Chi tiết tin

A+ | A | A-

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc vào công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 14:55 | 17/10/2014 Lượt xem: 691

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vận dụng trong hơn 82 năm qua, thực tiễn đã chứng minh và khẳng định rằng: Một quốc gia dân tộc, bao giờ cũng có các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo khác nhau, song đều có chung lợi ích cao cả của cả dân tộc.

Dân tộc Việt Nam dù có nhiều giai cấp xã hội, dân tộc và tôn giáo khác nhau, song người Việt Nam đều là con Rồng, cháu Lạc “dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba”, có lịch sử hình thành và cội nguồn văn hóa truyền thống lâu đời vững bền, có lợi ích cao cả là độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc “các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
     Quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã tạo dựng và phát triển nên một nền văn hóa truyền thống tốt đẹp, là nền tảng văn hóa tư tưởng của sự hội tụ và đoàn kết dân tộc, là động lực vĩ đại và duy nhất của nhân dân Việt Nam trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
     Độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc là tư tưởng cách mạng vĩ đại, là mục tiêu hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là chìa khóa mở đường tập họp, quy tụ toàn dân tộc dưới ngọn cờ đại nghĩa “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
     Chiến lược đại đoàn kết dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng và sự vận dụng uyển chuyển của Đảng ta trong 82 năm qua đã giành được thắng lợi to lớn. Bây giờ điểm lại tám mươi hai năm trước, trong không khí và hơi thở của mùa xuân Canh Ngọ- năm 1930, Đảng ta ra đời và tuyên ngôn mục tiêu của Đảng là làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản; phải làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập, xây dựng một Nhà nước công- nông- binh, xóa bỏ áp bức bóc lột, đem lại ruộng đất cho dân cày, đem lại quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Mười lăm năm sau- năm Ất Dậu- 1945, với sự lãnh đạo tài tình của Đảng, niềm tin và sức mạnh của cả một dân tộc được nhân lên cao độ, cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa- Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; bốn lăm năm sau- Năm Ất Mão- 1975, nước Việt Nam sạch bóng quân xâm lược, Tổ quốc thống nhất, giang sơn thu về một mối, mở ra một kỷ nguyên mới, đất nước thật sự đã có độc lập; chặng đường đổi mới do Đảng ta khởi xướng, toàn dân tộc sôi động hẵn lên, vững bước đi trên con đường dựng xây ấm nô, hạnh phúc.
     Khối quần chúng đông đảo chỉ trở thành sức mạnh vô địch khi được giác ngộ về mục tiêu cao cả, được tổ chức lại thành một khối vững chắc trên cơ sở của Mặt trận dân tộc thống nhất, được hình thành và phát triển ngày càng hoàn thiện trong tiến trình cách mạng.  Năm 1941, cùng với chủ trương thay đổi chiến lược cách mạng,  Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh giữa lúc nhân dân Việt Nam đang sống quằn quại trong cảnh nước sôi, lửa nóng, lúc quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy, ai cũng muốn có được độc lập, tự do; đó cũng là nổi khát vọng thiêng liêng của cả một dân tộc.
     Thành lập Mặt trận Việt Minh là một điển hình sáng tạo của Hồ Chí Minh về chiến lược đại đoàn kết dân tộc đưa đến thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nhà nước của dân tộc, do dân tộc và vì dân tộc.
     Tiếp đến trong thời kỳ kháng chiến kiến quốc 1945 - 1954, mặt trận dân tộc thống nhất tiếp tục được củng cố và mở rộng. Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam đã ra đời, thực hiện sự đoàn kết quốc dân để làm cho nước Việt Nam được độc lập, thống nhất, dân chủ, phú cường. Hội ra đời tạo điều kiện mới để đoàn kết và tranh thủ những ai có thể tranh thủ được nhằm thống nhất lực lượng quốc gia dân tộc, chống chia rẽ.
     Trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước, Hồ Chí Minh đã giương cao ngọn cờ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và chiến lược đại đoàn kết dân tộc để đẩy mạnh cuộc cách mạng ở miền Nam, thống nhất đất nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra đời, kế tục sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc của Mặt trận Liên Việt.
     Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã được thành lập nhằm tạo điều kiện để mở rộng khối đoàn kết dân tộc dưới ngọn cờ của Mặt trận. Đầu năm 1968, Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình miền Nam Việt Nam ra đời. Đây là một tổ chức thích hợp để thu hút các tầng lớp trung gian và thượng lưu ở thành thị miền Nam vào khối đại đoàn kết dân tộc chống Mỹ cứu nước.
     Trải qua hơn 20 năm chiến đấu, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã thắng lợi hoàn toàn. Non sông đã thu về một mối. Năm 1976, các tổ chức Mặt trận trong cả nước đã được thống nhất lại thành một mặt trận chung lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện sứ mạng đại đoàn kết dân tộc, cùng nhau xây dựng lại đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, làm cho Việt Nam thành một quốc gia dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
     Sau khi cách mạng thành công, nhà nước của dân, do dân tộc và vì dân tộc được thành lập, chiến lược đại đoàn kết quốc gia dân tộc không chỉ được thực thi bằng cách tập hợp lực lượng quần chúng rộng rãi, phong phú về nội dung và hình thức tổ chức, mà còn phải liên hiệp quốc dân ở trong Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan hành chính cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Hồ Chí Minh đề xuất và tổ chức thành công Quốc dân đại hội Tân Trào, lập ra Ủy ban Giải phóng Dân tộc tháng 8 năm 1945 trong đêm trước cuộc Tổng khởi nghĩa, đặc biệt là tổ chức cuộc Tổng tuyển cử toàn dân vào tháng 1 năm 1946, để bầu ra quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc hội của độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và của đại đoàn kết toàn dân, và Quốc hội đã lập chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một chính phủ chung của cả dân tộc chứ không phải là chính phủ riêng của một đảng phái, một giai cấp nào. Đây cũng là một điển hình thành công sáng tạo lớn của Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong tổ chức nhà nước pháp quyền của dân tộc, do dân tộc và vì dân tộc, là một bài học vô cùng quý báu của việc thực thi chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh trong lĩnh vực xây dựng, tổ chức nhà nước.
     Hồ Chí Minh đã thực thi thắng lợi chiến lược đại đoàn kết dân tộc do Đảng Cộng sản là người lãnh đạo duy nhất chính vì Người đã thành công trong việc sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam thành một đảng đạo đức và văn minh, một “Đảng hiện thân cho trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc, một đảng cách mạng tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc Việt Nam”.     
     Trong tất cả mọi người Việt Nam sống ở trong nước hay ở nước ngoài đều luôn luôn tiềm ẩn tinh thần, ý thức dân tộc trong tâm thức của họ. Vì vậy, khơi nguồn và phát triển đến đỉnh cao sức mạnh dân tộc và trí tuệ của con người Việt Nam, thực thi chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh một cách sáng tạo, quy tụ lực lượng dân tộc bằng nội dung và hình thức tổ chức thích hợp với mọi đối tượng tập thể và cá nhân trên cơ sở lấy liên minh công nông và trí thức làm nòng cốt do Đảng Cộng sản lãnh đạo, phấn đấu vì độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của của toàn dân là một bài học kinh nghiệm lịch sử có giá trị bền vững lâu dài, đặc biệt có ý nghĩa chính trị quan trọng trong sự nghiệp thực thi đường lối đổi mới, thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội hiện nay.

Tác giả: Lê Vũ Dũng

Nguồn tin: http://thangbinh.quangnam.gov.vn/Default.aspx?tabid=107&NewsViews=2819

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031290946