáng tạo, xác định đúng, trúng các công việc cấp bách và cần thiết để chỉ đạo xây dựng phong trào. Phát huy tinh thần tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên để nhân dân thực hiện, làm theo, tích cực vận động quần chúng nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 -2020, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Ba là, Tích cực nhân rộng các mô hình hay, điển hình tốt, những nhân tố mới trong thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo"; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lồng ghép các nội dung của phong trào với các phong trào hành động cách mạng khác. Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" phải đa dạng và xuất phát từ tình hình, đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị, góp phần giải quyết được những vấn đề bức thiết trong cuộc sống hằng ngày, đem lại lợi ích thiết thực, cụ thể cho nhân dân.

Bốn là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nội dung của phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Trong quá trình thực hiện, ngoài sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, quyết tâm cao của các cấp, các ngành thì sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chính vì vậy, làm tốt công tác dân vận, nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân chính là “chìa khóa thành công”. Xây dựng kế hoạch cụ thể  để triển khai thực hiện đồng bộ phong trào đạt được mục đích đề ra.

Chúng ta hiểu rằng nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo" là cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động mọi nguồn lực trong nhân dân giải quyết những vấn đề bức thiết, chính đáng của nhân dân, vận động nhân dân tích cực, chủ động trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp phần quan trọng hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh ở các địa bàn nơi cư trú, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của nhân vào Đảng và chính quyền, để từ đó góp phần xây dựng huyện Thăng Bình ngày càng phát triển giàu mạnh, văn minh./.

Tác giả: Trung Hiếu

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031243143