Chi tiết tin

A+ | A | A-

Thăng Bình giữ nét dân ca, bài chòi

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 21:53 | 18/04/2025 Lượt xem: 59

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hô hát bài chòi; khuyến khích thành lập và hỗ trợ kinh phí giúp các câu lạc bộ dân ca, bài chòi duy trì khả năng hoạt động, nâng cao hiệu quả, chất lượng trong từng tiết mục biểu diễn,... là cách huyện Thăng Bình đang nỗ lực gìn giữ nét độc đáo Nghệ thuật dân ca, bài chòi, di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO vinh danh.

 

 

Học viên lớp bồi dưỡng kỹ năng nghệ thuật hát dân ca bài chòi huyện Thăng Bình diễn báo cáo kết thúc khoá học (ảnh chụp năm 2024).

 

Những ngày qua, ông Trần Văn Thọ - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) dân ca, bài chòi Bình Trị (Thăng Bình) và các thành viên có thêm nhiều xuất diễn phục vụ bà con trong và ngoài xã. Đáng nói, trong từng buổi diễn, các tiết mục thể hiện của CLB có nội dung phong phú, là những điệu lý phản ánh sự đổi thay phát triển của quê hương 50 năm sau ngày giải phóng, kết quả xây dựng nông thôn mới trên quê hương xã Bình Trị nói riêng, huyện Thăng Bình nói chung,… do chính ông Thọ và các thành viên CLB viết lời và biểu diễn.

Ông Trần Văn Thọ cho biết, cuối năm 2024, ông và một số người yêu thích nhạc dân ca, bài chòi tham gia khóa tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng viết lời và hô hát bài chòi do Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thăng Bình (nay là Phòng Văn hóa - Khoa học và Thông tin) tổ chức. Vốn yêu văn nghệ lại được trang bị kiến thức, kỹ năng,... ông Thọ đã đề xuất lãnh đạo xã thành lập CLB dân ca, bài chòi Bình Trị. CLB có nhiệm vụ tổ chức tập luyện, biểu diễn văn nghệ, khơi dậy niềm đam mê môn nghệ thuật bài chòi sẵn có trong mỗi người dân quê hương ông, đồng thời chú trọng truyền đạt cho thế hệ trẻ nét độc đáo của nghệ thuật dân ca, bài chòi của dân tộc cùng tham gia giữ gìn và phát triển. CLB hiện có 20 thành viên.

"Được tập luyện và biểu diễn các tiết mục nghệ thuật dân ca, bài chòi,…không chỉ là đam mê, khi sinh hoạt CLB chúng tôi có cảm giác như “cá được gặp nước”, được tiếp cận những bài hát mới, thỏa sức hát dân ca, bài chòi phục vụ bà con nên ai cũng rất vui và hào hứng" - ông Trần Văn Thọ nói.

Câu lạc bộ dân ca, bài chòi Bình Trị trong một đêm diễn văn nghệ phục vụ nhân dân xã nhà.

 

Cùng với xã Bình Trị, các xã Bình Hải, Bình Giang, Bình Phú và Bình Định đã có CLB dân ca, bài chòi; hoạt động theo Quy chế được UBND xã phê duyệt thông qua. Cạnh đó, tại các trường học, thôn, tổ đoàn kết thầy cô giáo và người dân còn tự lập các nhóm hát dân ca, bài chòi duy trì sinh hoạt thường xuyên.

Yêu nhạc dân ca, nên từ sớm chị Trần Thị Ánh Hồng công tác tại Đội Thông tin, Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình huyện đã có ý thức tìm hiểu, xâm nhập bộ môn nghệ thuật bài chòi. Chị Hồng chia sẻ, chưa vắng mặt tại các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hát bài chòi do ngành chức năng tổ chức. Theo chị, "học kỹ năng, nét độc đáo của môn nghệ thuật dân ca, bài chòi không bao giờ là thừa, học để hiểu biết, để vận dụng tốt hơn cho công việc của mình. Đến dịp lễ, tết tôi và những người bạn thường kết nối, liên hệ các địa phương tổ chức hô hát bài chòi phục vụ nhân dân và du khách gần xa. Mỗi lần được xướng tên từng con bài như tứ cẳng, bánh ba,...được hát những câu ca quen thuộc như "lấy chồng từ thưở mười ba, đến năm mười tám em đà năm con,..." tại các hội hô hát bài chòi này tôi cảm thấy vui và tự hào, hát cả ngày không nghỉ cũng được" - chị Hồng tâm sự.

Chị Trần Thị Ánh Hồng (áo đỏ) đang hô hát bài chòi tại Lễ hội Bà Chợ Được năm 2025 (xã Bình Triều).

Bà Nguyễn Thị Hiền, quyền Trưởng phòng Văn hóa - Khoa học và Thông tin huyện Thăng Bình cho biết, thực hiện chương trình hành động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể dân ca, bài chòi được UNESCO vinh danh, thời gian qua, Phòng tham mưu tổ chức các lớp truyền dạy, bồi dưỡng kỹ năng thực hành Di sản nghệ thuật bài chòi cho các nghệ nhân, câu lạc bộ, những người có khả năng tiếp thu và thực hành di sản bài chòi. Thông qua đây nhằm giúp người yêu hát dân ca, bài chòi của huyện có điều kiện nắm bắt nội dung lý thuyết về nguồn gốc - sự ra đời của loại hình nghệ thuật dân ca, bài chòi; phương pháp tổ chức, duy trì hoạt động câu lạc bộ/nhóm bài chòi dân gian. Đặc biệt là phần thực hành hướng dẫn hát các làn điệu bài chòi khu V.

 

Bài chòi xứ Quảng luôn là món ăn tinh thần thu hút đông khán giả xem và chơi bài chòi.

Năm 2024, UBND huyện có Quyết định cấp phân bổ kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng cho các địa phương thực hiện Nghị quyết 30/2022/NQ-HĐND và Nghị quyết 08/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh hỗ trợ hoạt động nhà văn hoá - khu thể thao thôn, tổ dân phố. Riêng CLB bài chòi Bình Chánh (xã Bình Phú) được cấp 69 triệu đồng để thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá phi vật thể nghệ thuật Bài chòi.

Được biết, mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 08 quy định nội dung, mức hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2025.

Theo kế hoạch này, ngân sách tỉnh và các địa phương sẽ dành khoảng 5 tỷ đồng trong năm 2025 để thực hiện các nội dung như: Hỗ trợ nghiên cứu, kiểm kê Di sản phi vật thể nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ số hóa, tư liệu hóa di sản; hỗ trợ truyền dạy, bồi dưỡng, thực hành di sản.

Ngoài ra, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị và duy trì hoạt động các câu lạc bộ/đội/nhóm bài chòi tại cộng đồng; hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi; hỗ trợ tổ chức các đợt sáng tác các tác phẩm về dân ca bài chòi...

“Thăng Bình phân bổ 78 triệu đồng, trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 39 triệu đồng, ngân sách huyện 39 triệu đồng góp phần thực hiện tốt chính sách bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hoá nghệ thuật dân ca bài chòi trong nhân dân" - bà Hiền cho biết thêm.

 

Tác giả: Hồng Năm

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000030733214