Trong những hoạt động này vấn đề cốt lõi là phải quan tâm đến lợi ích chính đáng của nhân dân. Vấn đề tưởng như đơn giản, dễ làm nhưng thực tế đến nay nhiều lúc, nhiều nơi vẫn làm chưa tốt. Bên cạnh số đông cán bộ đảng viên vẫn giữ được phẩm chất cách mạng và gắn bó với nhân dân, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên mang nặng bệnh quan liêu, mệnh lệnh, xa rời quần chúng, nạn tham ô, hối lộ vẫn còn xảy ra. Không ít đoàn thể cũng bị quan liêu hoá, hành chính hoá, không chịu đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tập hợp các tầng lớp nhân dân, làm giảm sự gắn bó của nhân dân với Đảng và Nhà nước... những hiện tượng đó là tiếng chuông cảnh báo để chúng ta phải làm tốt hơn nữa công tác dân vận. Để nâng cao hiệu quả của công tác dân vận bên cạnh việc hoàn thiện chủ trương, chính sách cho phù hợp với thực tiễn đang đặt ra còn phụ thuộc rất lớn vào phương thức tiến hành dân vận. Trong phạm vi bài viết này xin chỉ đề cập đến một số nội dung đổi mới phương thức dân vận nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay: Thứ nhất, đổi mới từ phía chủ thể dân vận Trong giai đoạn đổi mới, đòi hỏi chủ thể dân vận phải nhận thức được lợi ích của đổi mới theo chiều sâu lớn hơn bao giờ hết, khác với đổi mới theo chiều rộng chỉ đòi hỏi nhiều người sử dụng mệnh lệnh hành chính hoặc mệnh lệnh độc đoán, đổi mới theo chiều sâu đòi hỏi sự ủng hộ lớn hơn nhiều từ công chúng để vượt qua những lợi ích cục bộ. Vì vậy đòi hỏi giới lãnh đạo phải huy động được sức mạnh của người dân để phát triển đất nước. Điều đó yêu cầu chủ thể dân vận phải là trung tâm kết nối giữa người dân với Đảng và Nhà nước. Muốn làm được điều đó đòi hỏi phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền và trách nhiệm, phân công và phối hợp giữa các bộ phận trong hệ thống chính trị đối với công tác dân vận. Hiện nay bộ máy dân vận của Đảng gồm Ban dân vận Trung ương, ban dân vận các tỉnh, thành uỷ, huyện uỷ. Ở cơ sở có thường vụ đảng uỷ phụ trách công tác dân vận. Bộ máy dân vận của Đảng ngoài chức năng tham mưu cho Trung ương Đảng về công tác dân vận, còn có nhiệm vụ chỉ đạo các đảng đoàn, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện các mục tiêu dân vận. Nếu dựa vào tổ chức, bộ máy là chủ yếu thì phương thức dân vận của Đảng là sự tác động giữa tổ chức với tổ chức, đó là sự tác động của tổ chức Đảng đối với tổ chức công quyền (cơ quan quyền lực của nhân dân ). Bởi vì khi đã trở thành Đảng cầm quyền, mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân chủ yếu thể hiện ở mối quan hệ của chính quyền và nhân dân. Chính quyền nhà nước trở thành công cụ chủ yếu để thực hiện công tác dân vận. Muốn vậy, phải xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực sự là nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Nhà nước cần sớm thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng thành chính sách, pháp luật, tạo sự thu hút, tập hợp nhân dân. Nhà nước cần tạo mọi điều kiện để các đoàn thể và nhân dân tham gia xây dựng các thể chế, chính sách ngay từ khi đang còn dự thảo, lắng nghe ý kiến nhân dân trong quá trình thực hiện chính sách để điều chỉnh kịp thời. Sau khi có chủ trương, chính sách, pháp luật đúng, bộ máy nhà nước cần tổ chức điều hành theo chức năng của mình. Các cơ quan nhà nước cần chủ động liên kết, phối hợp với mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong khi tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, luật pháp và trong quản lý điều hành bởi chính quyền không thể một mình tổ chức thắng lợi các nhiệm vụ, chủ trương đã đề ra. Không thể chỉ bằng pháp luật, bằng ngân sách mà có thể thực hiện được các chủ trương, mà phải có sự phối hợp, hỗ trợ của các đoàn thể để tuyên truyền, giải thích về nội dung, ý nghĩa của chủ trương từ đó vận động và tổ chức nhân dân hành động. Qua hoạt động thực tiễn để thu thập ý kiến của đoàn viên hội viên, của nhân dân về xây dựng, bổ sung chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Vai trò và khả năng to lớn của các đoàn thể là ở chỗ nắm được tâm tư, tình cảm, ý kiến chân thật của đông đảo quần chúng nhân dân. Nâng cao vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện công tác vận động nhân dân: Mặt trận phải là diễn đàn để nhân dân có tiếng nói của mình góp với Đảng và Nhà nước. Các tầng lớp nhân dân trong xã hội đều có thể đến mặt trận để bày tỏ chính kiến của mình. Vì vậy, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân phải có trách nhiệm thực hiện tốt chức năng giáo dục, tư vấn, giám sát hoạt động của tất cả các tổ chức, tất cả các Đảng viên và công chức, cần phải làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết nhân dân, bảo vệ lợi ích cho nhân dân, bằng nhiều hình thức, biện pháp sinh động, phong phú nâng cao giác ngộ chính trị, đạo đức cách mạng và hiểu biết pháp luật cho nhân dân. Tập trung nâng cao trình độ và trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ bởi nếu đội ngũ cán bộ hạn chế, dân chủ và dân trí của xã hội chưa được nâng lên tương ứng thì khó thực hiện được phương thức dân vận tiên tiến, khó phát huy được tính tích cực, chủ động và sáng tạo của quần chúng. Vì vậy, đổi mới phương thức dân vận phải đồng thời nâng cao trình độ, nhận thức cho Đội ngũ làm công tác dân vận để thực hiện tốt các chức năng sau: + Phổ biến những thông tin chính thống, cần thiết cho công chúng. + Xây dựng lòng tin giữa chính phủ và người dân thông qua sự cởi mở và trung thực trong việc trao đổi thông tin và việc đối xử lịch thiệp với tất cả công dân. + Thường xuyên theo dõi ý kiến của người dân và truyền đạt những phát hiện của mình cho chính phủ. Thứ hai, đổi mới từ phía đối tượng dân vận Một giải pháp cơ bản không thể không đặt ra đó là nâng cao mặt bằng dân trí. Nâng cao dân trí là nhu cầu tất yếu của sự tồn tại và phát triển. Bởi vì con người là chủ thể lịch sử, với bàn tay và khối óc đã sáng tạo ra nền văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và ngày nay là văn minh tin học. Trong thời đại thông tin hiện nay vừa tạo ra những tiền đề, điều kiện chưa từng có để nâng cao dân trí vừa đòi hỏi dân trí phải được nâng cao không ngừng vì tri thức bùng nổ ngày càng nhanh và cũng nhanh chóng trở nên lỗi thời. Nâng cao trình độ dân trí là một trong những nội dung mang tính chiến lược trong việc đổi mới phương thức dân vận. Mạng thông tin phát triển mang đến cho con người những phương tiện và công cụ kỳ diệu để tiếp nhận, xử lý thông tin nhưng đồng thời cũng đòi hỏi năng lực tiếp nhận, xử lý thông tin của tư duy con người phải đạt đến trình độ mới cao hơn về chất thì con người mới có thể làm chủ được thông tin đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Vì vậy cần tiến hành một cuộc cải cách giáo dục toàn diện, sâu sắc cả về mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp tổ chức quản lý giáo dục - đào tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo theo kịp trình độ các nước tiên tiến trên thế giới. Gắn giáo dục - đào tạo với thực tiễn sản xuất và đời sống, hướng tới xã hội học tập, tạo cơ hội cho mọi người đều được học tập, học tập suốt đời, đủ năng lực để tiếp cận với tri thức khoa học, công nghệ hiện đại và khả năng tư duy độc lập. Thứ ba, đổi mới hình thức, quy trình, cách thức, phương pháp dân vận Công tác dân vận đòi hỏi phải gần dân, sát dân, song gần dân, sát dân trong giai đoạn hiện nay bên cạnh việc cán bộ các cấp theo định kỳ đi xuống cơ sở nghe báo cáo tình hình địa phương, thăm hỏi nhân dân, trong các dịp tiếp xúc cử tri, những dịp họp hội đồng nhân dân hay trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, làm việc với Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân… còn phải thường xuyên lắng nghe, phải lắng nghe được nhanh, kịp thời những ý kiến, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của nhân dân thông qua các kênh khác như việc mở ra các diễn đàn điện tử, giao lưu trực tuyến để thường xuyên "online" với dân để giải quyết các vấn đề thường nhật, điều đó có lợi cho cả 2 phía: Phía Đảng, chính phủ thì sẽ có điều kiện nắm bắt thêm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó để hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật cũng như công tác điều hành. Còn người dân thì có dịp để trình bày, kiến nghị những chính kiến của mình. Ngoài ra để tăng cường sự tương tác giữa người dân với Đảng và chính quyền một trong những phương thức dân vận có hiệu quả đó là mở ra các "Diễn đàn cử tri". Thông qua diễn đàn này người dân sẽ nêu ra chính kiến của mình với Đảng và Nhà nước về thực trạng tình hình địa phương và phản ánh cả những vấn đề mà người dân đang quan tâm đối với các ngành các cấp trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước nói chung, việc phát triển các mục tiêu kinh tế - xã hội ở địa phương nói riêng. "Diễn đàn cử tri" còn là một trong những biện pháp thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở trong địa bàn từng địa phương, đồng thời đáp ứng yêu cầu của việc đổi mới phương thức dân vận của Đảng ta hiện nay./.