Vạn thế sư biểu – Chu Văn An
Ngược dòng thời gian trở về hơn 600 năm trước để cùng tìm hiểu về một người thầy lỗi lạc mà nhân dân đời đời ngưỡng mộ, cả cuộc đời ông là sự cống hiến “làm thầy giỏi của một thời đại, để đạt tới thầy giỏi của muôn đời”.

Đó là thầy Chu Văn An – người đã có công lớn trong việc xây dựng Quốc Tử Giám, được xem là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, người dạy dỗ Vua Trần Hiển Tông và đào tạo ra những vị quan có tài và thanh liêm cho triều đình nhà Trần.
Chu Văn An (1292 – 1370) là một người thầy mẫu mực trong lịch sử đất nước ta. Từ trước đời Trần có biết bao nhiêu người thầy với những cống hiến lớn lao và các triều đại về sau còn nhiều những bậc tôn sư đạo cao đức trọng, thế nhưng không ai có thể so sánh được với Chu Văn An. Người thầy này có nhiều điều đáng quý: Ông đã dạy các lứa học trò từ bậc cao nhất cho đến lớp học trò bình thường ở nông thôn. Nội dung dạy học của ông ngày nay không còn được biết đến một cách đầy đủ, nhưng chắc chắn ông đã nỗ lực giảng giải học thuyết kinh điển của Nho gia, tạo điều kiện cho lý thuyết Khổng - Mạnh dần dần chiếm thế độc tôn. Về phương pháp dạy học, Chu Văn An có một phong cách đặc biệt hấp dẫn, khiến cho mọi người đều phải kinh nể, tôn phục. Tài liệu xưa còn ghi lại, ông rất nghiêm nghị và gương mẫu. Những học trò cũ đã làm quan trong triều như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát lúc về thăm ông vẫn phải khép nép giữ gìn, và sau khi có điều gì chưa đúng phép, ông vẫn nghiêm khắc dạy bảo. Sự nghiêm minh này càng khiến ông được học trò kính mến hơn. Sinh thời, Chu Văn An luôn luôn được dân chúng ca ngợi về phẩm chất thanh cao tuyệt vời của mình. Ông được tôn là Vạn thế sư biểu - người thầy chuẩn mực của Việt Nam muôn đời. Sau khi ông qua đời, triều đình đã đưa ông vào thờ ở Văn Miếu, xem ông ngang hàng với những bậc Thánh hiền ngày xưa. Trần Nguyên Đán đánh giá về những đóng góp của ông: nhờ có ông mà “bể học xoay làn sóng, phong tục trở lại thuần hậu”. Nhà sử học Ngô Sỹ Liên đời Lê Thánh Tông đã phải khen: “… Những nhà Nho ở nước Việt ta được dùng ở đời không phải không nhiều, có kẻ chỉ nghĩ đến công danh, kẻ thì chuyên lo về phú quý, kẻ lại a dua với đời, có kẻ chỉ biết ăn lộc giữ thân. Người chịu để tâm đến đại đức, suy nghĩ đến việc giúp Vua nêu đức tốt cho dân được nhờ ơn, Chu Văn An ở đời Trần có lẽ gần được như thế…”. Sự liêm khiết, chính trực và công tâm của Thầy giáo Chu Văn An cũng nhắc nhở những thế hệ nhà giáo luôn vì sự tiến bộ của giáo dục, sự nâng cao dân trí mà không ngừng phấn đấu để làm phong phú và dồi dào nguồn nguyên khí quốc gia. Không phải chỉ 6 thế kỷ qua, mà hàng thiên niên kỷ sau có lẽ người ta vẫn không thôi nhớ đến vị Thánh văn suốt đời chở đạo này bởi những công lao và tiếng thơm về ông đã khắc sâu trong tâm tưởng mỗi con dân Việt từ thủa ấu thơ.
Tuyết Giang phu tử - Nguyễn Bỉnh Khiêm
Một cây đại thụ tỏa rợp bóng ở thế kỷ XVI – Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) một danh nhân văn hóa, một nhà thơ lớn, một bậc hiền triết, một nhà tiên tri đại tài mà còn là một nhà giáo vĩ đại, một bậc sư biểu được người đời tôn vinh, ngưỡng mộ. Hơn bốn mươi năm lui về Bạch vân am dạy học là hơn 40 năm ông dồn hết tâm huyết đào tạo nhiều tri thức lớn cho đất nước. Học trò của ông đều là những nhân tài xuất chúng, văn võ song toàn như Phùng Khắc Khoan, Lý Hữu Khánh, Nguyễn Quyện…Danh tiếng và tài năng của trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và trường Bạch vân bên dòng Tuyết Giang vang dội khắp nơi. Ông được các môn sinh tôn là “Tuyết Giang phu tử” - Một danh xưng tôn kính cho những bậc sư biểu đức độ. Khi ông mất, Đinh Thì Trung đã thay mặt các đồng môn để tế viếng, ngợi ca người thầy vĩ đại - vị sư biểu Việt Nam thế kỷ XVI trong bài văn tế “Môn sinh tế Tuyết Giang phu tử văn”. Bài văn tế đã khẳng định tài năng, đức độ và phẩm chất của Nguyễn Bỉnh Khiêm là sự hun đúc những gì tinh hoa nhất, đẹp đẽ nhất của khí thiêng sông núi: “Đông hải chung anh; Nam sơn dục tú”, và chẳng chịu thua nhường người xưa. “Tuyết Giang phu tử” đã ngời sáng tư cách đạo đức, uy tín và tài năng của một nhà giáo toàn diện thời kỳ Nam – Bắc triều, “một đại cổ thụ lớn” trong nền giáo dục Việt Nam. Đó là một tấm gương sáng mãi muôn đời.
Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh (1890 – 1969) vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc, vĩ nhân của thời đại. Người là hiện thân của những giá trị vĩnh hằng, trong đó có giá trị về tấm gương của một bậc thầy lỗi lạc, người thầy trực tiếp đứng trên bục giảng truyền thụ tri thức cho bao thế hệ.
Trước khi sang Pháp tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã dừng chân dạy học ở trường Dục Thanh (Phan Thiết) với tên gọi là thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Với tinh thần giác ngộ cách mạng sớm, trên bục giảng, thầy Thành hết lòng truyền đạt tri thức và tư tưởng tiến bộ, gieo vào tâm trí thế hệ tương lai một nỗi niềm trăn trở về vận mệnh đất nước. Thầy dạy: "Chữ là mắt. Người không có chữ coi như bị mù. Không có chữ con người ta bé nhỏ trước tất cả và mãi mãi sẽ là vật sai khiến, vật hi sinh của bọn thống trị. Cho nên các trò phải học, học chữ để nên người, để giúp dân cứu nước". Sau này, khi hoạt động ở nước ngoài cũng như trong nước, Hồ Chí Minh đã giảng dạy ở nhiều lớp huấn luyện, đảm nhận nhiều môn học khác nhau như chính trị, ngoại ngữ, lịch sử, văn chương... Học trò của Người thuộc nhiều đối tượng: già trẻ, trai gái, miền xuôi, miền ngược, trong nước, ngoài nước. Bục giảng của thầy có lúc là một trường tiểu học, có khi là một trường đại học hay bất cứ nơi đâu trên con đường công tác. Người thực sự là một thầy giáo cách mạng đầu tiên. Nhiều học trò của Người sau đó cũng là những thầy giáo, những nhà giáo dục đi sâu vào phong trào quần chúng vừa dạy văn hóa, vừa tuyên truyền cách mạng cho đồng bào… Từ người thanh niên yêu nước trở thành người thầy dạy học, người thầy cách mạng, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã sống cuộc sống người thầy đẹp đẽ như thế. Một người thầy luôn có tấm lòng yêu nước, thương dân, tâm huyết với “sự nghiệp trồng người” và sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tư tưởng, lối sống và tấm lòng yêu thương nhân dân tha thiết của người trở thành những bài học quý báu và là tấm gương sáng cho nhân cách của nhiều cán bộ và người thầy người cô học tập và noi theo.
Thời gian cứ trôi đi và bốn mùa mãi luân chuyển tuần hoàn theo một vòng xoay quy luật của tạo hóa. Con người chỉ xuất hiện một lần trong đời và cũng chỉ một lần ra đi mãi mãi. Nhưng những người thầy vĩ đại ấy luôn là tấm gương sáng ngời cả về tri thức và nhân cách của mình. Chính họ đã tạo nên hình ảnh thật đẹp về người thầy để thế hệ trồng người hôm nay và mai sau luôn răn mình, luôn nhớ ơn và cố gắng phát huy gìn giữ./.