Chú trọng công tác tuyên truyền
Thời gian qua, các cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tuyên tuyền bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo, nhất là đối với các xã vùng Đông của huyện, Đồn Biên phòng Bình Minh thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng- an ninh, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã lồng ghép nội dung này vào các Nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch công tác của Huyện ủy để tổ chức thực hiện; phân công cho đồng chí Bí thư Huyện ủy trực tiếp chỉ đạo, phụ trách theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo. Công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo luôn được Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm. Hằng năm đều giao Ban Tuyên giáo Huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền và chỉ đạo các TCCS đảng xây dựng kế hoạch tuyên truyền sát với tình hình thực tế ở cơ quan, đơn vị. Định kỳ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về biển, đảo cho cán bộ, đảng viên và lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên từ huyện đến cơ sở. Kịp thời định hướng tuyên truyền về biển, đảo cho các cơ quan tuyên truyền: Phòng Văn hóa – Thông tin huyện, Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện, Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện, Bản tin Thăng Bình, Cổng thông tin điện tử huyện, Trang thông tin điện tử Huyện ủy. Từ đó, công tác tuyên truyền, đưa thông tin về cơ sở được duy trì thường xuyên, đã chủ động và kịp thời triển khai tuyên truyền thông tin tình hình Biển Đông và những chủ trương của Đảng và Nhà nước ta cho các TCCS đảng trực thuộc. Năm 2015, toàn huyện đã tổ chức được 152 lớp triển khai nghị quyết, thông tin thời sự cho hơn 72.000 lượt cán bộ, đảng viên tham gia học tập, trong đó có hàng chục lớp tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo. Đồng thời, huyện đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động về bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Cụ thể như UBND huyện đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Nam tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” (diễn ra 4 ngày từ ngày 19/5 đến ngày 22/5/2015) tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện. Thông qua triển lãm đã góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là thế hệ trẻ: đoàn viên, thanh niên, học sinh; khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua các tư liệu lịch sử được công bố. Trong quý I/2016 vừa qua, Chi cục khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với UBND các xã ven biển của huyện tổ chức các buổi tập huấn tuyên truyền và phổ biến pháp luật về chủ quyền biển và vùng biển liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản. Thông qua các buổi tập huấn, ngư dân đã được trang bị các kiến thức pháp luật, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền Việt Nam; các vùng cấm và hạn chế hoạt động; kỹ năng đối phó với tàu thuyền nước ngoài; tuyên truyền thông tin về các chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá theo Nghị đinh số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và Nghị định số 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ về bổ sung một số điều của Nghị định 67, Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Nam; Quyết định số 48 của Chính phủ vận động ngư dân mạnh dạn đóng mới, cải hoán tàu có công suất lớn tham gia đánh bắt hải sản xa bờ…Qua đó, góp phần làm cho cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển…

Đông đảo người dân đến xem Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”
Gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế biển
Với lợi thế, tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế biển, trong những năm qua, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác, sử dụng hiệu quả và biến các tiềm năng ấy thành nguồn lực, động lực đẩy mạnh phát triển kinh tế của huyện. Trong đó, tập trung đầu tư nguồn lực để đưa kinh tế biển thành ngành kinh tế mũi nhọn, kết hợp phát triển kinh tế với làm chủ biển, đảo. Huyện đã tổ chức các buổi tọa đàm, hội nghị chuyên đề để bàn các giải pháp thiết thực nhằm phát triển kinh tế biển, tạo bước đột phá trong lĩnh vực thuỷ sản, là một trong bốn mũi nhọn phát triển kinh tế nông nghiệp trong giai đoạn 2015-2020; ban hành chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa X) về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Vừa qua, huyện đã ban hành đề án "Phát triển kinh tế Thủy sản huyện Thăng Bình giai đoạn 2014- 2020" và Kế hoạch hành động “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Theo đó, huyện sẽ có những cơ chế hỗ trợ cho ngư dân trong việc sửa chữa tàu thuyền, nhiên liệu, tháo gỡ khó khăn về vốn để phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, đồng thời làm tốt công tác quản lý tàu thuyền, bảo vệ an toàn cho ngư dân trên biển, đầu tư mua mới ngư lưới cụ và các thiết bị hiện đại như máy định vị vệ tinh, máy dò cá, ICOM... Cùng với đó, trong những năm qua, nhiều dự án đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân vùng ven biển đang được triển khai xây dựng bước đầu đem lại hiệu quả như: Đường dẫn cầu cửa Đại và đường cứu hộ cứu nạn; các khu tái định cư, khu nghỉ dưỡng Nam Hội An... Hệ thống giao thông các xã ven biển của huyện được đầu tư, cơ bản tạo thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản trên địa bàn đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo trong lĩnh vực khai thác, đánh bắt được triển khai tương đối đồng bộ. Triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển kinh tế thủy sản, đến nay đã có 08 tàu vay được vốn ngân hàng (05 tàu vỏ thép và 03 tàu vỏ gỗ, trong đó có 06 tàu đã hạ thủy). Từ năm 2013 đến nay, từ nguồn Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam đã hỗ trợ cho ngư dân Thăng Bình vay đóng mới được 13 tàu với tổng số tiền 19,5 tỷ đồng; ngoài ra, từ nguồn khuyến khích nông nghiệp của huyện đã hỗ trợ kinh phí nâng cấp, cải hoán, thay máy cho 5 tàu có công suất từ 250cv trở lên. Sản lượng khai thác hải sản hằng năm đều tăng, năm 2015 đạt trên 17.500 tấn, đạt 132,8% KH, góp phần đưa tổng giá trị ngành thủy sản chiếm 28,86% tỷ trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện. Đến nay, huyện đã thành lập được 02 nghiệp đoàn nghề cá, 41 tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển, 06 tổ hợp tác nghề cá hoạt động trong các lĩnh vực khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá. Đào tạo được 08 lớp thuyền trưởng, máy trưởng hạng IV cho 287 ngư dân và 02 lớp vận hành tàu vỏ thép cho 80 ngư dân. Những kết quả đó đã thể hiện trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo vệ ngư dân hoạt động ở khơi xa, góp phần tăng thu nhập và làm cho đời sống người dân vùng biển ngày càng khởi sắc.

Lễ bàn giao tàu võ thép cho ngư dân xã Bình Minh
Giáp pháp thời gian đến
Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển đối với phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo; bám sát thực tiễn tình hình, không ngừng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với trình độ nhận thức của từng đối tượng, chú trọng mở rộng phạm vi tuyên truyền. Tập trung tuyên truyền, quán triệt kịp thời, đầy đủ, sâu sắc những nội dung có liên quan đến biển đảo Việt Nam trong các văn kiện, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, quan điểm, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước ta về các vấn đề có liên quan đến biển đảo, Luật Biển năm 1982,... Đặc biệt, chú trọng nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các xã ven biển, nhận thức rõ tính chất phức tạp của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình hiện nay. Các địa phương ven biển tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và lợi ích thiết thực của ngư dân khi tham gia tổ, đội đoàn kết khai thác hải sản trên biển. Tích cực phối hợp mở các lớp tập huấn, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cũng như các kỹ năng phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và kiến thức pháp luật về biển cho ngư dân. Qua đó phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và của cả hệ thống chính trị, đoàn kết, chung sức đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngoài ra, song hành với các nhiệm vụ đó, nhận thức tầm quan trọng và lợi thế của địa phương về phát triển kinh tế biển, thời gian đến huyện Thăng Bình sẽ tập trung phát triển ngành thuỷ sản theo hướng chất lượng và bền vững. Đổi mới cơ cấu đội tàu, nghề khai thác sản xuất vùng biển xa bờ. Củng cố và phát triển các mô hình tổ chức sản xuất khai thác thuỷ sản. Vận động ngư dân chuyển tàu cá vỏ gỗ sang vỏ thép, vật liệu mới, phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, giảm số lượng tàu khai thác gần bờ. Quy hoạch tổng thể và chi tiết vùng nuôi tôm ven sông Trường Giang, trên cơ sở đó chỉnh trang lại vùng nuôi, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi. Từng bước thay đổi hình thức nuôi sang thâm canh theo tiêu chuẩn VietGap, nhằm tăng năng suất và chất lượng, tạo sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tổ chức sản xuất theo hình thức kinh tế tập thể, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong vùng, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế, cải thiện bộ mặt nông thôn ven biển.
Phát huy được tiềm năng về tài nguyên biển và vùng ven biển huyện Thăng Bình không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của huyện, tỉnh mà còn góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.