Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giáo dục được thể hiện ở việc ngay sau khi đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Bác đã nêu ra nhiều nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết, trong đó có nhiệm vụ diệt giặc dốt, xóa nạn mù chữ cho toàn dân. Bác đã đặt vấn đề chống nạn dốt là vấn đề cấp bách thứ hai sau vấn đề chống nạn đói. Trong thư gửi đội ngũ giáo viên bình dân học vụ ngày 4 tháng 5 năm 1946, Bác Hồ biểu dương, khen ngợi: Anh chị em là những người “vô danh anh hùng”. Tuy là vô danh những rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em. Và trong Thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tháng 9.1945 Bác gửi gắm niềm tin của mình vào thế hệ trẻ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Bác cũng chỉ rõ nhiệm vụ của các em học sinh khi đất nước đã giành độc lập là “cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên toàn cầu”. Đầu năm 1946, trong một buổi gặp mặt với các nhà báo nước ngoài, Bác đã từng nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành...". Trong thư gửi Hội nghị Giáo dục toàn quốc họp từ ngày 10 - 15.7.1948 tại Việt Bắc, Bác Hồ viết: “Về vấn đề giáo dục, tôi có mấy ý kiến sau đây cống hiến với hội nghị: Chúng ta cần phải có một nền giáo dục kháng chiến và kiến quốc. … Chúng ta phải đào tạo cán bộ mới và giúp đỡ cán bộ cũ theo tôn chỉ của kháng chiến và kiến quốc. Về bình dân học vụ, nhờ sự hy sinh cố gắng của nam nữ giáo viên, đã có kết quả rất tốt đẹp. Bây giờ, số đông đồng bào đã biết đọc viết thì chúng ta phải có một chương trình để nâng cao thêm trình độ văn hóa phổ thông cho đồng bào” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 462). Ngày 13.9.1958, khi đến thăm lớp huấn luyện cán bộ cốt cán của ngành giáo dục tổ chức tại Trường bổ túc Công nông Trung ương (nay là địa điểm của Học viện Quản lý Giáo dục), Bác kêu gọi: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Trong Bức thư cuối cùng gửi ngành Giáo dục ngày 16/10/1968, Người xác định: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học kỹ thuật”. Người lưu ý: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó”. Người cũng yêu cầu các cấp bộ Đảng và chính quyền: “Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta nên những bước phát triển mới” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, trang 403, 404). Và trước lúc đi xa, trong Di chúc của mình, Bác đã căn dặn:“Đầu tiên là công việc đối với con người… “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không những quan tâm chăm lo sự nghiệp giáo dục nói chung mà còn quan tâm đến đội ngũ nhà giáo. Đối với đội ngũ thầy cô giáo, Bác nhấn mạnh: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục”. “Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội cho được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”. Phải xây dựng đội ngũ những người thầy giáo tốt - Thầy giáo xứng đáng là thầy giáo. Bác chỉ rõ : “Trách nhiệm vẻ vang của người thầy là chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành những người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sỹ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”. Theo quan điểm của Bác: Thầy giáo phải thật thà yêu nghề của mình, phải có đạo đức cách mạng, phải có chí khí cao thượng, phải “Tiên ưu Hậu lạc”. Nghĩa là khó khăn phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ; phải yên tâm công tác, phải thật thà đoàn kết, phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình; đồng thời phải “luôn luôn ra sức thi đua trong công tác và học tập, thật thà tự phê bình và phê bình để cùng nhau tiến bộ mãi”. Chúng ta biết rằng, không thể có những người trò tốt nếu không có những người thầy tốt. Điểm cốt lõi của vấn đề là phải xây dựng cho được một đội ngũ những người thầy cô yêu trường và yêu nghề, tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Nếu không có những người thầy miệt mài, lặng lẽ chăm sóc, uốn nắn những mầm non của đất nước qua các giai đoạn kế tiếp nhau từ mẫu giáo cho đến khi tốt nghiệp các trường dạy nghề, các trường cao đẳng, đại học và sau đại học thì không thể có những hiền tài - nguyên khí của quốc gia theo đúng nghĩa được.
Sinh thời, Bác cũng đã chỉ ra phương châm giáo dục khoa học là giáo dục phải phục vụ đường lối của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế. Trong việc giáo dục và học tập phải chú trọng đủ các mặt, đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động sản xuất. Phương châm đúng đắn này chi phối đến các phương pháp dạy và học mang tính chủ động, sáng tạo, loại bỏ dần phương pháp truyền thụ một chiều và học theo kiểu học tủ, học vẹt, lý luận suông.
Theo Bác, giáo dục phải chú trọng cả “đức” và "tài”. Bác đặt chữ "đức" lên trước, coi đó là cái gốc của con người, của cách mạng, của công việc. Chữ "đức” gắn liền với chữ “tài". Bác dạy: “Có tài phải có đức. Có tài mà không có đức, tham ô, hủ hóa, có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”. Chữ "đức” mà Bác dạy ở đây chính là đạo đức cách mạng, trung với nước, hiếu với dân; là cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Cái đức giúp cho thế hệ trẻ hình thành nhân sinh quan cách mạng, đồng thời là cơ sở cho việc củng cố thế giới quan khoa học. Chữ "tài" có lúc Bác coi là "chuyên" trong cụm thuật ngữ “hồng” và “chuyên”. Tài và đức thống nhất biện chứng trong con người và được hình thành trong quá trình thực hiện nội dung giáo dục toàn diện: đức, trí, thể, mỹ. Để học sinh có đủ đức, tài thì trước tiên thầy cô giáo phải có đức, có tài, có tâm, có lòng thương yêu học sinh và nghề nghiệp. Bác rất chú ý đến giáo dục bằng hành vi nêu gương. Thầy cô giáo như những tấm gương sáng, mẫu mực để học sinh noi theo. Vì vậy, thầy cô giáo đòi hỏi phải không ngừng học hỏi, rèn luyện để nâng cao tri thức và phẩm chất đạo đức.
Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục & đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI), những lời dạy của Bác Hồ về xây dựng một nền giáo dục tiên tiến càng hết sức phù hợp và cần thiết. Vấn đề đặt ra cho sự nghiệp giáo dục hiện nay là chúng ta phải thấm sâu, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Bác nhằm xây dựng và phát triển một nền giáo dục với chất lượng tốt hơn, hiệu quả cao hơn trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế./.