Chi tiết tin

A+ | A | A-

Kỷ niệm 106 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3- Bác Hồ với quyền bình đẳng của phụ nữ

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 9:48 | 04/03/2016 Lượt xem: 2705

Để phụ nữ thật sự có quyền bình đẳng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu từ cả hai phía: Các tổ chức Đảng, Chính quyền và bản thân người phụ nữ.

Từ quan điểm của Bác Hồ về quyền bình đẳng của nữ giới

          Tháng 10-1946 bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chính thức được ban hành, quyền bình đẳng giữa nam và nữ được công nhận. Hồ Chủ tịch nói: “Bản Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới phụ nữ Việt Nam đã đứng ngang hàng với đàn ông để hưởng mọi quyền công dân”.

          Khi quyền nam nữ bình đẳng được công bố và thừa nhận, có người lầm tưởng rằng việc giải phóng phụ nữ như vậy đã được giải quyết, do đó thi hành luật pháp có thể là dễ dàng, thuận lợi. Hồ Chủ Tịch đã sáng suốt chỉ ra rằng, con đường đấu tranh để thực hiện quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ khó khăn và lâu dài.

          “Nhiều người lầm tưởng đó là việc dễ chỉ: hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát, thế là bình đẳng, bình quyền. Lầm to! Đó là một cuộc cách mạng to và khó”.

Hồ Chí Minh chỉ rõ: Muốn giải phóng người phụ nữ không chỉ thực hiện một sự phân công mới, bình đẳng giữa vợ và chồng trong những công việc gia đình, mà cái căn bản là phải có sự phân công, sắp xếp lại lao động của toàn xã hội,đưa phụ nữ tham gia vào nhiều ngành nghề như nam giới. Cần tổ chức lại đời sống công nông cũng như sinh hoạt gia đình để phụ nữ giảm nhẹ công việc bếp núc, chăm lo con cái, có điều kiện tham gia sản xuất, học tập nâng cao trình độ mọi mặt. Từ đó, chị em mới có đủ khả năng làm nhiều công việc chuyên môn và đảm nhiệm được những chức vụ công tác ngang hàng với nam giới. Đó là một cuộc cách mạng thực sự lớn.

          Trước đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ đã cùng toàn dân đứng lên lật đỗ chính quyềt đế quốc và phong kiến tay sai, giành lại độc lập, tự do và thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân. Chính quyền mới do nhân dân lập ra, bảo đảm quyền tự do, dân chủ cho người lao động và bảo vệ quyền bình đẳng cho phụ nữ. Vì vậy, ngày nay chị em hết sức ủng hộ chính quyền cách mạng là lẽ tất nhiên.

          Những muốn biến quyền bình đẳng giữa nam nữ, từ một luật lệ trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống, biến ý thức tôn trọng phụ nữ thành nếp sống đạo đức của mọi người thì đòi hỏi sự nỗ lực hết sức to lớn của toàn dân, của tất cả phụ nữ để xây dựng một xã hội mới, một kiểu người mới xã hội chủ nghĩa. Hồ Chủ tịch nêu rõ: Muốn thực hiện tốt quyền bình đẳng của phụ nữ phải có sự tiến bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, pháp luật của nước ta. Phụ nữ phải hi sinh xương máu, lao động gian khổ, góp phần đẩy mạnh sự phát triển công nghiệp và nông nghiệp, giáo dục và y tế, xây dựng một đất nước giàu mạnh, phồn vinh, một nền văn hóa, khoa học tiên tiến.

          Trong bức thư gửi phụ nữ nhân dịp kỷ niệm Hai Bà Trưng và Quốc tế Phụ nữ 8-3-1952, Hồ Chủ tịch đã viết:

          “Nhân dịp 8-3 tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sỹ đã hi sinh cho Tổ quốc. Tôi kính chúc các bà mẹ có con trong bộ đội và các bà mẹ cùng vợ con của các liệt sĩ. Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng”.

          Người rất xúc động trước tinh thần yêu thương chiến sĩ của các bà, các cụ trong các Hội chiến sĩ ở các địa phương. Người tỏ lòng biết ơn và nhắc nhở các chiến sĩ phải hiếu với mẹ nuôi bằng cách giết giặc lập công.

          Trong thư gửi các Hội mẹ chiến sĩ, Người viết: “Các chiến sĩ thì sẵn sàng hy sinh gia đình, hy sinh tính mệnh đi giết giặc cứu nước, bảo vệ đồng bào. Các cụ, các bà thì thương yêu săn sóc chiến sĩ như con cháu ruột thịt. Thế là các cụ, các bà cũng trực tiếp tham gia kháng chiến... Chẳng những các chiến sĩ mà tôi và Chính phủ cũng biết cám ơn các cụ, các bà”.

Đến quyền bình đẳng của phụ nữ ngày nay

          Cùng với sự phát triển của công cuộc kháng chiến và kiến quốc, quyền bình đẳng của phụ nữ trên nhiều mặt được dần dần thực hiện. Trong cải cách ruộng đất, phụ nữ nông dân đã được chia ruộng đất như nam giới; trong các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước, phụ nữ làm việc ngày càng đông và được hưởng quyền lợi ngang hàng nam giới; trong các ngành y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học phụ nữ được học tập, đào tạo bồi dưỡng rộng rãi, không có sự hạn chế nào ngăn cản việc phát triển tài năng của chị em. Nhưng cũng phải thấy rằng phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện quyền bình đẳng của chị em do trình độ phát triển chung của cách mạng Việt Nam.

               Thành tựu đổi mới của đất nước đã và đang tạo tiền đề quan trọng cho phụ nữ Việt Nam thêm cơ hội thực hiện quyền bình đẳng và phát triển. Cũng nhờ những cố gắng tự thân, nỗ lực bền bỉ, vượt lên những khó khăn và cả những định kiến về giới mà vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam hôm nay đang ngày càng được khẳng định. Phụ nữ Việt Nam ngày càng có nhiều đóng góp to lớn hơn trên các mặt đời sống, đặc biệt là trong lĩnh vực tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội đã được nâng dần lên. Quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng được thực hiện đầy đủ hơn. Phụ nữ Việt Nam xứng đáng với những đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ!” .

Tuy nhiên, trong bước chuyển mới của đất nước, chúng ta “mở cửa” để hội nhập và phát triển, để đón thời cơ trong một thế giới đầy biến động. “Cửa mở” cũng là cơ hội thâm nhập, những thách thức lớn đối môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội, ảnh hưởng đên chất lượng sống của con người Việt Nam. Việc đẩy những giá trị cá nhân lên quá cao đến mức cực đoan, thoát ly những giá trị văn hoá gia đình và cộng đồng truyền thống (mặc dù tốt đẹp) đã và đang dẫn tới những hậu quả khôn lường.

Những phụ nữ “hiện đại” phát triển theo hướng này đã hoàn toàn không còn những nét đẹp truyền thống. Việc hiểu một cách máy móc và không đầy đủ về sự bình đẳng và quyền bình đẳng đã dẫn đến sự bình quân, đến cách phân chia quyền lợi và nghĩa vụ của những người trong gia đình một cách gần như cơ học; sự tính toán lạnh lùng đang dần thay thế cho tình yêu thương, tâm lý đám đông lấn át sự tinh tế, thói vô cảm chiếm chỗ của tấm lòng sẻ chia, đùm bọc, thông cảm và vị tha... Đó không chỉ là bi kịch của mỗi cá nhân, trong mỗi gia đình, nếu không được ngăn chặn sẽ trở thành bi kịch mang tính xã hội. Đây là những nhiệm vụ khó khăn đang đặt ra trước mỗi người có trách nhiệm và lương tâm với tương lai, trong đó có phần quan trọng của những người phụ nữ hiện đại ngày nay.

Chính vì lẽ ấy, Đảng và nhà nước luôn coi trọng vai trò, vị trí của phụ nữ trong quá trình phát triển của xã hội. Nhiều Nghị quyết, chủ trương lớn về công tác phụ nữ được ban hành, triển khai và đi vào thực hiện nhằm định hướng các phong trào phụ nữ đi đúng quỹ đạo chung trên tiến trình phát triển xã hội, đồng thời tạo dựng môi trường thuận lợi để phụ nữ không ngừng phát huy năng lực sáng tạo, công hiến ngày càng nhiều hơn sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tác giả: Nhật Quang - Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Thăng Bình

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031265103