Tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đây là một Nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt đối với nước ta trong tình hình hiện nay.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người ở Thăng Bình đã có những chuyển biến tích cực, đạt kết quả đáng khích lệ. Nhận thức về văn hóa của các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành, đơn vị và nhân dân được nâng lên. Nhiều vấn đề về văn hóa được nhìn nhận sâu hơn. Vai trò của văn hóa ngày càng thể hiện rõ hơn trong đời sống xã hội, xây dựng con người mới. Dân chủ trên các lĩnh vực đời sống xã hội được mở rộng. Nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành. Xuất hiện nhiều tấm gương đạo đức tốt đẹp, sống lương thiện, đề cao trách nhiệm, lương tâm vì lợi ích chung của cộng đồng, xã hội. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú. Môi trường văn hóa đạt được một số tiến bộ. Cuộc vận động xây dựng quỹ tình nghĩa, quỹ vì người nghèo, chăm sóc Mẹ VNAH, người có công… đã khơi dậy tinh thần đoàn kết và nét đẹp văn hóa của dân tộc ta. Nhiều phong trào hoạt động văn hóa đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực, phát huy được truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng… Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa. Công tác quản lí nhà nước về văn hóa được tăng cường. Đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ có bước trưởng thành.
Bên cạnh những kết quả đạt được nói trên, việc xây dựng và phát triển văn hóa cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém. Văn hóa chưa thật sự trở thành mục tiêu và động lực của sự phát triển. Đời sống văn hóa tinh thần ở một số nơi còn nghèo nàn, đơn điệu. Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh. Hệ thống thiết chế văn hóa thông tin, thể dục thể thao còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí và thụ hưởng văn hóa của nhân dân. Công tác quy hoạch đất đai cho sự nghiệp văn hóa, thông tin, thể dục thể thao còn chậm, mức đầu tư kinh phí cho sự nghiệp văn hóa còn thấp. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chất lượng, hiệu quả còn thấp, thiếu bền vững, còn nặng bề nổi, chưa thật sự quan tâm đến chiều sâu của phong trào. Tỷ lệ thôn, tổ chức dân phố đạt danh hiệu văn hóa hằng năm còn thấp. Việc xây dựng xã, thị trấn văn hóa chưa được quan tâm. Công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa còn hạn chế nên nhiều di tích xuống cấp chưa được sửa chữa kịp thời. Phát triển Văn học nghệ thuật trên địa bàn huyện còn hạn chế, các tác phẩm văn học nghệ thuật viết về địa phương còn ít, chủ yếu là các tác phẩm âm nhạc, nhiều tác phẩm chất lượng chưa cao. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa còn thiếu, trình độ năng lực còn hạn chế, nhất là cán bộ cơ sở kiêm nhiệm nhiều công việc, thiếu tập trung cho lĩnh vực chuyên môn nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của sự nghiệp văn hóa.
Từ những kết quả và hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương… cần tập trung đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 33 của Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết đạt kết quả, ngày 16/9/2014 Huyện ủy Thăng Bình đã ban hành Chương trình hành động số 38-CTr/HU về thực hiện Nghị quyết 33- NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Yêu cầu xây dựng và phát triển huyện trong những năm tới đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng phải tăng cường và nâng tầm lãnh đạo trên lĩnh vực văn hóa. Để thực hiện có hiệu quả 6 nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp của Nghị quyết số 33-NQ/TW, cần nhấn mạnh đến việc nâng cao hiệu quả của các cấp ủy, tổ chức Đảng trên lĩnh vực văn hóa.
Trước hết, phải nhận thức đúng đắn về vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa trong việc bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người. Bởi văn hóa là sản phẩm của con người, con người là chủ thể của văn hóa. Nói về văn hóa cũng là nói về con người vì văn hóa là của con người, do con người, vì con người. Tuy nhiên, trong thực tế, không ít trường hợp đã hiểu sai lệch, coi văn hóa là những công việc, những hoạt động trên lĩnh vực văn hóa (như múa hát, biểu diễn, lễ hội…) không tập trung cho mục tiêu trọng tâm, cốt lõi là xây dựng con người. Chính vì vậy, Nghị quyết 33 của Hội nghị TW 9 lần này có thêm một quan điểm khẳng định vấn đề trọng tâm, cốt lõi của xây dựng văn hóa là xây dựng con người.
Xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới với những đức tính sau: Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung; có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương, phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái. Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có ý thức, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội. Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực.
Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc.
Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ. Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn.
Tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên. Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người. Bảo đảm quyền hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân và của cộng đồng.
Nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. có giải pháp khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam.
Thường xuyên chăm lo việc nâng cao nhận thức, hiểu biết về lý tưởng cách mạng, về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng và tình hình đất nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; chú trọng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ văn hóa. Tăng cường phát triển Đảng trong bộ phận trí thức, văn nghệ sĩ để từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo xây dựng và phát triển văn hóa.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng vừa bảo đảm cho văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm thực hiện quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo văn hóa, văn học nghệ thuật, khoa học và công nghệ trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn.
Ngoài ra, phải phát huy đông đủ vai trò của các đoàn thể quần chúng, các tổ chức sáng tạo văn hóa - văn nghệ trong việc vận động, tổ chức quần chúng, giới trí thức thực hiện nhiệm vụ văn hoá, làm chủ văn hóa.
Để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng về văn hóa, phải chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một số ít cán bộ, công chức.
Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, coi đây là nhiệm vụ rất quan trọng và thường xuyên, qua đó để giáo dục, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng.
Tập trung củng cố và xây dựng đội ngũ cán bộ trên lĩnh vực văn hóa, chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức tốt để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao./.