Sớm nảy trong mình tình yêu tin học cùng đam mê sáng tạo, với bề dày thành tích về tin học, mới đây Võ Trung Thiên Tường (trường THPT Lý Tự Trọng) lại ẵm về giải nhất “Dự án thiết bị chuyển đổi văn bản trên máy tính thành chữ Braile cho người khiếm thị”. Với một đề tài nghiên cứu mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc cộng với bài thuyết trình xuất sắc, Tường đã chinh phục được ban giám khảo cuộc thi. Tường cho biết dự án của em chào đời sau 7 tháng tiến hành nghiên cứu và thực hiện, là sản phẩm thể hiện sự quan tâm đến những người kém may mắn trong cuộc sống. Theo như ước tính giá thành sản phẩm chỉ tầm 1 triệu đồng nhưng đáp ứng nhu cầu sử dụng rộng rãi. Nói về lý do chọn đề tài Tường chia sẻ: “Cơ duyên thôi thúc em nghĩ ra đề tài rồi cất công mày mò nghiên cứu cũng bởi lẽ, từ nhỏ em đã tiếp xúc với người chú bị khiếm thị ở gần nhà, hàng ngày chứng kiến chú Thái khó khăn trong việc viết chữ nổi từ đó em bỗng nảy ra ý định mình phải làm một cái gì đó”. Từ thực tiễn quá trình nghiên cứu, nhận thấy có thể dùng công nghệ tạo ra thiết bị chuyển đổi ký tự ngôn ngữ thành chữ ký tự nổi để giúp cho người khiếm thị có thể tự thu thập thông tin từ cuộc sống qua mạng Internet. Thiết bị chuyển đổi văn bản trên máy tính thành chữ Braile cho người khiếm thị có thiết kế khá đơn giản, gọn nhẹ nhưng vẫn đầy đủ tính năng chuyển ký tự ngôn ngữ thành ký tự nổi. Cấu tạo của sản phẩm gồm phần mềm kết nối với thiết bị được lập trình dựa trên ngôn ngữ C# và phần thiết bị cơ khí nhận lệnh từ máy tính tạo chữ nổi (vi điều khiển arduino để điều khiển các động cơ, động cơ bước để điều khiển trục X và trục Y, hai mạch điều khiển động cơ bước TP6560, một servo mg995 có chức năng tạo lỗ và một bộ nguồn 12V). Để vận hành sản phẩm chỉ cần cắm nguồn khởi động thiết bị sau đó chọn cổng nháy APPECT nhập văn bản vào phần mềm, tiếp đó là khâu xử lý văn bản thông qua nút SEND trên phần mềm thiết bị sẽ tự động xử lý để chuyển dữ liệu, cuối cùng là bấm nút in trên thiết bị để in văn bản. Ngày được xướng tên đạt giải Tường vui đến phát khóc. Chuỗi ngày thức đêm lắp lắp, ráp ráp cuối cùng cũng được công nhận. Thậm chí, đêm trước khi đưa sản phẩm đi dự thi, cắm điện chạy thử, nó gặp sự cố. Bứt tóc, gãi tai, nản chí nhưng rồi lại cố gắng làm lại từ đầu. Không dừng lại ở đó, trong thời gian tới, Tường quyết tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa chữa máy hoạt động hợp quy cách hơn, đọc được văn bản Tiếng Việt để tặng hội người mù huyện Thăng Bình. Hi vọng một ngày không xa, những quyết tâm của em sẽ sớm thành sự thật để người khiếm thị bớt vất vả hơn trên hành trình đến với con chữ.
Có lẽ với người đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật như Tường, niềm vui rõ nét nhất chính là ở tính khả thi của dự án khi đưa vào thực tế, là những sản phẩm mà khi cầm trên tay người ta không khỏi xuýt xoa, trầm trồ bởi tính chính xác và tiện dụng.
Ảnh: Tường bên sản phẩm vừa đoạt giải. Ảnh: Dung Sương