Nhìn gương mặt bơ phờ của 34 thuyền viên đang sản xuất đánh bắt trên con tàu mang biển số Qna 95959 TS do thuyền trưởng Phạm Phú Thành điều khiển, sau vụ bị tàu lạ nước ngoài đâm chìm tại phía bắc đảo Hoàng Sa – Ngư trường truyền thống của Việt Nam, lúc 23 giờ ngày 3/5/2016. Đã may mắn được tổ đoàn kết đánh bắt trên biển kịp thời cứu vớt, thoát chết trở về với 2 bàn tay trắng, cùng với những gương mặt khắc khổ của ngư dân Bình Minh sau bao ngày hải sản làm ra không bán được, điều đó đã nói lên nỗi lo toan, vất vả của người ngư dân vốn ăn sóng nói gió nhưng tâm hồn thì chân chất thật thà, luôn cầu mong mưa thuận gió hòa cho những chuyến vươn khơi!
Mặc dù, trong suốt thời gian qua cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã và nhân dân địa phương luôn động viên, chia sẻ, hỗ trợ về tinh thần và vật chất nhưng so với những tổn thất ngư dân gánh chịu vẫn chưa bù đắp được bao nhiêu, vì với ngư dân “Thuyền là nhà, Biển đảo là quê hương” biển đã nuôi lớn họ từ bao đời nay, đã gắn chặt họ với biển, cho họ cái nghề truyền thống. Biển vẫn hát ru đêm ngày và ngư dân như nghe “biển gọi” trong từng con sóng, từng tiếng va nhẹ của bọt nước vào mạn thuyền và ngay cả trong giấc mơ. Chính như lời phát biểu cảm tạ đầy xúc động của thuyền trưởng Phạm Phú Thành trong buổi bàn giao ngư dân giữa trung tâm cứu hộ cứu nạn, với địa phương đã nói lên điều đó “Chúng tôi rất cần biển, không thể bỏ biển, rất mong mọi cấp, mọi ngành tạo điều kiện để chúng tôi sớm được vươn khơi bám biển, bảo vệ ngư trường biển đảo thiêng liêng, đây là mơ ước ngàn đời của ông cha chúng tôi”. Lời nói của những ngư dân trở về từ cõi chết nhưng đầy quyết tâm, kiên định, có trách nhiệm với quê hương, đất nước.
Đảng bộ và nhân dân xã Bình Minh luôn chia sẻ, cảm thông sâu sắc những mất mát tổn thất về tinh thần và vật chất đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, kinh tế của bà con ngư dân chúng ta trong thời gian qua và luôn đồng hành, dõi theo, bảo vệ ngư dân bám biển bằng tình cảm và tinh thần đầy trách nhiệm. Mong bà con sớm bình tâm, ổn định cuộc sống tiếp tục phát huy nghề truyền thống của quê hương và thực hiện ước nguyện ngàn đời của ông cha là bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Là những con của Đất Việt, “biển gọi” chúng ta trong tiềm thức, hay còn là tiếng gọi của non sông, chúng ta hãy cùng suy nghĩ, tích cực hành động thiết thực, cùng chung tay chia sẻ những khó khăn vất vả cả về vật chất và tinh thần với ngư dân để họ yên tâm, ổn định tư tưởng và tiếp tục những chuyến vươn khơi, cho dù có bão tố phong ba hay hải tặc hoành hành thì họ vẫn vững tin vì đã có chúng ta bên cạnh./.