Diễm mang bệnh từ lúc em còn rất nhỏ, bà Nguyễn Thị Phượng, mẹ Diễm cho hay, khi sinh em ra được ba tháng thì bắt đầu có triệu chứng co giật, sốt cao đột ngột. Tất cả những dấu hiệu đó được bác sĩ kết luận Diễm mắc căn bệnh viêm não Nhật Bản. Mỗi lần đi lại rất khó khăn, cứ đi nhiều, vận động nhiều là chân tay co rút, gập duỗi đau đớn. Cứ thế, suốt 6 năm ròng, Diễm đến trường trên lưng của mẹ. Từ ngày bước vào học cấp hai, bệnh tình có vẻ thuyên giảm, những cơn đau đầu cũng hạn chế, em có thể tự mình đến lớp. Ba năm trở lại đây, căn bệnh trở về hành hạ em. “Hè năm học lớp 10, bỗng nhiên em lên cơn đau quằn quại ở đầu, căng đầu, mồ hôi toát nhễ nhãi”- Diễm nhớ lại. Giữa lúc khó khăn đó bà Phương lại nằm liệt giường vì đau thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm. Mẹ không đi làm được, tiền học phí, tiền ăn hàng ngày chẳng còn ai lo; nghĩ rồi thương mẹ, thương em, Diễm quyết định vừa đi học vừa đi làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống cho ba mẹ con. Một ngày của Diễm bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc vào 12 giờ đêm. Tan học, cô bé đạp xe ù về nhà lo cơm trưa, cho bò, cho heo ăn rồi lại đạp xe đi làm thêm ở các cơ sở sản xuất nấm rơm. Tầm 5 giờ chiều, Diễm ra ngã ba Bình Trị (xã Bình Trị), ở đây cứ tối lại tấp nập hàng quán nhậu nên em ra đây với hi vọng ai kêu gì làm nấy, chỉ mong kiếm thêm được ít đồng giúp mẹ. Vất vả là thế, nhưng tối về em vẫn cố hoàn thành xong bài vở rồi mới có thể yên tâm đi ngủ. “ Sắp đến kỳ thi THPT quốc gia nên em bận bịu hơn với việc học, lỡ nhiều “cuốc” làm thêm, em tiếc lắm”- Diễm chia sẻ. Đối với cô gái Nguyễn Thị Diễm, việc học là quan trọng nhưng việc đi làm kiếm tiền cũng quan trọng không kém. Bởi em không lo thì cũng không ai lo cho gia đình em. Tết vừa rồi, em dành trọn những ngày nghỉ của mình, lặn lội vào tận thành phố Tam Kỳ làm phục vụ trong quán cà phê. Mặc cho bạn bè tụ tập đi chơi, em cứ quần quật với công việc của mình. Phải lo toan, tính toán nên nhìn Diễm có vẻ già dặn hơn các bạn đồng trang lứa. Năm ngoái, sau khi nhận được học bổng 500 ngàn đồng, em vui mừng khoe với mẹ rồi quyết định dùng số tiền đó mua một con heo nái. Đến nay, heo đã đẻ một lứa 7 con. Diễm cho hay, đàn heo này em sẽ nuôi để dành làm phí đi thi, mua thuốc cho mẹ, mua sữa cho đứa em.
Nhiều lúc suy nghĩ nhiều quá, đầu em lại đau, sắp thi, sợ áp lực bài vở sẽ khiến bệnh tình tái phát. Khi đó bao cố gắng, bao ước mơ từ trước đến giờ của em sẽ đổ sông đổ biển. Nhiều hôm học thi cuối kì, vì quá căng thẳng thế là đầu chuyển cơn đau . Kiến thức dù đã nắm vững nhưng những lúc như vậy em không tài nào nhớ trôi chảy để làm bài. Hoàn cảnh éo le là vậy, cuộc sống mưu sinh ngày này qua tháng nọ cứ thế trôi qua. Dù khó khăn nhưng Diễm luôn cố gắng, trong tất cả mọi việc, 11 năm liền là học sinh giỏi, liên tục nhận các suất học bổng từ nhà trường và các tổ chức từ thiện. Mới đây, em được tặng chiếc xe đạp, Diễm rất vui vì từ nay đã có xe đi học, đi làm đỡ vất vả.
Vốn có niềm đam mê với môn lịch sử, những gì thuộc về môn học này Diễm đều nắm chắc. Em nuôi ước mơ trở thành nhà báo, với em đơn giản chỉ để đi và viết về những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh khó khăn. Nhưng rồi nghĩ về tiền học phí em lại chạnh lòng, cố hướng ước mơ của mình sang ngành sư phạm. Nhận xét về cô học trò đầy nghị lực này, thầy Đinh Văn Nhân, hiệu trưởng trường THPT Lý Tự Trọng xúc động nói: “Ở tuổi của em Diễm phải cáng đáng cả một gia đình ba người là một gánh nặng quá lớn, nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất như miễn các khoản thu hay dành tặng các suất học bổng cho em và thường xuyên động viên về tinh thần để em có thể tiếp tục đến trường.”
Một ngày của Diễm vẫn tất bật giữa trường, nhà và nơi làm thêm. Cô học trò có thân hình nhỏ nhắn nhưng nghị lực không hề nhỏ ấy vừa mải mê với những công việc làm thêm như một “thợ đụng”, vừa miệt mài với con chữ khi đêm về. Và thỉnh thoảng những cơn đau cứ quằn quại hành hạ không ngơi nghỉ. Nhưng ở em vẫn hằng lên một niềm tin mãnh liệt về một ngày không xa được là sinh viên, được đặt chân trên giảng đường Đại học.
Ngoài giờ học trên lớp Diễm trở về tất bật với công việc nhà. Ảnh: Dung Thùy